Tại sự kiện, nhiều tân sinh viên đã đưa ra những băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học khi không đi đúng con đường mình mong muốn. Quỳnh, hiện là tân sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ, bạn thi khối B đỗ Y đa khoa và khối D đỗ Ngành ngôn ngữ Anh. Quỳnh thích học Y đa khoa để trở thành bác sĩ, nhưng do bố mẹ ngăn cản vì sợ “ế” do thời gian học dài nên đã khuyên bạn chọn ngành còn lại.
Hay Nguyễn Thu Hiền, tân sinh viên khoa Thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại thương thì lại chỉ muốn trở thành MC. Bạn thi Ngoại thương cũng vì trường có câu lạc bộ MC chứ lại không vì thích học kinh tế. Đó là 2 trong số nhiều những chia sẻ về việc lựa chọn ngành và trường không phải do bản thân các bạn sinh viên thực sự muốn lựa chọn.
Ở một góc nhìn khác, bạn Chu Xuân Huy, tân sinh viên K63 Viện vật lí kĩ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, chỉ cần mình bác bỏ thành kiến việc thích hay không thích, mà cần cố gắng tìm hiểu ngành đó, mình có thể sẽ thấy thích. Như bản thân Huy, bạn đăng ký nguyện vọng 1 vào khoa Cơ điện tử nhưng chỉ đỗ nguyện vọng 2, Huy chia sẻ:“Ban đầu mình rất tiếc nuối nhưng sau khi vào trường, được thầy cô hướng dẫn và hiểu hơn về ngành Vật lí kĩ thuật thì mình lại thấy trượt nguyện vọng 1 cũng là một niềm vui, một cơ hội với mình”.
Theo khảo sát tại chỗ, diễn giả Hoàng Phương Nga, sinh năm 1994, người sáng lập và điều hành Học viện công nghệ Kiddicode, cho biết, hơn 50% các bạn tân sinh có mặt tại chương trình đều cảm thấy không rõ ràng về con đường sắp tới và chỉ có 30% là hài lòng về quyết định chọn ngành và chọn trường của mình, 20% còn lại là chán ghét.
Nhưng cô cho rằng, điều đó rất bình thường: “Mọi thứ đều có lí do của nó và nó sẽ kết nối bạn với những cơ hội trong tương lại mà bạn không ngờ tới, vấn đề là bạn phải có sự chuẩn bị. Tôi đã từng thích học tiếng Nhật và học miệt mài, lúc đó chỉ vì thích và muốn học ở Nhật, nhưng đến nay, tiếng Nhật đã mang lại cơ hội hợp tác lớn với một ngôi trường dạy công nghệ ở bên Nhật.”
Cùng quan điểm, diễn giả trẻ Vũ Quỳnh Trang, sinh năm 1997, sinh viên năm thứ tư Học viện Ngoại Giao và hiện là CEO của VIC VIETNAM Summer Camp, chia sẻ: “Thành công là do may mắn nhưng may mắn không phải tự nhiên mà có”.
Theo đó, cô bạn CEO trẻ đã đưa ra 3 thứ mà các bạn tân sinh viên cần chuẩn bị cho những cơ hội của mình, đó là: Luôn tạo ra những kết nối giữa mình và những người xung quanh; Bạn phải thử nghiệm hết mọi khả năng để biết bạn có thể đi đến đâu; Cuối cùng là áp dụng công thức 3L: “Liều - Lì - Lầy”.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn tân sinh viên rằng: “Hiện nay, có rất nhiều bạn băn khoăn về việc chọn sai ngành khi vào đại học. Tuy nhiên, các em đừng vội thất vọng quá sớm, hãy thử trải nghiệm ngành nghề đã chọn, biết đâu, trải nghiệm rồi mới nhận ra đây chính là ngành nghề có nhiều điểm giúp mình phát triển khả năng”.
Giới thiệu về diễn giả Hoàng Phương Nga và Vũ Quỳnh Trang:
- Hoàng Phương Nga (1994): Hiện là Founder và CEO của Học viện Công nghệ Kiddicode, khởi nghiệp từ rất sớm. Hoàng Phương Nga đã xuất sắc nhận học bổng toàn phần 4 năm Đại học FPT và tốt nghiệp Á khoa tại trường này. Năm 2015, cô nhận giải thưởng nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật toàn quốc - do đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Cô cũng Đại sứ CNTT tại Việt Nam của kỳ thi Chuẩn Công nghệ Thông tin tại Châu Á (ITPEC) từ năm 2016 đến nay.
- Vũ Quỳnh Trang: hiện là sinh viên năm thứ tư Học viện Ngoại Giao và là CEO của VIC VIETNAM Summer Camp - tổ chức trại hè cho học sinh, sinh viên Việt Nam tại 6 quốc gia (Anh, Mỹ, New Zealand...) về chủ đề Tiếng Anh, Tư Duy Phản Biện, Giáo dục STEM từ năm 2016. Cô từng đạt Giải diễn thuyết xuất sắc nhất của Diễn đàn sáng kiến khoa học và khởi nghiệp châu Á 2017; Quán quân 2018 cuộc thi khởi nghiệp cùng KAWAI, Quán quân 2017 cuộc thi Nhà truyền thông tài ba IC Master, Giải nhất Dự án tiềm năng Cuộc thi phát triển khoa học châu Á 2017.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, các bạn nên dũng cảm thử chọn lại con đường của mình. Thầy Đặng Ngọc Khương, phó hiệu trưởng trường Ác-si-mét, cho biết, thầy từng có thời gian làm báo và không thấy phù hợp với khả năng của mình. Thầy quyết định lựa chọn lại con đường và trở thành thầy giáo dạy Ngữ Văn như hiện nay.
“Dạy văn, được gặp gỡ đồng nghiêp, được học trò yêu mến, thầy cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn rất nhiều. Vì thế, nếu các em đã lỡ chọn sai ngành, đừng lo lắng hãy thử chọn lại lần nữa, ai cũng sẽ tìm được công việc ý nghĩa nhất cho chính mình”, thầy Khương chia sẻ.
Trong suốt hơn một tiếng thảo luận, talkshow nhận được rất nhiều những ý kiến và quan điểm khác nhau về chủ đề “Đỗ đại học, rồi sao?”, cứ thử nghiệm hay chọn lại con đường mình mơ ước, quyết định nằm trong tay chính các bạn tân sinh viên. Nhưng, sự lựa chọn đó là như thế nào, xin được mượn lời thầy Vũ Khắc Ngọc nói: “Hãy luôn giữ tinh thần học chủ động, thái độ sống tích cực và quan trọng là hãy kiên trì và thủy chung với sự lựa chọn của mình”.
Bên cạnh phần giao lưu chính, chương trình còn dành tặng 20 suất học bổng trị giá 5.500.000 đồng tới 20 tân sinh viên xuất cùng nhiều hoạt động bổ ích khác. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện dành cho tân sinh viên do Hệ thống giáo dục HOCMAI tổ chức hàng năm. Theo đó, mỗi năm, chương trình sẽ mang đến một chủ đề liên quan đến đời sống, công nghệ, các vấn đề xã hội, từ đó, giúp các bạn có thêm động lực, kiến thức, thêm hành trang bước vào cánh cửa đại học.
Đôi nét về chương trình Chào Tân sinh viên
Chào Tân sinh viên 2018 đánh dấu mốc lần thứ 12 được tổ chức. Trước đó, tiền thân của chương trình là Lễ tuyên dương những sinh viên tiêu biểu có số điểm cao trong kì thi Đại học, nay là thi THPT Quốc gia hàng năm. Từ năm 2007 đến nay, quy mô của chương trình ngày càng mở rộng, từ gần 100 sinh viên tham dự, đến năm 2017, chương trình đã đón nhận sự có mặt của hơn 600 sinh viên.
Liên tục được thay đổi trong suốt chặng đường hơn 10 năm, Chào Tân sinh viên nhằm mang lại cơ hội gặp gỡ giao lưu giữa các bạn tân sinh viên trên địa bàn Hà Nội với các thầy cô giáo, giảng viên các trường đại học. Theo đó, mỗi năm, chương trình mang đến một chủ đề liên quan đến đời sống, công nghệ, các vấn đề nóng hổi của xã hội. Từ đó, chương trình mong muốn giúp các bạn có thêm động lực, kiến thức, thêm hành trang bước vào cánh cửa đại học.
Gần đây nhất, năm 2017, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa và TS. Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng trường Đại học trực tuyến FUNiX là hai diễn giả truyền cảm hứng cho chương trình này.
Trước đó, năm 2016, chương trình cũng vinh dự đón nhận sự tham gia của 2 diễn giả: TS. Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học FPT và Ths. Bùi Quang Minh - Tổng giám đốc Beta Corp trong phần tọa đàm.
Trên các kênh truyền thông đại chúng, chương trình Chào Tân sinh viên đã thu hút được hơn 50 đơn vị báo chí và trang tin tức điện tử đăng tải thông tin về sự kiện. Trong đó có 3 kênh truyền hình, 18 đầu báo, tạp chí điện tử và hơn 30 lượt đăng lại thông tin sự kiện trên các trang thông tin điện tử. Sự lan tỏa được tiếp nối tới Chào Tân sinh viên 2017, chương trình đã tạo nên làn sóng lớn trên các kênh mạng xã hội với tiếp cận được hơn 1.265.000 người, trong đó số tương tác đạt gần 75.000 lượt.