Sáng 9/11 tại Hà Nội diễn ra lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi Pháp luật học đường năm 2020 với chủ đề Kiến thức pháp luật- Hành trang vững bước tương lai. Dự lễ tổng kết có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể cùng các thí sinh đạt giải, các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV gửi lời cảm ơn và chúc mừng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đến Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi, các thí sinh, các nhà trường đã tích cực tham gia và đạt giải cao trong cuộc thi.
Ông Bùi Văn Linh cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò hết sức quan trọng đối với toàn xã hội nói chung và ngành GD nói riêng. Với quy mô hơn 23 triệu trẻ MN, HSSV, hơn 1,4 triệu CBQLGD, nhà giáo, nhân viên (gần 1/4 dân số nước ta), Bộ GD&ĐT luôn đặc biệt quan tâm đến công tác pháp chế.
Với việc tích cực triển khai công tác phố biến, giáo dục pháp luật, ngành GD đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tuyệt đại đa số HSSV, CBQL, nhà giáo trong ngành GD đều là những công dân tích cực, sống, học tập và làm việc theo pháp luật; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, HSSV có lý tưởng cách mạng, có đạo đức, lối sống văn hóa, có kỹ năng phòng tránh TNXH, tham gia tích cực hoạt động vì cộng đồng, yêu lao động, tương thân tương ái, giúp đỡ bạn bè khó khăn và biết thương yêu trong gia đình.
Cuộc thi “Pháp luật học đường” do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức là cuộc thi rất ý nghĩa về giáo dục kiến thức pháp luật được tổ chức ở quy mô toàn quốc theo hình thức thi trực tuyến.
Cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa lớn trong cộng đồng và xã hội, tạo ra một sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, ý nghĩa, góp phần đổi mới phương pháp học tập, tìm hiểu pháp luật trong nhà trường, giáo dục ý thức, thói quen tìm hiểu pháp luật, qua đó hình thành thế hệ công dân trẻ mẫu mực về kiến thức, hiểu biết và ứng xử, là người có tài, có đức để gánh vác tương lai của đất nước.
Việc tổ chức cuộc thi dưới hình thức trực tuyến đã góp phần đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động giáo dục pháp luật trong nhà trường theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Để ghi nhận thành công của cuộc thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định tặng bằng khen cho 5 thí sinh đoạt giải cao và 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc tham gia cuộc thi.
Bộ GD&ĐT cam kết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ ngành, đơn vị liên quan trong việc tổ chức, triển khai Cuộc thi “Pháp luật học đường” các năm tiếp theo và nhiều hoạt động khác góp phần đẩy mạnh và đổi mới công tác phố biến, giáo dục pháp luật.
Tại lễ tổng kết, thí sinh đạt giải Nhất được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; thí sinh đạt giải Nhì, Ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; thí sinh đạt giải khuyến khích được tặng bằng khen của Trung ương Đoàn.
Có 5 trường học được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và 10 địa phương tiêu biểu, 17 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tổ chức vuộc thi được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.