Trẻ em gái châu Phi bỏ học vì khủng hoảng chi phí

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 và chi phí thực phẩm, năng lượng tăng cao trong 18 tháng qua đã khiến nhiều trẻ em tại châu Phi không thể đến trường.

Giáo dục cho trẻ em gái được cho là quan trọng hơn việc đưa trẻ đến trường.
Giáo dục cho trẻ em gái được cho là quan trọng hơn việc đưa trẻ đến trường.

Đại dịch Covid-19 và chi phí thực phẩm, năng lượng tăng cao trong 18 tháng qua đã khiến nhiều trẻ em tại châu Phi không thể đến trường. Đại dịch cũng hạn chế cơ hội tìm được việc làm và thu nhập độc lập.

Đình trệ

Đôi mắt sáng và thông minh, một cô gái trẻ đến từ ngôi làng nhỏ ở Malawi chia sẻ mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ chỗ phải dậy sớm, dọn dẹp, nấu nướng, cô có rất ít cơ hội được đến trường, càng không có tương lai nghề nghiệp.

“Bởi vì tôi là con gái nên có ước mơ. Khi lớn lên, tôi muốn trở thành bác sĩ, thẩm phán hoặc có thể là nhà khoa học. Cùng nhau, chúng ta có thể cho mọi người thấy các cô gái khiến cộng đồng trở nên mạnh mẽ và giàu có hơn như thế nào! Hãy cho tôi một cơ hội và tôi sẽ nắm bắt nó từ đó”, cô chia sẻ và tự tin khẳng định, với trình độ học vấn, cô có thể giúp đỡ các chị em và bạn bè của mình.

Đoạn video dài ba phút do Plan International - một nhóm vận động toàn cầu về trẻ em có trụ sở tại Vương quốc Anh sản xuất. Video kể về những thách thức gần như không thể vượt qua mà các bé gái trong độ tuổi đi học ở những khu vực nghèo nhất thế giới, bao gồm châu Phi, phải đối mặt. Câu chuyện của cô phản ánh tình cảnh của hàng triệu cô gái trên khắp thế giới có triển vọng bị hạn chế nghiêm trọng vì không thể hoàn thành việc học.

Theo Báo cáo Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ 2014 - một báo cáo thường niên của Liên Hợp Quốc theo dõi tiến độ đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ, khoảng 33 triệu trẻ em ở châu Phi cận Sahara đã nghỉ học vào năm 2012.

Ví dụ, Nigeria có khoảng 5,5 triệu bé gái không được đến trường. Con số này ở Ethiopia là hơn một triệu. Mặc dù tình hình có khác nhau giữa các quốc gia, cũng như giữa khu vực nông thôn và thành thị, nhưng nhìn chung, 56% là trẻ em gái.

UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, cho biết chắc chắn rằng, nỗ lực toàn cầu thúc đẩy giáo dục phổ cập đã thu hẹp khoảng cách giới tính trong tuyển sinh tiểu học từ năm 2001 - 2008. Tuy nhiên, trong bảy năm qua, khoảng cách dường như vẫn giữ nguyên.

Tình trạng nghèo đói lan rộng và các quan điểm văn hóa dai dẳng, bao gồm cả hôn nhân cưỡng bức và lao động trẻ em, tiếp tục là những trở ngại chính đối với việc giáo dục trẻ em gái ở châu Phi.

Theo báo cáo của Plan International, những trở ngại khác bao gồm chi phí giáo dục, mại dâm trẻ em, mang thai sớm và khoảng cách xa đến trường. “Nghèo đói là nguyên nhân của nhiều thách thức cản trở khả năng tiếp cận giáo dục ở các bé gái. Áp lực của nghèo đói có nghĩa là cha mẹ phải liên tục đưa ra quyết định về cách sử dụng nguồn lực hạn chế và cách tốt nhất để đảm bảo tương lai an toàn cho gia đình họ”, báo cáo lưu ý.

Tại các gia đình nghèo, chủ yếu ở vùng nông thôn, con trai cần phải đến trường, trong khi con gái ở nhà giúp gia đình. Những phụ huynh này có niềm tin rằng, việc nhà là bài học đủ để con gái học cách duy trì gia đình.

Ngay cả khi ngày càng có nhiều bé gái đăng ký vào trường tiểu học thì nguy cơ bỏ học của các em vẫn lớn hơn so với trẻ em trai. Các bé gái có thể bị cha mẹ cho nghỉ học vì những lý do không chỉ liên quan đến chi phí, mà còn do mang thai ngoài ý muốn do bị giáo viên nam hoặc những người lớn nam khác trong cộng đồng lạm dụng.

Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách cụ thể đã được khởi xướng từ hơn hai thập kỷ trước và được thực hiện trong thế kỷ 21. Những chính sách đó đã giúp cải thiện con số một cách đáng kể.

Các biện pháp bao gồm giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn học phí tại cơ sở công ở những khu vực nghèo khó, khiến môi trường học đường trở nên nhạy cảm về giới, chẳng hạn như hỗ trợ học sinh mang thai và tăng số lượng giáo viên nữ. Tuy nhiên, tác động của những chính sách này dường như đã gặp phải trở ngại.

Theo UNESCO, những lý do đằng sau tỷ lệ tuyển sinh nữ giảm bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, các tình huống khẩn cấp gia tăng dẫn đến chuyển hướng nguồn lực vốn đã khan hiếm khỏi đầu tư trung và dài hạn vào giáo dục, gia tăng xung đột và dân số tăng nhanh.

Phụ nữ trẻ học trong phòng thí nghiệm khoa học tại Đại học Mogadishu (Somalia).

Phụ nữ trẻ học trong phòng thí nghiệm khoa học tại Đại học Mogadishu (Somalia).

Nền giáo dục an toàn cho trẻ em

Do đó, cần phải đưa ra những chính sách mạnh mẽ hơn để vực dậy tiến bộ. UNESCO và UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đang khuyến nghị các nước tập trung vào đầu tư rộng rãi để củng cố và mở rộng hệ thống giáo dục. Tập trung mạnh mẽ vào việc cải thiện chất lượng giáo dục được cung cấp và các biện pháp can thiệp có mục tiêu cho những trẻ em khó tiếp cận nhất.

Trong một báo cáo chung công bố vào đầu năm 2015 có tựa đề “Khắc phục những thất hứa về giáo dục cho mọi người - Những phát hiện từ Sáng kiến toàn cầu về trẻ em ngoài nhà trường”, hai cơ quan cho biết, ưu tiên là đảm bảo rằng ngay cả nhóm dễ bị tổn thương nhất và trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn được học ở một ngôi trường gần nhà. Trong đó, ngôi trường đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất về sự an toàn, riêng tư và sạch sẽ

Bên cạnh đó, thời gian qua, tổ chức phi lợi nhuận Camfed đã kêu gọi kế hoạch 6 năm để đưa 6 triệu bé gái đến trường. Tổ chức này đồng thời cảnh báo, tỷ lệ bỏ học đang hạn chế cơ hội của trẻ em.

Cụ thể, tổ chức từ thiện này đã cảnh báo rằng, các chính phủ và nhà tài trợ cần phải nỗ lực gấp đôi để khuyến khích trẻ em gái trên khắp châu Phi trở lại trường học. Cảnh báo này được đưa ra sau khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến nhiều người từ bỏ việc học để làm những công việc lương thấp hoặc kết hôn sớm.

Camfed - hoạt động tại 5 quốc gia châu Phi, cho biết mô hình hợp tác của họ đã chứng minh điều này có thể đạt được. Đồng thời, kêu gọi lập kế hoạch 6 năm để đưa 6 triệu bé gái đến trường. Đại dịch Covid-19 và chi phí thực phẩm, năng lượng tăng cao trong 18 tháng qua đã khiến nhiều trẻ em không thể đến trường.

Đại dịch cũng hạn chế cơ hội tìm được việc làm lành nghề và thu nhập độc lập. Người đứng đầu Camfed - Angeline Murimirwa, hy vọng sẽ huy động được ngân sách đề xuất là 414 triệu USD để giải quyết vấn đề này.

Sau ba thập kỷ hỗ trợ giáo dục ở Ghana, Malawi, Tanzania, Zambia và Zimbabwe, tổ chức này đã giúp 1,8 triệu bé gái vào học trung học và 6,4 triệu bé trai và bé gái vào các trường tiểu học và trung học. Tổ chức từ thiện này muốn hỗ trợ thêm 5 triệu bé gái vào trường trung học trong cuối năm 2029.

Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ từ các nhóm trước đó đảm nhận vai trò lãnh đạo và làm việc. Tổ chức từ thiện cho biết, việc hợp tác với mạng lưới 7 nghìn trường công lập đã giúp tăng mạnh số lượng nữ sinh hoàn thành chương trình giáo dục - tỷ lệ cao gấp ba lần so với nữ sinh ở các trường khác.

Đồng thời, nâng cao lòng tự trọng của các nữ sinh. Từ đó, dẫn tới sự chậm trễ trong độ tuổi kết hôn và mang thai lần đầu ở các nữ sinh tại châu Phi.

Bà Murimirwa cũng là người từng được Camfed hỗ trợ trong quá trình học tập. Bà cho biết, tỷ lệ bỏ học cao trong thời kỳ đại dịch đã được ngăn chặn ở các trường nơi tổ chức từ thiện này hoạt động.

Chia sẻ từ Malawi - nơi 46% bé gái kết hôn trước 18 tuổi, bà Murimirwa cho biết: “Hơn 90% bé gái có thể đi học lại sau khi các hạn chế của Covid được dỡ bỏ vì chúng tôi đã theo dõi, giữ liên lạc và giúp họ quay trở lại”.

Bất chấp những nỗ lực này, ở nhiều quốc gia chỉ có một tỷ lệ nhỏ bé gái hoàn thành chương trình giáo dục trung học. Ở Zambia, chỉ có 3% nữ sinh hoàn thành bậc trung học. Các cô gái cũng phải đối mặt với việc cộng đồng của họ ưu tiên hôn nhân.

Trong hơn ba thập kỷ, Camfed đã giúp 1,8 triệu bé gái được học trung học và 6,4 triệu bé trai và bé gái vào học tiểu học và trung học.

Trong hơn ba thập kỷ, Camfed đã giúp 1,8 triệu bé gái được học trung học và 6,4 triệu bé trai và bé gái vào học tiểu học và trung học.

Theo UNICEF, 129 triệu trẻ em gái trên toàn thế giới không được đến trường. Trong đó, có 32 triệu trẻ ở độ tuổi tiểu học và 97 triệu trẻ ở độ tuổi trung học. Các chính phủ và cơ quan phương Tây như Ngân hàng Thế giới đã thừa nhận những lợi ích to lớn của việc giáo dục trẻ em gái, không chỉ ở năm quốc gia nơi Camfed hoạt động.

Giống như các bạn gái ở các nền kinh tế phát triển, trẻ em gái có trình độ học vấn cao hơn ở những nước đang phát triển có nhiều khả năng tham gia vào thị trường lao động chính thức. Đồng thời, những người này sẽ có thu nhập cao hơn.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2018 ước tính rằng “cơ hội giáo dục hạn chế dành cho trẻ em gái và rào cản hoàn thành 12 năm giáo dục đã khiến các quốc gia thiệt hại từ 15 nghìn tỷ USD đến 30 nghìn tỷ USD năng suất lao động và thu nhập suốt đời”.

Vào thời điểm đó, tổ chức này cho biết: “Người ta đã công nhận rộng rãi rằng, phụ nữ được giáo dục tốt có xu hướng hiểu biết nhiều hơn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, sinh ít con hơn, kết hôn muộn hơn. Đồng thời, con của họ thường khỏe mạnh hơn nếu họ trở thành mẹ”.

Bà Murimirwa cho biết, hơn 600 nghìn cô gái đã nhận được hỗ trợ từ một chương trình do Văn phòng Phát triển và Khối thịnh vượng chung, một đối tác và nhà tài trợ lâu năm.

Giáo dục cho trẻ em gái được cho là quan trọng hơn việc đưa trẻ đến trường. Bà Rebecca Winthrop - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Phổ thông tại Viện Brookings, một tổ chức nghiên cứu theo chủ nghĩa tự do của Mỹ, cho biết: “Một bước cơ bản đối với cộng đồng giáo dục là tập trung lại năng lượng vào việc học tập của bé gái và bé trai. Đồng thời, vượt ra ngoài mục tiêu chỉ đưa học sinh đến trường. Chúng tôi biết rằng, nếu trẻ em gái đang xây dựng kỹ năng và kiến thức thì các gia đình sẽ có nhiều khả năng cho các em đi học hơn”. Lý do là vì các gia đình có thể thấy được lợi ích của việc đi học.

Theo The Guardian; UN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.