Trong nghiên cứu đăng ngày 18/5 trên Current Biology, tiến sĩ Matthew Amesbury ở Đại học Exeter, Anh cho biết hiện tượng rêu mọc ngày càng nhiều trên phần phía bắc của Nam Cực là bằng chứng nổi bật về tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực lạnh giá nhất và hẻo lánh nhất hành tinh, theo Washington Post.
"Mọi người sẽ nghĩ rằng Nam cực là một nơi đầy băng giá nhưng có những phần của lục địa này mang sắc xanh và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xanh hơn nữa", Amesbury nói. "Những hệ sinh thái ở khu vực xa xôi này đang cho thấy tác động của con người thông qua biến đổi khí hậu".
Theo các nhà khoa học, việc Trái Đất ấm lên trong 50 năm qua giúp hai loại rêu Nam Cực sinh trưởng nhanh hơn, bình quân mỗi năm mọc trên 3 mm, so với mức chưa đầy 1 mm trước đây.
Rob DeConto, nhà khoa học tại Đại học Massachusetts, Amherst, Mỹ cho rằng Nam Cực đang quay ngược lại trên dòng thời gian địa chất vì nồng độ CO2 trong bầu khí quyển ngày nay đạt ngưỡng của 3 triệu năm trước, khi thềm băng của Nam Cực nhỏ hơn và mực nước biển cao hơn.
"Nếu việc thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục không được kiểm soát, Nam Cực sẽ tiếp tục lùi xa hơn trên dòng thời gian địa chất... Khu vực này có thể sẽ trở thành một cánh rừng như ở kỷ Phấn trắng và thế Thủy tân thuộc kỷ Cổ cận, thời điểm lục địa này không có băng", DeConto dự đoán.
Theo các tác giả của nghiên cứu, những thay đổi ghi nhận được chỉ là sự khởi đầu. "Những thay đổi này cùng với việc ngày càng có nhiều vùng đất không có băng sẽ tạo ra biến đổi trên quy mô lớn tới chức năng sinh học, diện mạo, cảnh quan của Nam Cực trong phần còn lại của thế kỷ 21 và xa hơn nữa", các nhà khoa học cảnh báo.