- Là người trực tiếp sâu sát thực tế dinh dưỡng của người bệnh ở bệnh viện, bà có chia sẻ gì về nhận thức về vấn đề này trong cộng đồng?
GS.TS Lê Thị Hương: Thực tế, chế độ dinh dưỡng của người dân chưa được coi trọng đúng mức, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân trong bệnh viện hầu như chưa được quan tâm.
Nhiều bệnh viện mới chỉ chú trọng đến chữa bệnh bằng thuốc mà chưa quan tâm đến phần “ăn” của bệnh nhân trong hỗ trợ điều trị. Mặt khác, khi cộng đồng chưa hiểu biết về chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, không có sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng là một khiếm khuyết lớn ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, thay đổi nhận thức của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là điều khó nhất đối với những ai theo học và làm việc trong lĩnh vực dinh dưỡng. Từ trước đến nay, người bệnh vẫn mong muốn được người nhà nấu món này món kia, mang từ nhà đến bệnh viện để ăn.
Kể cả khi một số bệnh viện có khoa dinh dưỡng cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân vẫn bị nhiều bệnh nhân “từ chối”. Người nhà thường muốn nấu cho bệnh nhân ăn những món ăn, thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề là món ăn tùy ý nấu cho bệnh nhân có thể không phù hợp với bệnh lý.
Chẳng hạn, những bệnh nhân suy thận phải hạn chế protein, nhưng người nhà lại nấu cho ăn rất nhiều món chim, gà... Hay những người tăng huyết áp cần phải thực hiện chế độ dinh dưỡng “ăn nhạt”, song ở gia đình lại nấu ăn kiểu “vừa miệng” không phù hợp với điều trị bệnh...
- Vậy còn các bác sĩ và bệnh viện nhìn nhận thế nào về chuyên ngành dinh dưỡng?
Không chỉ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, ngay cả bác sĩ và nhân viên y tế trong bệnh viện cũng chủ yếu tập trung lo điều trị, lo thuốc cho người bệnh, nếu có thêm nhân viên dinh dưỡng trong bệnh viện, bác sĩ điều trị lại phải cùng tư vấn, lo cho người bệnh chế độ dinh dưỡng, theo dõi việc thực hiện chế độ dinh dưỡng cho người bệnh, vậy là “thêm việc”.
Chỉ những bác sĩ điều trị hiểu rõ vai trò của dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh mới có thể phối hợp nhiệt tình với cán bộ, nhân viên dinh dưỡng. Cũng là trưởng khoa dinh dưỡng ở bệnh viện nên tôi hiểu để thay đổi nhận thức của chính các bác sĩ, các đồng nghiệp của mình là cả một vấn đề.
Quyết định rất nhiều trong nâng cao nhận thức của cộng đồng, bác sĩ và người bệnh, chính là lãnh đạo trong bệnh viện. Những người đứng đầu bệnh viện nếu thấy được tầm quan trọng, sự hỗ trợ của dinh dưỡng trong điều trị cho bệnh nhân hẳn bệnh viện sẽ coi trọng vấn đề dinh dưỡng và người làm công tác dinh dưỡng.
- Theo bà, khó khăn giảng viên và sinh viên chuyên ngành dinh dưỡng đang phải đối diện là gì?
Chưa nói đến những bệnh viện còn “đóng cửa” với cử nhân dinh dưỡng, ngay cả ở Bệnh viện ĐH Y, nơi thực hành tuyệt vời cho sinh viên dinh dưỡng, vậy mà những ngày đầu khi xây dựng khoa dinh dưỡng, thầy trò đã có những lúc muốn khóc vì bệnh nhân nhất định không ăn suất ăn của bệnh viện, hoặc to tiếng “không thể nuốt được”.
Thậm chí, có người bệnh khó chịu với thầy trò vì kêu gọi họ ăn suất ăn phù hợp bệnh lý, thậm chí coi thầy trò như những người bán cơm bình dân. Có bệnh nhân dùng suất ăn bệnh lý nhưng lại thắc mắc: “Tôi không ăn rau này, sao không mang cho tôi rau kia”; “Nhạt như thế này làm sao ăn được…” .
Nghe những câu nói vô tình như thế, đôi khi tôi cũng cảm thấy buồn. Đường đường là giảng viên trường ĐH mà bị nhìn nhận giống như một người bán cơm bình dân.
Nhưng để đào tạo sinh viên chuyên ngành còn mới như vậy, để thay đổi nhận thức xã hội, giảng viên đào tạo cử nhân dinh dưỡng cũng phải kiên trì đương đầu từ những việc rất nhỏ, tỉ mẩn như vậy, cho đến những việc lớn hơn nhiều như tham gia chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân với các bác sĩ.
Phải trải nghiệm những bài học đời thường trong lâm sàng như thế mới có những thực tế mang vào trong bài giảng cho sinh viên, đưa đào tạo sát với thực tiễn đòi hỏi. Bởi vậy, hầu hết giảng viên đào tạo cử nhân dinh dưỡng đều kiêm nhiệm làm việc tại khoa dinh dưỡng của các bệnh viện.
- Vừa làm việc ở bệnh viện, vừa tham gia đào tạo, GS cùng các sinh viên đã làm gì để thay đổi nhận thức của xã hội và người bệnh về vấn đề dinh dưỡng trong hỗ trợ điều trị bệnh?
Chỉ nói thôi rất khó thay đổi được gì. Tôi và các sinh viên chuyên ngành dinh dưỡng cố gắng hàng ngày cùng các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, đưa chế độ dinh dưỡng vào trong điều trị, giúp tình trạng bệnh của bệnh nhân thay đổi tích cực, chính là những hành động thiết thực nhất để thuyết phục chính bác sĩ điều trị và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Chẳng hạn, chế độ dinh dưỡng giúp bệnh nhân hồi sức cai máy thở nhanh hơn; bệnh nhân sau mổ vết thương lành nhanh hơn; hay bệnh nhân cần nuôi dưỡng trước khi phẫu thuật có thể tăng cân đủ điều kiện phẫu thuật... Những kết quả nhìn thấy đó sẽ có sức thuyết phục mạnh nhất.
Chặng đường thay đổi nhận thức từ người dân, đến đào tạo và sử dụng cử nhân dinh dưỡng còn rất gian nan, hy vọng mỗi ngày sẽ thay đổi được một chút.
- Xin cảm ơn trao đổi của bà!