* Thưa ông, để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã có chuẩn bị như thế nào về đội ngũ giáo viên?
- Thứ nhất, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các trường THPT phổ biến chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) tổng thể, chương trình môn học và tài liệu (dạng hỏi – đáp) về CT GDPT mới của Bộ GD&ĐT đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) để tìm hiểu, nghiên cứu. Từ đó tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Bộ GD&ĐT, Ban soạn thảo chương trình. Hiện nay, cơ bản các CBQL, GV trong tỉnh đều đã nắm được mục tiêu, nguyên tắc, định hướng và các giải pháp thực hiện CT, SGK mới.
Thứ hai, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị, thành đã hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, học sinh. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch về sắp xếp lại quy mô, hệ thống trường, lớp học. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện thị thành đã chỉ đạo các trường phổ thông đã tiến hành tổng rà soát đội ngũ CBQL, GV hiện có, thực hiện đánh giá nghiêm túc CBQL, GV theo chuẩn.
Hiện nay, Sở GD&ĐT cùng UBND các huyện, thị thành đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kế hoạch sắp xếp, bố trí đội ngũ đảm bảo thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, gắn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW), kế hoạch cử GV đi bồi dưỡng tập huấn thực hiện CT, SGK mới theo lộ trình triển khai của Bộ GD&ĐT.
Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ |
Thứ ba, Sở GD&ĐT cũng đã hình thành và phát triển được đội ngũ CBQL, GV cốt cán ở từng môn học, cấp học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng GV và triển khai CT, SGK mới: Tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng của Bộ tổ chức, tham mưu xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng CBQL, GV của tỉnh, đồng thời đang tích cực tham gia biên soạn tài liệu giáo dục địa phương ...
Thứ tư, Sở GD&ĐT đã thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực GV, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó tập trung một số năng lực cốt lõi để thực hiện CT, SGK mới như năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát triển chương trình nhà trường...
* Nói đến hoạt động trải nghiệm sáng tạo (HĐ TNST), được biết hoạt động này sẽ xuyên suốt quá trình học tập, từ tiểu học đến THPT. Vậy Sở đã hình dung những việc phải làm như thế nào để HĐ TNST được triển khai có hiệu quả trong các trường học?
"Do dạy học tích hợp cần tăng cường hoạt động thực hành và trải nghiệm nên giáo viên cần bỏ nhiều công sức chuẩn bị hơn. Do đó giáo viên cần phải có tinh thần trách nhiệm và ý thức nghề nghiệp cao hơn".
- Để HĐ trải nghiệm được triển khai có hiệu quả, chúng tôi xác định: Kết quả giáo dục trong hoạt động trải nghiệm phải được xem là một tiêu chí xếp loại HS, GV và nhà trường giống như kết quả giáo dục trong các môn học. Vì hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, nên tuỳ theo cách tổ chức phải huy động được sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: GVCN lớp, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, tổng phụ trách Đội, BGH nhà trường, cha mẹ học sinh. Nhà trường cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương...
Cùng với đó, các trường cần có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất đồ dùng thiết bị như: Đồ dùng để trình diễn, dụng cụ lao động phù hợp với hoạt động lao động; đồ dùng để phục vụ hoạt động tập thể; đồ dùng để thực hành.
Song chúng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là đội CBQL GV tổ chức HĐ TNST phải nhận có nhận thức đúng đắn về vị trí vai trò của hoạt động này trong việc hình thành phát triển năng lực phẩm chất học sinh, có tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức hiệu quả các HĐ.
* Cùng với HĐ TNST, dạy học tích hợp cũng sẽ được chú trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vậy Sở có những lưu ý gì đối với giáo viên để họ có thể bắt nhịp với CT, SGK mới?
- Trong CT GDPT mới đối với cấp THCS có môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lí (tích hợp 2 môn Lịch sử, Địa lí), ngoài ra các môn học khác cũng được quán triệt tinh thần tích hợp với các nội dung liên quan vào trong các bài học cụ thể. Để thiện tốt việc dạy học tích hợp, các trường phổ thông và GV cần lưu ý: Trong những năm đầu tiên thực hiện CT mới, cần bố trí GV phù hợp với mạch nội dung dạy học trên nguyên tắc giáo viên thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó.
Từ nay đến khi thực hiện CT, SGK mới, GV cần đi tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT (phối hợp với các trường sư phạm) để có thể dạy tốt môn học. Ngoài ra, GV dạy tích hợp dần dần sẽ được đào tạo (theo cơ chế tín chỉ) để có thể đảm nhận thêm những nội dung mới mà mình chưa được đào tạo trước đây.
Công tác phân công GV và xếp thời khóa biểu chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nhưng cần đảm bảo tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không nên tách riêng ra từng phần cho từng giáo viên dạy riêng rẽ.
Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý là 2 môn học, không phải các môn học riêng rẽ cộng lại một cách cơ học nên hoạt động chuyên môn trong nhà trường cần bố trí lại theo hướng một môn học, giáo viên trong tổ bộ môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hỗ trợ lẫn nhau những nội dung và chủ đề tích hợp.
Xin cảm ơn ông!