Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại
Đối với mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, ngoài nội dung chương trình, giáo trình thì cơ sở vật chất là một tiền đề rất quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học, bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Với tầm nhìn trở thành trường đại học đạt chuẩn quốc gia, khu vực theo định hướng ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ; là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ có uy tín trong nước và quốc tế; cơ sở cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cộng đồng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển Kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước và khu vực. Thời gian qua, Trường Đại học Kỹ thật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) đã có sự thay đổi trong chiến lược đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo.
Cụ thể, Nhà trường đã giao cho nhiều đơn vị chuyên môn thiết kế, chế tạo thiết bị thực hành, thí nghiệm phục vụ đào tạo theo đề tài NCKH cấp Trường; Kêu gọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, thường xuyên cải tạo, bảo trì và nâng cấp trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học.
PGS.TS Dương Phạm Tường Minh - Trưởng khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng: Đầu tư cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Trang thiết bị hiện đại giúp cho sinh viên có cơ hội được thực hành các hoạt động máy móc, thiết bị tránh được trường hợp học chay hoặc phương pháp truyền thụ lý thuyết một chiều.
Hiện nay, Khoa Cơ khí đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị thực hành, thí nghiệm tiên tiến, hiện đại như máy gia công CNC, hệ thống đo CMM, kính hiển vi quang học, hệ thống Open CIM, robot… do những hãng nổi tiếng thế giới sản xuất và cung ứng.
Thiết bị luôn ở trạng thái làm việc tốt, đáp ứng mọi nhu cầu học tập của sinh viên, nhu cầu NCKH, chuyển gia công nghệ, nâng cao trình độ của giảng viên và thích ứng linh hoạt với cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tế sản xuất.
PGS.TS Lê Văn Quỳnh - Trưởng Khoa Kỹ thuật Ô tô và Máy động lực khẳng định: Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà trường, Khoa Kỹ thuật Ô tô và Máy động lực đã chủ động cải tạo, thiết kế, chế tạo và mua sắm trang thiết bị phục vụ chương trình đào tạo. Trong đó, một số thiết bị, thực hành thí nghiệm điển hình như: Thiết bị AHS 300EPL, OPUS 400, đo trượt ngang, máy chẩn đoán G-SCAN-3…Hầu hết các thiết bị về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học ngành ô tô và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Đến nhu cầu của người học
Những thiết bị, máy móc hiện đại đóng vai trò then chốt, quyết định trong công tác giảng dạy, NCKH, chuyển giao công nghệ và là nhân tố không thể thiếu trong việc đổi mới toàn diện giáo dục đại học.
Đặc biệt trong bối cảnh lao động ở nước ngoài đang trở thành xu hướng, so với việc giảng dạy thông thường thì việc chuyển đổi, nâng cấp trang thiết bị hiện đại sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên. Tạo sự khác biệt vượt trội về trình độ, kỹ năng thực hành của sinh viên nhà trường so với sinh viên nhiều trường khác cùng khối ngành.
Đến nay, kết quả rất đáng tự hào chính là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp sau khi ra trường đều nắm vững lý thuyết, có khả năng vận dụng linh hoạt, tiếp cận nhanh và sáng tạo với mọi môi trường làm việc. Đồng thời, sinh viên vận hành thuần thục những dây chuyền, hệ thống sản xuất hiện đại trong nước và quốc tế mà không hề bỡ ngỡ.
Việc đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại là hướng đi đúng đắn, hợp thời thể hiện năng lực, tầm nhìn vượt trội của Nhà trường. Để từ đó tạo ra những thành tựu to lớn trong lĩnh vực đào tạo, NCKH, chuyển giao công nghệ, góp phần tạo dựng tương lai bền vững, tươi sáng cho sinh viên cũng như củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian tới, để tăng cường hệ thống cơ sở vật chất trong giai đoạn mới, Nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư nguồn kinh phí cho hạng mục này, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thiết bị với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khuyến khích tinh thần sáng tạo của Cán bộ, giảng viên, sinh viên, chú trọng những đề tài thiết kế, chế tạo và thử nghiệm tạo ra thiết bị thực hành, thí nghiệm…Nhanh chóng chuyển sang cơ chế tự chủ và xây dựng các thể chế vận hành phù hợp điều kiện thực tế của Nhà trường.