Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

GD&TĐ - Sa sút trí tuệ là sự giảm sút và mất dần trí nhớ, trí năng, nhận thức, ngôn ngữ, cũng như hoạt động sinh hoạt hằng ngày nên người bệnh dần dần lệ thuộc và phải có người chăm sóc.

Sa sút trí tuệ ở người cao tuổi

Trí nhớ: Bệnh nhân thường hay quên một cách dễ dàng. Quên những gì vừa nói, cả thời gian, thậm chí chỗ đang ở. Tuy nhiên còn nhớ tốt những gì đã xảy ra từ lâu. Do đó nhắc nhớ là phương pháp rất hữu ích đối với bệnh nhân. Chẳng hạn, bệnh nhân thường xuyên tự nhắc nhớ, ghi nhận lại sự việc, xem đồng hồ, lịch để giúp nhớ ngày giờ. Sắp xếp công việc hằng ngày chính xác và đơn giản sẽ giảm thiểu sự lẫn lộn cho bệnh nhân.

Việc sắp xếp và duy trì chỗ để vật dụng trong nhà là rất cần thiết, giúp cho bệnh nhân tìm dễ dàng hơn. Bệnh nhân thường bị lẫn lộn nhiều hơn vào ban đêm, vì vậy cần cung cấp đủ ánh sáng trong nhà để nhìn thấy rõ ràng, nhất là đường đi vào nhà vệ sinh.

Hình ảnh những thành viên trong nhà, người thân hay bạn bè giúp kích thích trí nhớ cho bệnh nhân. Vì vậy nên chụp ảnh và phóng to treo trong nhà, trong phòng bệnh nhân

Giao tiếp: Bệnh nhân biểu lộ ý kiến của mình một cách khó khăn và không thể hiểu người khác đang nói gì. Một số bệnh nhân không thể gọi đúng tên người hay đồ vật, có khi bệnh nhân cố gắng giải thích đặc tính của đồ vật. Dùng từ không đúng, dùng sai ngữ pháp, nói câu không hoàn chỉnh. Nếu người nghe không hiểu thì có thể gây bực mình, nhưng chú ý nghe và biết bệnh nhân đang đề cập đến vấn đề gì thì có thể hiểu được. Có thể đưa ra một loạt từ thích hợp cho bệnh nhân chọn, để bệnh nhân giải thích lại và cố gắng đoán thử.

Đôi khi người khác không hiểu bệnh nhân và cho là bệnh nhân từ chối hợp tác, thật ra là do bệnh nhân không hiểu bạn đang nói gì.

Những cơn bộc phát và sự kháng cự: Bệnh nhân có tính khí nóng nảy và hay thay đổi. Những tình huống mới, nơi đông người, âm thanh luôn thay đổi, những câu hỏi lặp đi lặp lại hay những công việc khó khăn có thể gây ra những biểu hiện bất thường ở bệnh nhân như khóc lóc, giận dữ hay sợ hãi. Đối với người bình thường, những biểu hiện này chỉ xảy ra khi gặp phải vấn đề khủng khiếp hay bị stress. Đối với bệnh nhân, thì những biểu hiện này xảy ra thường xuyên.

Mất và giấu đồ đạc: Bệnh nhân không nhớ để đồ đạc ở đâu. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân bắt dầu nghi ngờ ai đó đánh cắp đồ đạc, nên giấu đồ đạc vào một nơi khác rồi quên đi. Vì vậy, cần sắp xếp đồ đạc trong nhà theo một trật tự nhất định và dễ nhớ, để khi mất đi thì dễ tìm ra. Cất vật quí ở nơi an toàn và xa bệnh nhân. Chìa khoá thì nên đúc nhiều cái và có móc khoá thật lớn để dễ tìm.

Trầm cảm: Bệnh nhân thường xuất hiện những triệu chứng như: yên lặng, mất ngủ, buồn bã vô cớ. Một số biểu lộ sự thất bại của mình và cảm thấy rằng nên bị trừng phạt hay chết đi cho rồi. Cần tư vấn thầy thuốc, tìm những lời khuyên. Giới hạn bệnh nhân trong những việc đơn giản. Không nhắc tới thất bại. Canh chừng bệnh nhân 24/24 giờ. Cất những vật dụng như dao, kéo, thuốc ở nơi an toàn.

Nghi ngờ và ảo giác: Xảy ra vô cớ ở bệnh nhân mà họ không kiểm soát được, do sự bất thường của não. Bạn phải nói chuyện một cách nhẹ nhàng, giải thích cho bệnh nhân hiểu. Khi bệnh nhân có những ảo giác bất thường, phải đưa bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần ngay.

Một khi trong nhà có người bệnh sa sút trí tuệ, việc chăm sóc cần phải được hướng dẫn kỹ càng, không dễ mà cũng không phải quá khó. Cần có sự cảm thông, yêu thương và hiểu người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ