'Hiệu ứng Domino' ở châu Phi?

GD&TĐ - Gần đây, một số thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi nhận được sự chú ý của giới quan sát vì các cuộc đảo chính quân sự.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Gần đây, một số thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi nhận được sự chú ý của giới quan sát vì các cuộc đảo chính quân sự. Mới nhất, đảo chính xảy ra ở Gabon - quốc gia sản xuất dầu mỏ nằm ở khu vực Trung Phi.

Ngày 30/8, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao Gabon tuyên bố lên nắm quyền kiểm soát đất nước. Thông báo được đưa ra ngay sau khi Cơ quan bầu cử Gabon cho biết Tổng thống Ali Bongo Ondimba (64 tuổi) tái đắc cử nhiệm kỳ ba với 64,27% phiếu bầu.

Trước đó, đảo chính đã diễn ra ở Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad… và Niger hồi tháng 7. Theo Đài Deutsche Welle, các chuyên gia giải thích xu hướng đảo chính đáng lo ngại tại các quốc gia nói trên là do tỷ lệ nghèo đói cao, sự quản lý yếu kém, cũng như ảnh hưởng quá mức của Pháp.

Người dân ở các nước này ngày càng mất hy vọng vào nền dân chủ và khao khát có sự thay đổi. Bà Nathalie Mezo - nhà hoạt động vì nữ quyền ở Gabon cho rằng, cuộc đảo chính tại nước này là có thể đoán trước được.

Theo trang The Conversation, tính đến năm 2012, đã có hơn 200 cuộc đảo chính và nỗ lực đảo chính ở châu Phi. Cứ 55 ngày lại có một cuộc đảo chính xảy ra trong những năm 1960 và 1970. Hơn 90% các quốc gia châu Phi từng trải qua đảo chính.

Sau Chiến tranh Lạnh, châu Phi hướng tới tiến trình dân chủ, ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên chính trị và pháp quyền. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị khu vực cho rằng, nền dân chủ ở châu Phi có xu hướng hời hợt, phần lớn mang tính hình thức. Do đó, các điều kiện gây ra đảo chính vẫn tồn tại.

“Các nước châu Phi đều có những điều kiện chung cho những cuộc đảo chính, như nghèo đói và hiệu quả kinh tế yếu kém. Khi một quốc gia xảy ra đảo chính, đó thường là điềm báo về nhiều cuộc đảo chính khác trong khu vực”, ông Jonathan Powell - nhà nghiên cứu người Mỹ nhận định.

Cuộc đảo chính không chỉ khiến trái phiếu của Gabon sụt giảm 10% giá trị, mà còn ảnh hưởng đến trái phiếu của một số quốc gia khác như Cameroon. Hiện, các nhà đầu tư lo lắng xu hướng này sẽ lan rộng ở châu Phi và tạo thành “hiệu ứng Domino”. Ông Sergey Dergachev - nhà quản lý danh mục đầu tư tại Công ty Union Investment (trụ sở Đức) - cho biết: “Gần như tất cả các thị trường trong khu vực đó đang phải trả giá khi chi phí nợ gia tăng”.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy chi phí đã tăng lên. Ước tính cuộc đảo chính ở Guinea năm 2008 và cuộc đảo chính ở Mali năm 2012 đã gây thiệt hại tổng cộng 12 - 13,5 tỷ USD cho nền kinh tế của hai nước này trong khoảng thời gian 5 năm. Nghiên cứu cho biết, con số này tương đương 76% tổng sản phẩm quốc nội năm 2008 của Guinea và gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội năm 2012 của Mali.

Cuộc đảo chính ở Gabon không chỉ làm tổn hại đến trái phiếu của nước này, mà còn tăng phí bảo hiểm lãi suất. Đây là khoản bồi thường mà nhà đầu tư yêu cầu để đổi lấy việc chấp nhận rủi ro lãi suất khi nắm giữ trái phiếu thuộc chỉ số châu Phi Nexgem của Ngân hàng JP Morgan.

Trong khi đó, trái phiếu của Cameroon cũng mất giá nhiều hơn kể từ cuộc đảo chính ở Gabon. Senegal cũng là quốc gia rơi vào tình huống tương tự. Ngay cả ở Kenya - một nền dân chủ vững chắc, các nhà đầu tư cũng cảnh báo rằng, tâm lý lo ngại rủi ro chung có thể đẩy chi phí phát hành trái phiếu mới lên cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ