Đánh đổi sức khỏe
Điểm chung dễ nhận thấy ở người mắc bệnh tiểu đường lâu năm là cảm giác tê bì, nhức mỏi chân tay. Cảm giác trên không chỉ khiến người bệnh khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do vậy, việc tìm biện pháp để giảm triệu chứng là điều bệnh nhân tiểu đường nào cũng đều hướng đến.
Bệnh nhân P.V.P (Bắc Kạn) sống chung với căn bệnh tiểu đường type 2 đã nhiều năm. Dù tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện nhưng gần đây người luôn mệt mỏi, chân tay tê bì, có lúc lại như kim châm khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Người thân thấy ông luôn bứt dứt, qua lời mách bảo đã mua bộ đèn đá muối Hymalaya với mong muốn giúp đẩy lùi các triệu chứng trên. Tuy nhiên, dùng một thời gian bệnh tình không suy giảm.
Thậm chí, mới đây, trong một lần đặt chân vào sưởi, do chủ quan nên ông bị bỏng cả hai chân. Vết bỏng quá nặng nên bệnh nhân được chuyển về bệnh viện tuyến cuối.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, chỉ cần bật đèn trước khi sưởi chân chừng 25 phút là đủ độ ấm nhưng do quên nên lần này thời gian kéo dài gần gấp đôi. Khi đặt chân vào không có cảm giác bất thường, chỉ đến khi hết thời gian sưởi, nhấc chân ra mới biết hai lòng bàn chân phồng rộp.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương), bệnh nhân P.V.P bị bỏng sâu, có chỗ đã hoại tử. Việc điều trị bỏng với người bình thường đã khó, với bệnh nhân tiểu đường càng khó khăn do phải dùng kết hợp nhiều thuốc, dễ có biến chứng đi kèm.
Một trường hợp khác cũng phải vào viện để bác sĩ cắt lọc phần da tổn thương do tự lên mạng tìm phương thuốc gia truyền được quảng cáo để chữa chứng tê bì chân. Do ngâm nước quá nóng, hai bàn chân bệnh nhân đỏ rực, bỏng rát, thậm chí có chỗ bị lột da, hoại tử sâu…
Tiền mất tật mang
Bỏng tay, chân là tai nạn thường thấy ở bệnh nhân tiểu đường. Nguyên nhân do phần lớn bệnh nhân tiểu đường lâu năm có đặc điểm là tê bì chân tay, không cảm nhận được độ nóng.
Do vậy, hàng năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng do ngâm chân, tay vào nước nóng, lá thuốc, chườm đá. Hiệu quả đâu chưa thấy, chỉ biết đang yên đang lành, bệnh nhân phải vào viện cấp cứu và điều trị dài ngày.
Mặc dù, các bác sĩ thường xuyên khuyến cáo bệnh nhân tiểu đường phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học.
Nhưng thực tế cho thấy, không ít bệnh nhân tin lời thầy thuốc thì ít mà tin lời thầy lang, lời quảng cáo hay truyền miệng thì nhiều. Nắm bắt được tâm lý trên, các dụng cụ hỗ trợ sức khỏe, liệu pháp dân gian cho người bệnh được quảng cáo với lời lẽ hoa mỹ, tác dụng… trên trời.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, với bệnh nhân tiểu đường, điều quan trọng nhất là uống thuốc, ăn uống, sinh hoạt khoa học, kiểm soát đường huyết tốt sẽ ít gặp biến chứng.
Trường hợp bị biến chứng có thể điều trị bằng y học cổ truyền ở các bệnh viện, dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Người bệnh tuyệt đối không tự mua sản phẩm, bài thuốc về ngâm chân tay hay uống bởi rất dễ để lại biến chứng khôn lường.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tình trạng bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tự ý điều trị dẫn đến biến chứng không còn là chuyện hiếm. Với trường hợp nhẹ, được điều trị kịp thời, bác sĩ có thể bảo toàn sức khỏe cho bệnh nhân.
Nhưng với ca bệnh nặng hoặc nhẹ nhưng có biến chứng nặng mới chịu vào viện, bác sĩ mất nhiều thời gian, công sức để điều trị, chăm sóc vết thương. Có trường hợp mất 1 đồng mua sản phẩm hỗ trợ thì mất 10 đồng điều trị biến chứng. Cũng có người phải cắt bỏ chi mới bảo toàn được tính mạng.
Bàn chân là nơi thường gặp biến chứng nhiều nhất ở bệnh nhân tiểu đường. Để sớm phát hiện biến chứng, bệnh nhân cần kiểm tra bàn chân hàng ngày, giữ bàn chân sạch sẽ, không để móng chân quá dài. Dùng nhiệt kế hoặc cùi chỏ kiểm tra độ nóng của nước.
Khi ra ngoài cần đi tất, giầy phù hợp. Thoa kem chống nắng cho vùng da để trần. Luôn để bàn chân lên ghế theo tư thế nằm ngang khi ngồi, không bắt chéo chân… giúp máu lưu thông.