Sahep ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ -Theo bà Trần Nhật Tân–Phó Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học (Sahep–Bộ GD&ĐT), dự án đang triển khai xây dựng phần mềm quản lý hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Đây là phần có nhiều tính năng ưu việt, góp phần nâng cao trình độ quản lý, tạo bước thay đổi đột phá trong các quy trình quản lý chất lượng.

Đa chức năng

- Được biết Sahep đang triển khai phần mềm quản lý hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Bà có thể cho biết mục tiêu, nhiệm vụ của phần mềm này?

- Đúng là Sahep đang triển khai phần mềm quản lý hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ của phần mềm này là: Quản lý quy trình thực hiện tự đánh giá của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên theo quy định, trong đó giám sát được việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng của các cơ sở giáo dục;

Cùng với đó, quản lý hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó chú trọng đến quy trình thực hiện đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; việc bồi dưỡng kiểm định viên và sử dụng kiểm định viên;

Mặt khác, quản lý các đơn vị thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục; đồng thời đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ, nghiệp vụ khác của Nhà nước Việt Nam và của Bộ GD&ĐT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng của các đơn vị trong Ngành;

- Vậy chức năng chính của phần mềm này là gì – thưa bà?

Bà Trần Nhật Tân. Ảnh: NVCC
Bà Trần Nhật Tân. Ảnh: NVCC

- Các chức năng chính của phần mềm quản lý hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục gồm:

Phân hệ Quản trị hệ thống: cho phép quản trị viên có thể quản trị và cấu hình các module chức năng trên hệ thống.

Phân hệ Quản lý danh mục: cho phép quản trị viên có thể thực hiện việc thêm, sửa, xóa các danh mục để phục vụ nhu cầu quản lý hệ thống.

Phân hệ chức năng dành cho Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: cho phép tổ chức kiểm định có thể quản lý được tất cả các thông tin và hoạt động liên quan trên hệ thống.

Phân hệ chức năng dành cho Cơ sở giáo dục:cho phép cơ sở giáo dục có thể quản lý được tất cả các thông tin và hoạt động liên quan trên hệ thống. Bao gồm:

Phân hệ quản cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên: cho phép cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên có thể quản lý được tất cả các thông tin và hoạt động liên quan trên hệ thống.

Phân hệ báo cáo, thống kê, tra cứu:cho phép người dùng hệ thống có thể thực hiện việc thống kê dữ liệu, xuất báo cáo cũng như tra cứu các thông tin trên hệ thống tùy thuộc vào nhu cầu quản lý.

Phân hệ tiện ích: hệ thống hỗ trợ người dùng các tiện ích như: thông báo cho người dùng hệ thống, tra cứu các danh mục với nhiều tiêu chí được mở rộng.

Phân hệ tích hợp: hệ thống được thiết kế đảm bảo tích hợp với hệ thống HEMIS để nhận thông tin như: các thông tin về cơ sở giáo dục, thông tin về kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục/chương trình đào tạo và đồng bộ các danh mục dùng chung.

Phân hệ công khai thông tin kiểm định chất lượng giáo dục: các thông tin được công khai lên trang công khai.

Đột phá trong các quy trình quản lý chất lượng

- Bà kỳ vọng phềm mềm này sẽ mang lại ưu việt gì?

- Dự án triển khai thành công sẽ góp phần đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ GD&ĐT. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với sứ mạng quan trọng của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm Việt Nam, trước tiên là phải bảo đảm chất lượng đào tạo một nguồn lực có khả năng thích nghi, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong nước, kế đến là cạnh tranh với khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, chúng tôi mong muốn, phần mềm sẽ đáp ứng các nghiệp vụ quản lý chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Bộ GD&ĐT, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng của các đơn vị trong Ngành.

Hệ thống phần mềm được trang bị hạ tầng kỹ thuật hiện đại, có hiệu năng xử lý cao, khả năng dự phòng và vận hành liên tục không gián đoạn, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng lâu dài.

Với kiến trúc nền tảng thống nhất, việc mở rộng năng lực, quy mô hệ thống nghiệp vụ sẽ trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Đồng thời, cung cấp đầy đủ báo cáo theo quy định về nghiệp vụ quản lý chất lượng và theo phân cấp phục vụ công tác quản lý chất lượng tại các cấp một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.

Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý trong việc kết nối, chia sẻ, trích xuất, phân tích, xử lý thông tin, tổng hợp báo cáo phục vụ cho công tác quản lý điều hành và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong toàn hệ thống giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ hiệu quả của hệ thống phần mềm được xây dựng từ dự án, phần mềm sẽ góp phần nâng cao trình độ quản lý, tạo một bước thay đổi đột phá trong các quy trình quản lý chất lượng của Cục quản lý chất lượng Giáo dục, các cơ sở giáo dục.

Sinh viên Trường ĐH Vinh
Sinh viên Trường ĐH Vinh

- Vậy đối tượng sử dụng phần mềm là ai? Bà có thể cho biết cụ thể?

- Phần mềm quản lý hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được xây dựng nhằm phục vụ các đối tượng sử dụng như sau:

Quản trị hệ thống: đóng vai trò quản trị toàn bộ hệ thống, thực hiện các nhiệm vụ như: quản lý menu hệ thống, cấu hình hệ thống, quản lý tài khoản người dùng hệ thống, thực hiện phân quyền cho các nhóm người dùng trên hệ thống.

Các cơ sở giáo dục: khi tham gia vào hệ thống, cơ sở giáo dục sẽ trực tiếp khai báo các thông tin liên quan đến quy trình đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo thuộc đơn vị mình. Ngoài ra cơ sở giáo dục cũng có thể thường xuyên cập nhật các thông tin của mình trên hệ thống.

Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục: ngoài vai trò quản lý các hoạt động liên quan đến quy trình đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo thì tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng có thể cập nhật thông tin của đơn vị mình trên hệ thống để phục vụ các nhu cầu quản lý.

Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT): có vai trò giám sát các thông tin liên quan đến quy trình đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo trên hệ thống. Mặt khác, thông qua các báo cáo, thống kê trên hệ thống để có được đánh giá khách quan nhất về công tác quản lý chất lượng giáo dục.

Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT): có vai trò giám sát các thông tin liên quan đến kết quả đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo trên hệ thống. Vụ Giáo dục đại học cũng có thể căn cứ vào các báo cáo, thống kê trên hệ thống để nắm được các thông tin về công tác quản lý chất lượng giáo dục.

Cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên: khi tham gia vào hệ thống, cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ có thể thường xuyên cập nhật các thông tin của đơn vị mình và thực hiện quản lý học viên tham gia bồi dưỡng, quản lý quyết định cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiểm định viên trên hệ thống.

Kiểm định viên: là các cá nhân trực thuộc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, có vai trò thực hiện các nhiệm vụ được phân công liên quan đến quy trình đánh giá cơ sở giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo.

Người dùng công cộng: là tất cả người dùng quan tâm đến công tác quản lý chất lượng giáo dục. Nhóm người dùng này có thể xem được các thông tin được công khai trên trang công khai của hệ thống như: thông tin kết quả kiểm định chất lượng CSGD/CTĐT, danh sách kiểm định viên, đánh giá viên, thông tin tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

"Phần mềm sẽ hình thành cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng tập trung tại Bộ GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, tổng hợp của toàn Ngành cũng như đáp ứng các thay đổi về chế độ quản lý chất lượng theo quy định của Nhà nước và của Bộ GD&ĐT" - bà Trần Nhật Tân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ