Đó là nội dung Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông vừa được Quốc hội thông qua với đa số phiếu tán thành vào chiều 28-11, ngay trước lễ bế mạc kỳ họp thứ 8.
Nghị quyết Quốc hội đã tán thành chủ trương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Đề án của Chính phủ.
Và Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Nghị quyết cũng đề nghị cần kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống.
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.
Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên.
Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.
Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.
Xã hội hóa biên soạn SGK
Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.
Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời dành thời lượng cho cơ sở giáo dục chủ động vận dụng để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
Thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh dựa vào chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước được nêu trong dự toán ngân sách hàng năm của Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Quốc hội đề nghị Chính phủ phê duyệt hai đề án bổ trợ
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày cho biết, về chủ trương xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn mà chỉ tổ chức thẩm định sách giáo khoa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để chủ động có được chương trình, sách giáo khoa đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình chung, Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhằm bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi của học sinh và cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai Đề án là đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quản lý nhà nước về giáo dục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng quy trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải khoa học, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan, công bằng. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Chính phủ cần chỉ đạo ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục với sự bàn bạc dân chủ của giáo viên, phụ huynh, học sinh và ngăn ngừa tác động tiêu cực.
Chính phủ cần nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa bảo đảm công bằng, không phân biệt sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn hay do các tổ chức, cá nhân biên soạn.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt và triển khai đồng thời Đề án đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề và Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, để bảo đảm triển khai thành công Đề án để tạo điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa đổi mới.