Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường

GD&TĐ - Ngày 8/3, tại Hải Phòng diễn ra lễ bế mạc cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2015-2016 khu vực phía Bắc. Sau 4 ngày tổ chức, cuộc thi đã thành công tốt đẹp.

Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường
Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường ảnh 1Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường ảnh 2Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường ảnh 3Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường ảnh 4Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong các nhà trường ảnh 5

Dự lễ bế mạc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, lãnh đạo các Cục, Vụ (Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng các thầy cô giáo, các em học sinh tham dự cuộc thi.

Cuộc thi khách quan, tiếp cận các cuộc thi quốc tế

Đánh giá về kết quả của cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Cuộc thi đã được tổ chức tốt và có nhiều cải tiến so với những năm trước. BTC và các đơn vị tham gia dự thi đã tăng cường ứng dụng CNTT trong việc tổ chức cuộc thi trong việc điều hành quá trình chấm thi quá trình xét giải.

Cuộc thi đã được cải tiến thêm trong khâu chấm thi xét giải thể hiện tính khách quan hơn đối với kết quả chấm thi. Tiêu chí chấm thi của chúng ta đã ngày càng tiếp cận hơn với tiêu chí cách thức thi quốc tế. Tiêu chí chấm thi biểu điểm cho đã phù hợp với cuộc thi quốc tế mà sắp tới học sinh chúng ta  tham gia dự thi.

So với các cuộc thi trước, cuộc thi lần này đã có nhưng điều chỉnh: Những thầy giáo có học sinh tham dự có khả năng đạt giải cao đã tình nguyện không chấm thi khu vực phía Bắc lần này mà các thầy sẽ được mời chấm phía Nam để đảm bảo tính khách quan.

Ban tổ chức đã đề nghị các thầy cô chấm thi không trực tiếp góp ý cho thí sinh để đảm bảo tính khách quan, đảm bảo việc chấm thi tách ra khác với việc góp ý với các em học sinh. Các thầy cô các em học sinh sẽ tìm cách khác để tiếp nhận thông tin quan trọng để lần sau đạt kết quả tốt hơn.

Trong việc chấm thi, có 5 người chấm độc lập mỗi thầy chấm độc lập cho điểm riêng để tính điểm trung bình, nếu điểm của thầy nào lệch quá thì không được sử dụng như quy định của BTC. Điều này chứng tỏ việc chấm thi là rất khách quan và công bằng.

Cũng như các năm trước, bên cạnh cuộc thi là những hội thảo để đẩy mạnh nghiên cứu KHKT cho học sinh trung học. Năm nay không chỉ có hội thảo về nghiên cứu KHKT mà còn có hội thảo kết hợp với nội dung xây dựng phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường.

Văn hóa đọc cùng với nghiên cứu KHKT sẽ giúp các nhà trường thành lập những CLB nghiên cứu khoa học của các học sinh trung học. Đã xuất hiện những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này, và chính những CLB này đã động viên những sáng tạo, những ý tưởng mới, phong cách làm việc khoa học, kết hợp lý thuyết và thực hành. Điều này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc đổi mới dạy học, phục vụ thiết thực cho việc nghiên cứu khoa học của các em học sinh.

Để cuộc thi ngày càng lan tỏa, thiết thực

Bên cạnh những thành công của cuộc thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Thứ trưởng phân tích: Một bộ phận phụ huynh, học sinh và cả các nhà trường vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của cuộc thi KHKT này.

Ý nghĩa  đầu tiên là mang lại sự đổi mới, sự tươi trẻ trong phương pháp, trong hình thức tổ chức dạy học, phát huy tính sáng tạo của các em học sinh, rèn luyện cho các em có ý tưởng mới, có phong cách làm việc khoa học để các em đi xa hơn, để thành công hơn trên con đường khoa học của mình.

Kết quả của chúng ta không chỉ dừng lại ở giải thưởng. Các em học sinh sẽ còn tiếp tục học tập và rèn luyện trong thời gian rất dài. Chính vì vậy kết quả của chúng ta là hướng tới tương lai tốt đẹp. Dù không được xếp giải thì tất cả các em học sinh ở đây đều đã tiến bộ rất nhiều, đều là những người chiến thắng.

Trong các cuộc thi Intel ISEF quốc tế ở nhiều nước khác nhau đã tổng kết rằng: Phần lớn các em dự thi thì sau này đều rất thành đạt, nhiều em đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, đã đoạt giải Nobel. Chúng ta nhận thức rõ điều này để thấy rằng tất cả các em ở đây đều đã có phần thưởng, và phần thưởng giá trị nhất chính là tiền đề để các em phát triển sau này.

Cuộc thi này là cuộc thi cho học sinh, khác với nhiều cuộc thi KHKT khác. Nếu những cuộc thi khác quan tâm nhiều đến kết quả nghiên cứu thì cuộc thi này đặc biệt quan tâm đến ý tưởng mới, quan tâm đến tính sáng tạo, quan tâm đến phong cách làm việc khoa học, nghiên cứu khoa học của các em, quan tâm đến việc các em tiến bộ hàng ngày. Nếu nhận thức đúng điều này hơn nữa thì với sự giúp đỡ của các nhà trường, sự quan tâm của phụ huynh, cuộc thi sẽ có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn đối với các em.

Cuộc thi tổ chức hàng năm. Nhưng những nghiên cứu trong 1 năm kết quả có thể chưa cụ thể, phải hướng tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, sẽ làm được kết quả tốt đẹp hơn. Nhưng 1 năm rất ngắn, các nhà trường chờ đến đầu năm học mới rục rịch triển khai khởi động thì rất phí thời gian.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong rằng ngay sau hội nghị tổng kết cũng sẽ là lễ phát động cuộc thi KHKT năm học 2016-2017 và mong muốn các thầy cô, các em học sinh, các nhà trường khởi động ngay từ hôm nay để có nhiều thời gian suy nghĩ, tranh thủ được nhiều lực lượng khác cho cuộc thi năm sau sẽ được tốt hơn.

Cuộc thi tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học rộng rãi trên cả nước

Thay mặt các nhà khoa học trong Ban giám khảo, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Bắc năm nay có sự tham gia của hơn 400 học sinh đến từ 36 đơn vị, bao gồm 234 dự án đăng kí dự thi ở 20 lĩnh vực. Cuộc thi đã tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học rộng rãi trong toàn quốc và được coi là tiền đề cho hoạt động sáng tạo KHKT của tuổi trẻ Việt Nam.

Với tinh thần của cuộc thi là góp phần tích cực vào đổi mới giáo dụcphổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, BGK đã bám sát vào tiêu chí của cuộc thi, qua đó để kiểm tra các ý tưởng sáng tạo năng lực nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi và đổi mới của học sinh, không khuyến khích các nghiên cứu mang tính minh họa.  

Đặc biệt tìm hiểu các em làm khoa học như thế nào tư duy khoa học ra sao, khả năng làm thực nghiệm thế nào để có được những kết quả sáng tạo có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao. Vì vậy mục tiêu của cuộc thi không chỉ khuyến khích nâng cao số lượng các dự án đăng kí tham gia mà còn muốn khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động say mê nghiên cứu khoa học của các em học sinh.

Nhiều nhà khoa học trong BGK đã cho rằng chính sự nhiệt tình tự tin và vô tư của các em đã đem lại nguồn cảm hứng và thấy rõ hơn vai trò trách nhiệm của người cầm cân nảy mực trong vai trò là thành viên trong BGK.

Cuộc thi năm nay đã có sự tham gia dự thi của nhiều công trình nghiên cứu mới. Học sinh THCS dự thi với 61 dự án với sự tham gia của 111 em. Các em lớp 8 lớp 9 tuy còn nhỏ tuổi, kiến thức trang bị chưa bằng các em THPT nhưng đã sẵn sàng so tài với các anh các chị. Bằng sự sáng tạo của chính mình, nhiều em đã thành công.

Mặc dù những đề tài của các em THCS giá trị khoa học chưa cao thường bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn rất đời thường trong cuộc sống hàng ngày của địa phương, đôi khi còn sai về kiến thức khoa học, ngây thơ nhưng có giá trị thực tiễn cao. Nhiều ý tưởng sáng tạo táo bạo đôi khi đã tạo nên sự hấp dẫn của cuộc thi.

Đặc biệt BGK khá ấn tượng với đề tài của các em học sinh dân tộc ít người đến từ các tỉnh vùng cao vùng sâu vùng xa đã mang tính thực tiễn và nhân văn cao vì nó đã xuất phát từ cuộc sống của chính các em, của chính đồng bào dân tộc nơi các em đang sinh sống. Tính nhân văn trong các dự án khiến phần trình bày của các em đã đem lại thiện cảm sâu sắc cho BGK.

Cuộc thi ngày càng được cải tiến, đem lại hiệu quả cao

Đánh giá về cuộc thi năm nay, PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh cho biết: Hình thức chấm thi năm nay có nhiều cải tiến hợp lý hơn so với những năm trước. Từng thành viên trong BGK đã chấm độc lập, làm việc qua nhiều vòng trước hết xem xét hồ sơ về điều kiện tham gia từng dự án, đọc kĩ từng bản báo cáo của dự án. Sau đó mỗi giám khảo độc lập phỏng vấn trực tiếp từng học sinh cụ thể, cẩn trọng đặt ra những câu hỏi rõ ràng, có cơ sở khoa học để có thể đánh giá một cách công tâm, khách quan, chính xác.

Trong tổng số 234 dự án dự thi có 19 dự án đạt giải nhất và được chọn vào vòng thi chung cuộc. Đó là những dự án có chất lượng cao thuộc 8 lĩnh vực nghiên cứu, trong đó có cả các dự án liên quan đến khoa học, dự án kĩ thuật, dự án khoa học xã hội hành vi.

Những lĩnh vực nghiên cứu được các em được lựa chọn để dự thi năm nay khá phong phú. Nhiều đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu, ghi chép nhật trình và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của một công trình khoa học.

Một số đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát và cần có những kĩ thuật của phòng thí nghiệm. Điều này đã giúp rèn luyện năng lực nghiên cứu khoa học của các em.

Nhìn chung các đề tài năm nay được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy định của một công trình khoa học dự thi. Đa số các đề tài đều có sự đầu tư cả về sức lực, vật chất, các poster trình bày đẹp hấp dẫn và đúng yêu cầu.

Trong phần thi toàn cuộc, kĩ năng trình bày báo cáo và trả lời câu hỏi của các em khá rõ ràng, tự tin làm cho BGK rất hài lòng. Bên cạnh việc trình bày lưu loát bằng tiếng Việt, một số em đã cho thấy khả năng trình bày và trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh khá chuẩn, lưu loát.

Mặc dù cuộc thi năm nay thành công nhưng vẫn còn một số hạn chế cần đề cập tới. Đó là một số đề tài có ý tưởng khoa học nhưng đôi khi là ý tưởng khá lớn chưa có đủ thời gian kiến thức và điều kiện cần thiết để thực hiện ý tưởng của mình. Vì vậy mới chỉ dừng lại ở cảm nhận ban đầu và đôi khi kết luận còn mang tính chủ quan. Một số đề tài có ý tưởng hay nhưng đưa ra nhiều cách giải quyết và chưa có điều kiện đi sâu vào những giải quyết cụ thể dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh một số đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao thì vẫn còn một số ít đề tài chưa thực sự được quan tâm đúng mức về khoa học, còn đơn giản và thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy BGK mong các cơ sở GD trung học, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo khuyến khích các em xây dựng đề tài nghiên cứu xuất phát từ chính suy nghĩ của các em. Điều này sẽ đem lại nhiều điều thích thú, những thành công bất ngờ. Như vậy sẽ đáp ứng tốt hơn mục đích của cuộc thi là khơi dậy tiềm năng ý tưởng tính sáng tạo của các em ở lứa tuổi học sinh trung học.

Qua cuộc thi này, chúng tôi muốn gửi tới các bậc phụ huynh các thầy cô hãy tự hào về con em của mình, chung tay giúp đỡ các em nuôi dưỡng các ý tưởng khoa học của các em để có thể hi vọng các em sẽ là những nhà khoa học luôn sáng tạo trong tương lai- PGS.TS Nghiêm Ngọc Minh bày tỏ.

19 giải nhất chung cuộc:

Dự án

Tác giả

Lĩnh vực

Giải Nhất

Nghiên cứu tổng hợp một số phức chất có khả năng ức chế tế bào ung thư từ tinh dầu hương nhu và bạch kim

Nguyễn Hà My, Nguyễn Quang Long (Đại học Sư phạm Hà Nội)

Hóa học

Nghiên cứu tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại nặng và giảm phát thải CO2 từ đất

Phạm Vũ Tuấn Phong, Nguyễn Bảo Ngọc (Đại học KHTN-ĐHQGHN)

Kĩ thuật môi trường

Giải Nhì

Nghiên cứu khả năng kiềm chế và các yếu tố ảnh hưởng ở trẻ 4-5 tuổi

Nguyễn Thị Hà, Lê Thu Thảo (Thanh Hóa)

Khoa học xã hội và hành vi

Nghiên cứu hiệu quả chống viêm giảm đau của thủy châm huyệt túc tam lý bằng nọc ong trên chuột cống trắng

Lê Việt Hải, Nguyễn Quang Hùng (Hà Nội)

Y sinh và khoa học sức khỏe

Tổng hợp hóa chất phân tách dầu- nước từ nguồn nguyên liệu thực vật Việt Nam và ứng dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường

Nguyễn Hà Trang, Nguyễn Trần Thái Sơn (Trường ĐHKHN- ĐHQGHN)

Hóa học

Tái chế dầu nhờn thải bằng phương pháp LSR10

Nguyễn Đức Minh, Lê Ngân Hà (Thanh Hóa)

Hóa học

Máy tạo mẫu công nghiệp (3D X BOT)

Cao Quang Hùng (Hà Tĩnh)

Kĩ thuật cơ khí

Xe lăn đa hướng dành cho người khuyết tật

Nguyễn Đức Thái, Phùng Quang Huy (Bắc Ninh)

Kĩ thuật cơ khí

Robot cứu hộ mọi địa hình

Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Đức Thịnh (Bắc Giang)

Kĩ thuật cơ khí

Sử dụng chủng vi khuẩn lactobacillus để xử lý chất thải chăn nuôi

Nguyễn Thị Hồng Mai, Lê Hữu Hoàng (Hà Nội)

Kĩ thuật môi trường

Giải Ba

Biện pháp tự quản lý stress của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú

Nguyễn Quỳnh Hương, Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (Trường PT Vùng cao Việt Bắc)

Khoa học xã hội và hành vi

Định hướng giá trị nền tảng gia đình của học sinh THPT Hải Phòng

Nguyễn Thị Yến Linh, Nguyễn Hồ Hồng Phát (Hải Phòng)

Khoa học xã hội và hành vi

Hiện tượng rối nhiễu trầm cảm ở học sinh trường THPT chuyên Trần Phú Hải Phòng

Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Thị Yến Nga (Hải Phòng)

Khoa học xã hội và hành vi

Kĩ năng ứng phó với khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì của học sinh THCS thành phố Vĩnh Yên

Dương Thị Ngát, Nguyễn Thục Anh (Vĩnh Phúc)

Khoa học xã hội và hành vi

Thu nhận và bước đầu ứng dụng chất kìm hãm tyrosinase từ bã đậu nành hỗ trợ bảo quản nấm rơm tươi

Nguyễn Ngọc Anh, Hoàng Thị Thanh Thuận (Hà Nội)

Hóa sinh

Tổng hợp dẫn xuất ưa nước mới nhằm phát huy ứng dụng điều trị ung thư của Murrayafoline A chiết xuất từ rễ cây cơm rượu trái hẹp

Phạm Mạnh Cường, Lê Tuyết Quỳnh Anh (Hải Phòng)

Hóa học

Hệ thống cảnh báo lũ quét

Cao Quang Minh, Trần Thị Hồng Nhung (Lào Cai)

Hệ thống nhúng

Túi thông minh

Hoàng Thế Quang, Đào Dương Hoàng Long (Hà Nội)

Khoa học vật liệu

Hệ thống làm mát bằng tháp bay hơi

Tạ Hoàng Bảo Việt (Hưng Yên)

Kĩ thuật cơ khí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ