Roma / La Mã - địa danh cùng loạt biệt hiệu

Roma / La Mã - địa danh cùng loạt biệt hiệu

Ngày 31/1/2020, tại thành phố (TP) Roma, y tế phát hiện 2 bệnh nhân đầu tiên. Đó là 2 du khách gốc Vũ Hán, qua xét nghiệm đã có kết quả dương tính với virus Corona chủng mới.

Dịp này, theo đề nghị của đông đảo bạn đọc, chúng tôi đề cập đến địa danh cùng loạt biệt hiệu của Roma / La Mã – thủ đô nước Cộng hòa Italia / Ý.

Là TP lớn và đông dân nhất nước Ý, thủ đô Roma hiện có hơn 2,8 triệu người định cư trên diện tích 1.285km2. Tọa lạc dọc một đoạn theo dòng sông Tevere, Roma là 1 trong ít thủ đô ở châu Âu giáp biển. Roma hiện có 20km bờ biển Tyrrhenum, một phần của Địa Trung Hải.

Trong lòng TP Roma có một đất nước độc lập tự chủ là thành quốc Vatican, quốc gia nhỏ nhất thế giới về diện tích (0,44km2) và ít nhất thế giới về dân số (1.000 người, số liệu năm 2017). Bởi vậy, Roma mang biệt hiệu thủ đô lưỡng quốc.

Dựa theo thần thoại La Mã, nhiều tài liệu ghi nhận rằng, TP Roma được thành lập từ ngày 21/4/753 trước Công nguyên, tuy nhiên những cuộc khai quật khảo cổ học phản biện rằng, vùng đất này có con người tụ cư theo dạng đô thị sớm hơn. Cũng theo thần thoại La Mã, địa danh Roma xuất phát từ nhân danh Romulus (771 - 716 trước Công nguyên), con của thần chiến tranh Mars và “trinh nữ’’ Rhe Silvia. Là vị vua đầu tiên của Vương quốc La Mã, Romulus đã cho xây thành Roma. Tuy nhiên, một số nghiên cứu sau này chứng minh rằng, nhân danh Romulus xuất phát từ địa danh Roma thì hợp lý hơn. Theo một công trình nghiên cứu khác vào đầu thế kỷ thứ IV, địa danh Roma khởi phát từ tên dòng sông Tevere thời thái cổ.

Roma trở thành thủ đô của Vương quốc La Mã, rồi Cộng hòa La Mã, rồi Đế quốc La Mã. Dựa vào hình thể địa lý, Roma mang biệt hiệu TP 7 ngọn đồi.

Thi hào Albius Tibullus, tạ thế năm 19 trước Công nguyên, đặt cho Roma biệt hiệu TP vĩnh hằng. Roma còn có đôi biệt hiệu cực kỳ ngất ngưởng là thủ đô của thế giới và thủ đô đứng đầu thế giới.

Từ năm 1871, Roma là thủ đô của Vương quốc Ý thống nhất, sau đó là Cộng hòa Ý từ năm 1946 đến nay.

Roma, tiếng Latinh, cũng là các thứ tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Albania, Latvia, Litva, Rumani, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia... Roma qua các ngôn ngữ khác:

* Hungary: Róma

* Phần Lan, Estonia: Rooma

* Esperanto / Quốc tế ngữ: Romo

* Anh, Pháp, Hà Lan, Iceland, Zulu, Somali, Malaysia: Rome

* Đức, Đan Mạch, Thụy Điển: Rom

* Luxembourg: Roum

* Ireland: Róimh

* Malta: Ruma

* Xứ Wales: Rhufain

* Ba Lan: Rzym

* Séc: Řím

* Slovak: Rím

* Slovenia, Croatia, Uzbek: Rim

* Nga, Ukraine, Bulgria, Serbia, Tatar: Рим (phát Rim)

* Mông Cổ: Ромын (phát Romyn)

* Hy Lạp: Ρώμη (phát Rómi)

* Nepal: (phát Ròma)

* Nhật:ローマ(phát Rőma)

* Hàn: 로마(phát Ioma)

* Thái: (phát Krung Rom)

* Khmer: (phát Tikrong Raum)

* Hoa: phồn thể ghi , giản thể ghi (bính âm phát Luómă, âm Hán - Việt phát La Mã)

Roma / La Mã - địa danh cùng loạt biệt hiệu ảnh 1
Đại hí trường / đấu trường La Mã. Ảnh: Diliff

Lâu nay, tiếng Việt gọi thủ đô lưỡng quốc Ý và Vatican là Roma, gọi La Mã trong các văn cảnh liên quan giai đoạn xa xưa.

Thú vị thay, Roma viết ngược thành Amor, nghĩa là tình yêu, do đó đô thị này còn có biệt hiệu TP tình yêu.

Địa danh Roma khởi nguồn các từ romance và romantic trong tiếng Anh cùng các ngôn ngữ thuộc nhóm Roman. Nguyên nghĩa “theo kiểu những người Roma’’, romance trở thành danh từ chỉ huyền thoại, chuyện hoang đường, tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm; động từ diễn đạt tưởng tượng, hư cấu, thêu dệt; tính từ romantic ngụ ý lãng mạn, mơ mộng, thuộc về tiểu thuyết.

Đối với Giáo hội Công giáo thế giới, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đảm trách vai trò rất quan trọng trong giai đoạn Kitô giáo sơ khai, Roma cũng là nơi họ tử đạo và được an táng, do đó Roma còn có biệt hiệu Ngai các vị Thánh, tiếng Latinh ghi Limina Apostolorum.

Thị dân Roma xưa nay rất tự hào cho rằng khắp hoàn vũ, chỉ cần gọi TP mà không gắn liền địa danh nào thì đó chính là Roma. Siêu biệt hiệu!

Trung tâm lịch sử thành Roma có diện tích 1.434ha được Ủy ban Di sản thế giới / World Heritage Committee (WHC) – trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc / United Nations Educational Scientific and Cultural Organization (UNESCO) – xếp hạng Di sản văn hóa thế giới lần đầu vào năm 1980, lần thứ nhì tròn thập niên sau, vào năm 1990. Với hơn 25.000 điểm tham quan, trung tâm này hấp dẫn cực mạnh đối với du khách toàn cầu, nhất là lực lượng Kitô hữu. Ở đây, 4 đại vương cung thánh đường lừng danh mang tên Thánh Gioan Latêranô, Thánh Phêrô, Thánh Phaolô Ngoại thành, Đức Bà Cả thu hút quá đông khách hành hương hằng năm. Riêng đại hí trường / đấu trường La Mã, tiếng Latinh gọi Amphitheatrum Flavium, tiếng Ý gọi Anfitea tro Flavio, tiếng Anh gọi Colosseum, được hoàn công vào năm 80 đầu Công nguyên, trong năm 2018 đã thu hút 7,4 triệu lượt khách.

Thảm thê xiết bao, nước Ý nói chung, Roma nói riêng, nay vắng bóng khách muôn phương. Ấy cũng là hiện hình quá u buồn của du lịch toàn thế giới bởi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ