Robot này có tên Fuhga, chiều cao 25cm và bề rộng 60cm, được thiết kế các bộ phận giống như tay chân người, giúp robot có thể nắm giữ mọi người khi cứu hộ.
Robot này được phòng nghiên cứu của giáo sư Fumitoshi Matsuno ở Đại học Kyoto chế tạo, vừa giành giải trong cuộc thi "Robo Cup Nhật Bản mở rộng năm 2017 hồi đầu tháng Năm.
Giáo sư Matsuno bắt đầu nghiên cứu chế tạo loại robot này sau vụ một sinh viên của ông bị mất tích trong trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở thành phố cảng Kobe, miền Tây Nhật Bản hồi tháng 1/1995, tàn phá trên diện rộng và cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.400 người.
Giáo sư Matsuno hiện muốn triển khai loại robot này để phục vụ các hoạt động cứu hộ tại nhà máy điện nguyên tử Daiichi Fukushima tại thành phố Fukushima - khu vực đã bị phá hủy nặng nề trong thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011.
Trước đó, phòng thí nghiệm này cũng đã chế tạo một loại robot được dùng để tiếp cận vào sâu các khu vực bị tàn phá trong thảm họa năm 2011 nêu trên.
Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu các trận động đất, thậm chí là sóng thần gây thiệt hại rất lớn về người và vật chất. Điều này đã thúc đẩy Nhật Bản trong nhiều năm qua đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chế tạo robot nhằm phục vụ các hoạt động cứu hộ trong nhiều hoàn cảnh thiên tai và địa hình.