Robot này có thể chui vừa những không gian cực nhỏ và chịu được áp lực gấp hàng trăm lần trọng lượng của chúng. Đây đều là những đặc tính hiếm thấy của loài gián đất mà các nhà khoa học đã nắm bắt từ lâu.
"Gián đất – một trong những loài côn trùng đặc biệt nhất của tự nhiên có thể dạy chúng ta thiết kế ra các nguyên tắc mà một ngày nào đó sẽ chế tạo được loại robot cứu hộ động đất", tiến sĩ Robert Full và Kaushik Jayaram, trưởng nhóm nghiên cứu mẫu robot gián thử nghiệm cho biết.
Loài gián đất có thể ép cơ thể chui vừa không gian chật hẹp chỉ bằng 1/4 chiều cao của chúng. Ngoài ra, loài côn trùng này có thể di chuyển với tốc độ gấp 20 lần chiều dài cơ thể chỉ trong 1 giây. Nếu con người có khả năng này, chúng ta sẽ chạy được ở tốc độ 112 km/h.
Trong môi trường thử nghiệm, các nhà nghiên cứu quan sát thấy gián đất có thể chịu được áp lực tới 900 lần trọng lượng cơ thể mà không bị thương. Ngoài ra, gián cũng có thể di chuyển qua các không gian có áp lực gấp 300 lần trọng lượng cơ thể của chúng.
Mẫu robot gián thử nghiệm là sản phẩm của chương trình "Compressible Robot with Articulated Mechanisms" (CRAM) sử dụng các nguyên tắc thiết kế tương tự với cấu trúc cơ thể loài gián. Robot cũng có bộ khung linh hoạt với các xếp lớp và chân nhỏ để chui được vào không gian nhỏ hẹp.
Ở thời điểm hiện tại, loài robot trên chỉ là mẫu thử nghiệm và cần được cải thiện nhiều hơn nữa. Robot vẫn lớn gấp 20 lần so với loài gián đất của Mỹ và chỉ thực hiện được một trong 8 hoặc 9 khả năng đặc biệt của gián trong môi trường chật hẹp.
Các nhà nghiên cứu tin rằng robot CRAM sẽ giúp lập bản đồ các khu vực đổ nát nguy hiểm, gửi thông tin liên quan tới những người sống sót bị mắc kẹt trong đống đổ nát về cho các chuyên gia tìm kiếm và cứu hộ để lên kế hoạch giải cứu.