Ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn: Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Song, yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Chương trình, sách giáo khoa mới cần kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.
Đồng thời, đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông cũng cần theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên.
Để thực hiện đạt hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cho rằng, cần có đội ngũ giáo viên và điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường phù hợp với thiết kế chương trình học.
Do vậy, cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và các điều kiện dạy và học trong các nhà trường.
Điều cần phải làm ngay là làm tốt công tác tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, đến các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh,…để có nhận thức đúng, đầy đủ về đổi mới giáo dục phổ thông; đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện.
Cùng với đó là thực hiện tốt, có hiệu quả, đảm bảo chất lượng kỳ thi quốc gia theo đúng lộ trình.
Ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Sẽ có rất nhiều việc phải làm ngay
Thứ nhất, điều này đáp ứng kịp thời và cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới GD&ĐT được thể hiện trong Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT; đồng thời, qua đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT của đất nước.
Nghị quyết mới về chương trình, sách giáo khoa được thông qua còn làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết kịp thời những bất cập, hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông nói riêng và nền GD&ĐT hiện hành của Việt Nam nói chung;
Bên cạnh đó, thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng dự thảo Đề án Chương trình, sách giáo khoa mới lần này, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về qui trình, thủ tục, nhất là các nội dung có tính khả thi, phù hợp với việc xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, đủ sức hội nhập.
Do vậy, khi thông qua dự thảo, hầu hết các đại biểu Quốc hội đã nhất trí cao về các nội dung Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ý kiến các đại biểu Quốc hội tập trung tô đậm thêm những nội dung đã được Đề án nêu ra.
Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới vào năm 2018 - 2019, tôi cho rằng, ngành GD&ĐT trên cả nước nói chung và Giáo dục KonTum nói riêng, cần tính đến các công việc trước mắt cũng như lâu dài.
Trước mắt, cần tuyên truyền rộng rãi nội dung Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đến mọi đối tượng trong ngành GD&ĐT và các tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp và nhân dân.
Tiếp tục thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm các nội dung có liên quan đến nội dung chương trình, sách giáo khoa mới như: Mô hình trường học mới (VNEN), Bàn tay nặn bột, Công nghệ giáo dục tiếng Việt ở cấp tiểu học.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong thời gian vừa qua.
Cũng cần chuẩn bị rà soát, điều chỉnh bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương để tiến tới triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục địa phương theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tham gia đóng góp về việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Về lâu dài, ngành GD&ĐT cần tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể về tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Cùng với đó, lấy ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, cộng đồng để quyết định sử dụng bộ sách giáo khoa phù hợp với địa phương.