Sáng chế hỗ trợ nông dân của học sinh vùng rốn lũ

GD&TĐ - Trăn trở trước thu nhập bấp bênh của người dân địa phương trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, hai HS Trương Tân Hóa và Đinh Ngọc Thanh - Trường THCS Tân Hóa (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã mày mò nghiên cứu, sáng chế thiết bị lên men củ tỏi với đề tài “Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”. 

Sáng chế hỗ trợ nông dân của học sinh vùng rốn lũ

Đề tài không chỉ đạt giải cao trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS THCS do Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam tổ chức, mà còn là một giải pháp giúp người dân địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ý tưởng nảy sinh từ sự lam lũ của cha mẹ

Đến Trường THCS Tân Hóa (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi thật sự xúc động khi được gặp và lắng nghe những lời tâm sự của 2 em HS là Trương Tân Hóa - lớp 9B và Đinh Ngọc Thanh - lớp 9A, về động lực thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học – kỹ thuật.

Cùng sinh ra và lớn lên trên vùng “rốn lũ” xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), tuổi thơ của 2 em gắn bó với ruộng đồng và những trận lũ ngập nhà. Thương bà con và cha mẹ lam lũ lao động mà vẫn sống trong cơ cực, nghèo khó vì mưa lũ, thiên tai tàn phá. Tân Hóa, Ngọc Thanh quyết tâm tìm cách giúp cho gia đình và bà con quê mình bằng con đường nghiên cứu khoa học.

Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo, 2 em đã cho ra đời thành công sản phẩm tỏi đen được lên men từ năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình. Đề tài của các em không những tạo ra hướng đi mới giúp cho người dân vùng lũ thoát nghèo mà còn giúp các em đạt giải cao trong các cuộc thi từ cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Nói về đề tài nghiên cứu này, em Trương Tân Hóa chia sẻ: Hiện nay, các thiết bị lên men tỏi đen có trên thị trường hoàn toàn sử dụng bằng điện lưới, nên mỗi khi mất điện, máy không hoạt động được dẫn đến tỏi lên men rất hay bị hư hỏng và quá trình lên men ít khi thành công. Do đó, chúng em có ý tưởng nghiên cứu, chế tạo “thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” với mong muốn tạo ra một sản phẩm hữu ích giúp bà con nghèo ở quê em có thêm cách để tăng được giá trị củ tỏi để vươn lên thoát nghèo, vừa tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên, bảo vệ môi trường.

Thiết bị phù hợp với vùng quê nghèo

Theo thầy Cao Hùng Thọ - giáo viên môn Hóa học, Trường THCS Tân Hóa, người trực tiếp hướng dẫn Tân Hóa và Ngọc Thanh thực hiện đề tài, tỏi trắng khi lên men từ 35 - 50 ngày trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm chính xác thì sẽ biến thành tỏi đen. Sau khi chuyển qua màu đen, tỏi có vị chua ngọt, mùi thơm, giá trị về dinh dưỡng cũng như kinh tế của củ tỏi tăng gấp nhiều lần. Sau khi tỏi đen được lên men bằng năng lượng mặt trời, đem so sánh với một số sản phẩm tỏi đen bán trên thị trường thì thấy màu sắc và mùi vị đều giống nhau.

“Sau khi sản phẩm tỏi đen của các em được lên men, tôi đã gửi mẫu tới các cơ sở kiểm nghiệm có uy tín để kiểm tra các chỉ tiêu về mặt hóa học và vi sinh đều cho kết quả đạt yêu cầu. Tổng chi phí cho 1 thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời này có giá thành khoảng 2 triệu đồng và chỉ gần bằng 1/10 giá của một máy lên men tỏi đen chạy bằng điện năng, có cùng công suất bán trên thị trường.

Trong khi đó, mỗi cân tỏi đen có giá bán trên thị trường hiện tại khoảng 1 triệu đồng. Nếu mô hình của các em được nhân rộng sẽ rất phù hợp cho các hộ trồng tỏi ở những vùng quê nghèo. Không những thế, thiết bị này còn có thể dùng để ấp các loại trứng gà, ngan, vịt…. Hiện tôi và các em HS đang làm hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả, cải tiến lại mẫu mã và một số bộ phận để sản phẩm hoạt động tốt hơn”, thầy Thọ cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ