(GD&TĐ) - Dọc quốc lộ 32C theo hướng Hà Nội - Yên Bái, có một làng nhỏ nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa từ lâu nức tiếng cả nước bằng một nghề rất đặc biệt gắn với tín ngưỡng của người dân đất Việt. Đó là nghề nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp. Những ngày này, cả thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc (Cẩm Khê- Phú Thọ) tấp nập chuẩn bị cho những mẻ cá cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng chạp năm Nhâm Thìn. Về Thủy Trầm những ngày giáp Tết, sắc đỏ từ những chiếc ao làng càng tô đậm nét đẹp vùng quê này…
Làng nghề gắn với tâm linh
Từ lâu, trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn ông bằng cá chép. Do vậy, ở nhiều địa phương những ngày này, người dân nô nức đi mua cá chép đỏ, chép vàng về cúng ông Táo.
Làng Thủy Trầm mấy chục năm nay đã duy trì nghề nuôi cá chép đỏ. Là một vùng quê có đa số người dân làm nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, Thủy Trầm có 3 khu hành chính, trong đó, người dân ở khu 3 tập trung nuôi nhiều cá chép đỏ nhất. Theo người dân ở đây, nuôi cá cả năm mới thu hoạch một lần vào dịp tháng chạp và bán cá giống nên người dân tận dụng những ao nước nông, ruộng trũng để thả cá.
Ngoài việc làm kinh tế thì trong tâm mỗi người dân làng Thủy Trầm, nuôi cá chép đỏ như một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay của người dân nơi đây. Chính vì vậy, khi nuôi, người dân Thủy Trầm chăm sóc cá và cho cá ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác. Cá cúng ông Táo ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực cả khi mang đi các địa phương khác.
Những ngày giữa tháng chạp, cả làng Thủy Trầm nhộn nhịp cho việc thu hoạch cá. Và cứ đến những ngày này, sắc đỏ, sắc vàng của những chú cá chép rực đỏ trên các ao hồ nhỏ, đường đi và nhất là tại các phiên chợ dưới gốc đa làng.
Theo những cụ cao niên của làng thì người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết là để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, đến giáp ngày 23 tháng chạp, chợ phiên Thủy Trầm xã Tuy Lộc rực đỏ, rực vàng màu cá. Người dân đi chợ bán cá như để làm giàu thêm tín ngưỡng của làng quê mình vậy. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía cá nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.
Vào đúng ngày 23 tháng chạp, người dân làng Thủy Trầm thành tâm chọn những chú cá chép đỏ, khỏe dâng cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong, những chú cá này được người dân thả về ao hồ làm giống cho mùa sau.
Thủy Trầm tuy là làng nhỏ nhưng cứ đến tháng chạp, đường làng đông vui hơn bởi khách mua cá tấp nập khắp nơi đổ về. Hình như làng quê lúa nước này đã tạo dựng cho mình một thương hiệu từ bao năm nay của nghề nuôi cá chép đỏ nên lái buôn từ khắp các tỉnh như Hải Phòng, Bắc Ninh, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và cả Hà Nội về Thủy Trầm nhập cá để mang về địa phương mình bán lẻ cho người dân. Cá chép đỏ làng Thủy Trầm có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.
Tháng 6 năm 2011, làng Thủy Trầm đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề điều đó như một sự chắp cánh cho làng nghề phát triển hơn nữa trong hiện tại và tương lai.
Cá chép đỏ ở Thủy Trầm (Tuy Lộc) đang được thị trường ưa chuộng |
Một mô hình kinh tế cho thu nhập cao
Không chỉ bắt nguồn từ nét văn hóa tâm linh của người Việt trong phong tục cúng ông Công ông Táo vào tháng chạp, mà nghề nuôi cá chép ở Thủy Trầm còn là một mô hình kinh tế của cư dân vùng trung du này. Căn cứ vào địa hình của thôn có nhiều ruộng trũng có thể tận dụng để thiết kế thành những khoảnh ao nông để nuôi cá, từ những năm 60, khi cuộc sống còn nghèo khó, người dân Tuy Lộc đã bắt tay vào nuôi loại cá này vừa để đáp ứng đời sống, tín ngưỡng của nhân dân vừa để phát triển kinh tế.
Không chờ đến cuối năm mới nuôi, ngay từ tháng 6-7 âm lịch, người dân Thủy Trầm bắt đầu nuôi thả cá bột. Công việc không hề đơn giản khi ươm thả và nuôi cá chép bột. Lúc đầu là công việc khử trùng và vệ sinh ao sau đó vớt bèo tây về thả khắp mặt ao để cho cá có chỗ trú ngụ. Thức ăn cho cá ban đầu chủ yếu là bột gồm sắn, cám gạo, thêm cỏ mềm. Vào dịp cuối năm, cá chép đỏ phát triển với nhiều kích cỡ khác nhau nhưng người dân nuôi không để cá lớn quá 1kg vì to quá sẽ khó bán trong dịp 23 tháng chạp. Hầu hết các ao nuôi chỉ để mật độ từ 400-500 con/m2, cân nặng của cá ở nhiều loại khác nhau. Có loại nhỏ, loại nhỡ và loại to hẳn để đáp ứng với nhu cầu khác nhau của người dân.
Vào đầu tháng chạp, cả làng Thủy Trầm tập trung vào việc chuẩn bị cho khai thác cá. Có nhiều lái buôn đến mua cá ngay tại ao. Ngoài ra các hộ dân cũng chuẩn bị túi ni lông, chậu, xô để mang cá ra chợ bán cho người dân. Những năm gần đây, giá bán cá chép đỏ tăng cao, khoảng từ 55-60 ngàn đồng/1kg. Như thế, các hộ dân sau nhiều tháng ngày dày công chăm sóc cũng có thu nhập đáng kể.
Hiện nay, cả thôn có gần 500 hộ nuôi cá chép đỏ, hằng năm, cả thôn xuất đi gần 60 tấn cá chép đỏ vào dịp 23 tháng chạp cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang… phục vụ Tết ông Công ông Táo. Nhờ mô hình này, các hộ dân có thu nhập từ 50 triệu đồng mỗi kỳ thu cá, có hộ thu nhập tới 100 triệu đồng. Mô hình nuôi cá chép đỏ vừa là nghề truyền thống cũng là mô hình phát triển kinh tế được địa phương Tuy Lộc khuyến khích người dân.
Những ngày giữa tháng chạp ở làng quê Thủy Trầm, dưới những làn mưa lất phất, hoa đào, hoa mận chúm chím khoe sắc báo hiệu mùa xuân sắp về. Ai có dịp đi ngang qua Thủy Trầm mời ghé lại để chiêm ngưỡng sắc đỏ tươi của cá chép, hòa mình trong tín ngưỡng từ bao đời nay của người dân đất Việt.
Nguyễn Thế Lượng