Những tính năng đó đang giúp các nhà khoa học phát triển nhiều loại robot cứu hộ có thể làm việc trong các môi trường khắc nghiệt khi con người gặp thảm họa.
Câu chuyện được bắt đầu từ bên dưới đống đổ nát bốc khói của tòa nhà Thương mại Thế giới, 17 robot có kích cỡ bằng quả bóng rổ bắt đầu công tác tìm kiếm và cứu hộ những người sống sót. Kể từ đó, người ta đã chế tạo những robot tiên tiến hơn.
Theo đánh giá của giới khoa học, việc phát triển robot cứu hộ được triển khai mạnh mẽ nhất tại Nhật Bản, nơi mà thường xuyên có những trận động đất, đợt sóng thần đe dọa đến người dân.
Ghi nhận cho thấy, kể từ thảm họa sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản đã xóa sổ nhiều thị trấn, gây sự cố rò rỉ hạt nhân và khiến hàng nghìn người dân rơi vào tình cảnh tuyệt vọng thì đến nay công nghệ phát triển robot cứu hộ ở đất nước Mặt trời mọc đã tiến bộ vượt bậc.
Những tiến bộ trên phải kể đến mẫu robot có tên Fuhga được phát triển tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ra mắt vào đầu năm 2017, robot này có chiều cao 25cm và bề rộng 60cm, được thiết kế các bộ phận giống như tay chân người, giúp robot có thể nắm giữ mọi người khi cứu hộ.
Điểm ưu việt của robot này là có thể tìm kiếm và cứu hộ người bị mắc kẹt trong các tòa nhà do thảm họa thiên nhiên.
Theo GS Matsuno, Đại học Kyoto: Ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại robot này sau vụ một sinh viên của ông bị mất tích trong trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở thành phố cảng Kobe, miền Tây Nhật Bản hồi tháng 1/1995, tàn phá trên diện rộng và cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.400 người.
Đặc biệt, một tiến bộ mới của công nghệ phát triển robot cứu hộ do hãng xe hơi Honda của Nhật Bản càng khẳng định thêm vai trò của nó trong các thảm họa của nhân loại.
Mẫu robot vừa được Honda giới thiệu có tên E2-DR là nguyên mẫu robot cứu hộ phản ứng khẩn cấp với lớp áo màu cam đặc trưng. Với chiều cao 1,68 mét và nặng 85kg, E2-DR có thể đi bộ, bước qua các vật thể, leo lên cầu thang, chui vào nhiều không gian hẹp, hoặc đi qua các đống đổ nát.
Thậm chí, E2-DR có thể làm việc dưới điều kiện trời mưa. Đây đều là những điều kiện có thể sẽ rất khắc nghiệt với sức khỏe con người.
Để leo lên cầu thang, E2-DR có thể xoay thân mình 180 độ và đảo ngược đầu gối, do đó robot không bị va đập khi leo lên các bậc thang.
Robot được tích hợp sẵn thỏi pin lithium 1.000Wh, hứa hẹn cung cấp tới 90 phút hoạt động trước khi sạc. E2-DR được điều khiển bởi bộ vi xử lý Intel Core-i7 cao cấp, hệ thống làm mát sử dụng các ống dẫn không khí và quạt bên trong.
Tất cả các khớp nối trong E2-DR cấu tạo hoàn thiện tạo thành một cấu trúc mê cung kết hợp. Phần tay của robot tích hợp sẵn camera và cảm biến 3D.
Theo hãng xe Nhật Bản, E2-DR hiện mới chỉ là nguyên mẫu thử nghiệm và sẽ mất thêm nhiều thời gian trước khi được ứng dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về robot, việc phát triển các dạng robot cứu hộ tại Nhật Bản như hiện nay đã mở ra cơ hội cho loài người thoát khỏi những thảm họa ngày càng nhiều trên Trái đất.