1.
Tại trường tôi, thầy H là một giáo viên dạy thể dục rất nhiệt tình. Trong giờ dạy, thầy luôn yêu cầu học sinh luyện tập đúng giáo án đề ra. Học sinh nào luyện tập không đủ khối lượng vận động sẽ phải tập đến khi nào hoàn thành mới được cho nghỉ. Lớp tôi chủ nhiệm có N là một học sinh lười vận động. N thường hay viện dẫn nhiều lí do để được nghỉ tập hoặc miễn một số bài tập trong giờ thể dục. Tôi cũng nhắc nhở nhiều lần. N hứa sẽ thay đổi, tích cực hơn nhưng chưa có chuyển biến rõ.
Buổi học hôm đó, lớp được học kỹ thuật chạy cự li trung bình. Thầy H đưa ra mức chuẩn để luyện tập là mỗi học sinh phải chạy đủ 400m, tương ứng với một vòng sân trường. Lần lượt các nhóm xuất phát rồi hoàn thành như quy định. Đến lượt N, em cũng vào đường chạy với các bạn. Nhưng thay vì chạy đúng một vòng quanh trường, N lại chạy tắt ngang theo đường chéo để rút ngắn khoảng cách so với các bạn.
Thầy H phát hiện được, yêu cầu N thực hiện đúng bài tập nhưng em không làm mà còn có lời lẽ thiếu lễ phép với thầy. Không kiềm chế được cơn giận, thầy H đã tát tai em. Sự việc sau đó đến tai gia đình N. N báo cho thầy H biết gia đình em sẽ có cách đối phó với thầy vì tội dám đánh N. Thầy H liền trình báo cho ban giám hiệu nhà trường và nhìn nhận sai phạm của mình. Sau đó thầy tìm cách gặp cha N để nói lời xin lỗi. Cha N không đồng ý gặp và bắn tin sẽ “lấy lại công bằng cho con”.
Những ngày tiếp đó, cha N huy động hàng chục người đến tận trường để giải quyết vụ việc. Thấy tình hình không ổn, ban giám hiệu cho thầy H nghỉ vài hôm để tránh hậu quả xấu. Bấy giờ đã là những ngày cuối năm, học sinh chuẩn bị nghỉ tết. Cha N thông báo ngày trường tổ chức học lại sẽ “tính sổ” với thầy H. Ban giám hiệu suy nghĩ mãi, cuối cùng giao cho tôi giải quyết vì biết cha N là bạn học với em trai tôi từ hồi phổ thông, tôi lại là chủ nhiệm lớp.
Ba ngày liền tôi tìm đến gặp cha N nhưng ông không tiếp. Tôi quyết định đêm giao thừa đến nhà N, ông miễn cưỡng tiếp chuyện tôi. Tôi nói rõ ý định xin hòa giải của thầy H. Thoạt đầu, cha N không chịu, khăng khăng chí ít cũng phải tát tai thầy H tại trường như thầy H đã đánh con ông.
Tôi từ từ khuyên giải cha N. Tôi cũng cho biết thầy H hành động như thế là sai, trường sẽ có hình thức kỷ luật thầy. Sau đó, tôi cũng nói rõ cho cha N biết nếu làm hại đến tính mạng thầy H là cha N vi phạm pháp luật và phải chịu hậu quả nặng nề. Còn N chắc chắn khó mà học ở trường vì dư luận đối với một học sinh có cha làm hại thầy giáo.
N cũng có cái sai là thiếu trung thực trong học tập lại hỗn láo với thầy. Người làm cha mẹ phải thấy cái sai của con, không vì nóng giận mà bỏ qua lẽ phải. Như vậy vô tình làm con sai lại càng sai. Cuối cùng, cha N hiểu ra, đồng ý sẽ có một cuộc nói chuyện chân tình với thầy H để giúp N tiến bộ, không còn việc trả thù hay lấy lại công bằng gì cả.
Ngày nhập học trở lai không có gì xảy ra. Mối quan hệ giữa thầy H và N chuyển biến tốt hơn. Thầy H bày tỏ sự hối hận của mình và xem đây là bài học sâu sắc trong đời dạy học. N cũng lễ phép và học hành chăm chỉ hơn. Cho đến ngày tốt nghiệp, N không vi phạm nội quy điều gì cả.
2.
Mới đây, do nghe lời con trẻ, một phụ huynh đã vào trường tát tai một học sinh lớp 7 mà không có bước gặp gỡ, trao đổi với thầy cô và nhà trường vì bức xúc cá nhân. Gia đình em học sinh bị hành hung trình báo với cơ quan chức năng, kết quả vị phụ huynh trên bị phạt một khoản tiền gần 3 triệu đồng, sự việc được thông báo trước toàn trường.
Việc phụ huynh tự ý giải quyết những mâu thuẫn, va chạm của con em trong trường học là điều hay xảy ra. Điều này bắt nguồn từ sự thiếu kiềm chế của bản thân, đồng thời không tin tưởng và thỏa mãn với cách giải quyết của nhà trường. Các phụ huynh này không nhận thức được vấn đề, đó là: không phải trừng phạt học sinh mà là hướng dẫn giúp các em thấy được sai lầm và tìm cách sửa đổi, hoàn thiện mình.
Việc kỷ luật một học sinh còn là bài học kinh nghiệm để các học sinh khác tiếp thu. Phần đông các phụ huynh này hay trang bị cho con tư tưởng là gia đình sẽ luôn bênh vực, bảo vệ các em trong bất cứ trường hợp nào. Các em thấy vậy nên không bao giờ áp dụng phương pháp thương lượng, hòa giải trong cuộc sống nói chung, trong nhà trường nói riêng.
Mọi bất hòa trong nhà trường, các em hay trông chờ cách giải quyết đậm tính bạo lực của phụ huynh. Nếu giữa học sinh và thầy cô có những va chạm, phụ huynh thường đe dọa hay đòi hỏi phải đuổi việc thầy cô mà không chịu lắng nghe, hợp tác, đánh giá vấn đề dưới nhiều góc độ.
Đến độ thầy cô ở trường tôi rút ra một kinh nghiệm “đau khổ” là: muốn phụ huynh vào trường để giải quyết những mâu thuẫn trong học sinh thì chỉ cần thông báo con em họ vừa bị bạn đánh, lập tức cả gia đình sẽ có mặt ngay. Tất nhiên lúc đó nhà trường phải cử người đón và đưa vào văn phòng để giải quyết, không để phụ huynh đến lớp gặp học sinh.
Việc phối hợp của gia đình trong giáo dục học sinh rất cần sự tỉnh táo, tự chủ và khoan dung trước các lỗi lầm của con em mình và cả lỗi lầm của thầy cô của chúng nếu có. Hơn ai hết, phụ huynh chính là tấm gương giáo dục con em của mình. Cách sử dụng bạo lực với mọi người (nhất là với thầy cô) chỉ mang đến kết quả xấu cho các em mà thôi.
3.
Nơi trường tôi dạy, việc kêu gọi phụ huynh bình tĩnh cùng nhà trường giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, va chạm giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh và thầy cô được làm thường xuyên - không chỉ vào giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp cuối tuần mà bất cứ khi nào trong thời gian các em ở trường.
Thầy cô chủ nhiệm được giao nhiệm vụ tâm tình, trao đổi cùng phụ huynh mọi việc, thống nhất là giải quyết mọi việc bằng hòa giải là chính, tuyệt đối không dùng bạo lực, không để khi có sự việc xảy ra mới gặp gỡ nhau. Các em học sinh luôn được nhắc nhở sống thân thiện, nếu có vướng mắc nên báo cho thầy cô để có hướng giải quyết kịp thời.
Tuyệt đối các em không nên giấu diếm và nhờ gia đình, người quen vào trường dùng bạo lực trấn áp bạn mình. Các trường hợp vi phạm được đưa ra cho các em thảo luận và tự đánh giá để tự hoàn thiện. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng xem việc giáo dục học sinh là nhiệm vụ không chỉ của nhà trường, luôn nhắc nhở thành viên cư xử đúng mực.