Sách Ngữ văn lớp 10 trao quyền cho người dạy

GD&TĐ - Chương trình GDPT 2018 lớp 10, nhiều giáo viên cho rằng SGK Ngữ văn 10 trao cho người dạy quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học.

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên SGK môn Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”; Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình GDPT 2018; Thành viên Ban Phát triển Chương trình môn Tiếng Việt - Ngữ văn đã trao đổi xung quanh vấn đề dạy học Ngữ văn lớp 10.

Linh hoạt điều chỉnh nội dung để phù hợp học trò

Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn 10 theo Chương trình GDPT 2018 đã đưa vào nhà trường hơn nửa năm học, nhiều giáo viên nhận xét chương trình nặng, nhiều kiến thức, ngữ liệu mới; Thầy cô không đủ thời gian để tổ chức hết các hoạt động học. Là tác giả SGK, ông nghĩ sao về các ý kiến này?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Trước hết, tôi xin chia sẻ cùng những khó khăn của các thầy cô. Theo tôi, lý do khách quan khi giáo viên thấy nặng là chương trình và SGK 2018 đặt ra mục tiêu cao so với các chương trình và SGK trước đây.

Để giúp học sinh hiểu và ghi nhớ một văn bản cụ thể rồi kiểm tra, đánh giá trên chính văn bản đó sẽ đơn giản và dễ thực hiện hơn so với mục tiêu thông qua dạy học một văn bản, giúp học sinh vận dụng những gì đã học để đọc một văn bản mới thuộc cùng loại hoặc thể loại đã học. Bên cạnh kĩ năng đọc, chương trình và SGK mới cũng chú trọng phát triển kĩ năng viết, nói và nghe cho học sinh.

Kiến thức, nhất là kiến thức về thể loại và ngữ liệu được đưa vào SGK Ngữ văn mới cũng nhằm đáp ứng mục tiêu trên. Sách chú trọng cung cấp các khái niệm công cụ giúp học sinh vận dụng vào thực hành, không tiếp nhận văn bản theo cảm tính và tạo lập văn bản tùy tiện hoặc sao chép văn mẫu.

Bên cạnh các văn bản kế thừa từ chương trình và SGK trước đây, việc sử dụng một số văn bản mới là đòi hỏi tất yếu, nhằm cập nhật những vấn đề của đời sống đương đại, phù hợp với nhu cầu học tập và tâm lí tiếp nhận của HS.

Việc giáo viên cảm thấy áp lực, không đủ thời gian để hoàn thành các nội dung được thiết kế trong sách cũng có thể hiểu được. SGK Ngữ văn 10 trao cho người dạy quyền linh hoạt điều chỉnh nội dung dạy học để phù hợp với khả năng học của học trò. Nếu các thầy cô sử dụng SGK mới đúng với tính chất của một tài liệu dạy học mở như vậy thì áp lực đó sẽ được giảm đáng kể.

"SGK mới đưa vào nhà trường chưa lâu, nhiều yếu tố hỗ trợ cho quá trình đổi mới chưa được triển khai đồng bộ nên những vướng mắc ban đầu khó tránh khỏi. Trong thời gian tới, cần chú trọng hơn nữa công tác tập huấn giáo viên. Các thầy cô cũng cần có nhiều cơ hội được chia sẻ với nhau về kinh nghiệm dạy học SGK mới", PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng.

Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 10, Bộ kết nối tri thức và cuộc sống.

Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 10, Bộ kết nối tri thức và cuộc sống.

Việc sử dụng văn bản ngoài SGK vào kiểm tra, đánh giá cũng là khó khăn đối với giáo viên và học sinh, đặc biệt học sinh miền núi, vùng sâu xa. Ông có gợi ý gì giúp giáo viên kiểm tra, đánh giá đúng năng lực học sinh? Giáo viên có thể sử dụng lại ngữ liệu trong SGK vào bài kiểm tra, đánh giá không?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Quy định của Bộ GD&ĐT về việc sử dụng văn bản ngoài SGK vào kiểm tra, đánh giá là phù hợp với mục tiêu và định hướng đánh giá của chương trình môn Ngữ văn 2018. Đó là giải pháp mạnh và cần thiết để khắc phục tình trạng học theo văn mẫu. Thực ra, sử dụng lại ngữ liệu trong SGK vào bài kiểm tra, bài thi vẫn có thể đánh giá được năng lực của học sinh nhưng vấn nạn học theo văn mẫu hiện đã quá trầm trọng, kéo dài nhiều năm. Nếu không có giải pháp phù hợp thì khó giải quyết được vấn nạn này.

Quy định mới về ngữ liệu đặt ra thách thức với giáo viên. Nhưng nếu mỗi thầy cô mở rộng vốn đọc, các tổ bộ môn xây dựng được ngân hàng ngữ liệu và trao đổi nguồn tài nguyên với nhau thì khó khăn sẽ được khắc phục dần.

Dùng ngữ liệu mới trong kiểm tra, đánh giá nhằm tạo cơ hội cho học sinh thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của các em bằng chính ngôn ngữ của các em. Suy nghĩ, cảm xúc đó có thể chưa thực sự sâu, diễn đạt có thể còn mắc lỗi nhưng là của chính người học. Lâu nay, nhiều học sinh thể hiện kết quả đọc dựa trên văn mẫu nên ý tứ có vẻ sâu sắc, câu chữ trôi chảy, nhưng đó là cái sâu sắc, trôi chảy có được nhờ sao chép.

Từ bỏ lối dạy học “thầy đọc, trò chép”

Theo ông, giáo viên cần chú ý những điểm nào khi dạy học theo SGK Ngữ văn 10 mới?

PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Khi tập huấn giáo viên dạy học theo SGK Ngữ văn 10, chúng tôi đã lưu ý nhiều điểm quan trọng, nhất là những điểm khác biệt giữa SGK Ngữ văn mới so với SGK Ngữ văn trước đây.

Xin nhấn mạnh một số điểm: Thứ nhất, SGK Ngữ văn mới được biên soạn theo mô hình SGK phát triển năng lực. Vì vậy, giáo viên cần chú ý tổ chức các hoạt động đọc, viết, nói và nghe cho học sinh. Cần từ bỏ lối dạy học “thầy đọc, trò chép”, tránh lạm dụng việc diễn giải, bình giảng, tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bỏ hẳn việc diễn giải, bình giảng của giáo viên.

Thứ hai, cần triển khai dạy học các khái niệm về văn học và tiếng Việt ở phần Tri thức ngữ văn theo đúng mục đích trang bị cho học sinh công cụ để vận dụng vào đọc, viết, nói và nghe, sau đó thông qua thực hành để củng cố kiến thức đã học; không sa vào lối dạy cung cấp kiến thức chuyên sâu, gây quá tải đối với người học.

Thứ ba, hướng dẫn học sinh thực hành đọc hiểu văn bản theo thể loại nhưng không theo hướng cực đoan coi dạy đọc hiểu chỉ dừng lại ở việc giúp các em nắm được đặc điểm thể loại.

Đọc hiểu một văn bản, nhất là tác phẩm văn học, cần chú ý đến cả những giá trị độc đáo, nét đẹp riêng biệt. Nếu không, việc dạy Ngữ văn có nguy cơ biến tác phẩm văn học thành các mô hình, các bộ khung khô cứng; chất văn của tiết dạy học môn Ngữ văn sẽ bị mờ nhạt.

Cần lưu ý, dạy học Ngữ văn là giúp học sinh tiếp cận, khám phá giá trị của các sản phẩm ngôn từ. Vì vậy, việc sử dụng phương tiện công nghệ và triển khai những hoạt động hỗ trợ vốn là đặc trưng của các môn học khác như âm nhạc, mĩ thuật… cần phải được tiết chế.

Thứ tư, giáo viên cần nắm được ý tưởng thiết kế phần thực hành viết của bộ sách để triển khai cho hiệu quả. Ví như SGK Ngữ văn trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế hệ thống yêu cầu của kiểu bài rất khoa học, phát triển logic từ lớp 6 đến lớp 12.

Các yêu cầu này không chỉ giúp học sinh phân biệt được các kiểu bài với nhau mà còn để các em hình dung cùng một kiểu bài nhưng có sự khác biệt như thế nào qua các lớp. Sách cũng chủ trương học sinh cần được thực hành viết dựa trên việc phân tích “mẫu”, tức bài viết tham khảo. Nó khác về bản chất với tình trạng cho học sinh chép “văn mẫu” khi làm bài – cách dạy học đang bị dư luận phản đối và Bộ GD&ĐT chủ trương loại bỏ một cách quyết liệt. Với hoạt động nói và nghe, chỉ nên dành thời gian hướng dẫn trong giai đoạn đầu. Khi học sinh đã làm quen với quy trình thực hành nói và nghe qua các bước, giáo viên cần dành nhiều thời gian cho các em thực hành.

Thứ năm, như đã nói ở trên, SGK biên soạn theo hướng mở, tùy theo điều kiện dạy học và khả năng học của học sinh mà giáo viên triển khai nội dung các bài học cho phù hợp. Chẳng hạn, mỗi bài của SGK Ngữ văn 10 thường có 3 văn bản nhưng giáo viên không nhất thiết phải dạy hết mà có thể chọn văn bản cuối của một số bài để hướng dẫn học sinh tự học.

Mỗi kiểu bài viết có trong chương trình trên nguyên tắc, học sinh chỉ cần thực hành viết một bài nhưng SGK có thể thiết kế 2 – 3 bài viết. Nếu cần “giảm tải”, giáo viên có thể chỉ cần cho học sinh viết một bài để vừa đủ đáp ứng yêu cầu của chương trình, dành thời gian cho những hoạt động khác.

Xin cảm ơn ông!

SGK Ngữ văn 11 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, kế thừa quan điểm biên soạn sách, mô hình bài học, cách sắp xếp trật tự bài học... từ SGK Ngữ văn 10. Tuy nhiên, bộ sách cũng có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, cùng dạy học về truyện và thơ như ở Ngữ văn 10, nhưng với truyện, Ngữ văn 11 tập trung vào câu chuyện và điểm nhìn. Với thơ, sách nhấn mạnh nhiều hơn đến cấu tứ và hình ảnh. Ngữ văn 11 cũng có một số nội dung mới về thể loại văn bản đọc (truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm, kí, bi kịch…), kiểu bài viết ( văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, văn bản thuyết minh…), kiểu hoạt động nói và nghe (tranh biện)… Nói chung, bộ sách được triển khai nhất quán qua các lớp từ THCS đến THPT, đồng thời có những nội dung phát triển, nâng cao một cách hợp lí, phù hợp với yêu cầu của chương trình và khả năng tiếp nhận của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ