Đức tính kiên trì được coi là phẩm chất đáng quý của người thành công. Không chỉ đối với trẻ nhỏ. Ngay cả người lớn cũng cần phải rèn đức tính kiên trì dù đó là ai, hay ngành nghề, địa vị như thế nào.
Phụ huynh được khuyến khích nên dạy trẻ thích nghi với khó khăn, gian khổ. Chỉ những trẻ không ngừng chịu đựng khó khăn, gian khổ mới có ý chí kiên cường và khả năng sống mãnh liệt.
Ông cha ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, với ý nghĩa rằng, bất kỳ ai cũng chỉ có thể đạt đỉnh cao thành công khi thật sự nỗ lực và kiên trì tới cùng. Kiên trì, nhẫn nại được coi là những đức tính quan trọng hình thành nên con người trẻ.
Một người dễ nản chí, hay mất tập trung thường không bao giờ kiên định với bất cứ việc gì. Từ đó, dẫn tới một tương lai không định hướng, thiếu mục đích để thành công.
Muốn dạy cho trẻ đức tính kiên trì từ nhỏ cũng không dễ dàng. Bởi, đối với 1 đứa trẻ, việc phải kìm nén bản thân là vô cùng khó khăn. Do đó, nếu muốn trẻ sớm đạt được kỹ năng kiên trì, phụ huynh cần ươm mầm và dạy con ngay từ sớm.
Kiên trì nhẫn nại không phải tự nhiên được sinh ra. Thay vào đó, để có được sự kiên trì, ai cũng cần trải qua quá trình rèn luyện lâu dài và liên tục trau dồi bản thân. Theo các chuyên gia, nhờ có đức tính kiên trì, trẻ sẽ có khả năng lắng nghe chọn lọc thông tin của đối phương, dù đó là bạn bè, thầy cô hay phụ huynh. Trẻ cũng sẽ có khả năng quan sát tốt hơn, học cách chấp nhận những sai lầm của người khác.
Đồng thời, sự kiên trì sẽ giúp trẻ sớm tạo dựng được các mối quan hệ xã hội chất lượng như nhiều bạn tốt, thầy cô yêu quý… Sự kiên trì ngoài ra còn khiến trẻ sớm chấp nhận những “bài học thất bại”, nỗ lực cố gắng và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Đây là một trong những phẩm chất vô cùng quan trọng ở tất cả mọi người.
Kiên trì cũng sẽ giúp trẻ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Lý do là vì khi đó, trẻ sẽ có đủ thời gian để phân tích sâu vấn đề.
Sẽ là không ngoa khi nói rằng, rèn được tính kiên trì cho trẻ tức là dạy con được chữ Nhẫn: Kiên nhẫn, tĩnh tâm, bình thản. Một đứa trẻ được rèn luyện đức tính này từ nhỏ sẽ càng sớm hoàn thiện bản thân và đạt được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ trong tương lai.
Cha mẹ nên để trẻ đương đầu với thử thách. Ảnh minh họa. |
Để trẻ đối mặt với thách thức
Chia sẻ về vấn đề này, cô Nông Thùy Dương - Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống Cara - cho biết: “Cha mẹ muốn con trở nên có lòng ‘dũng cảm, kiên cường’ cần bồi dưỡng và rèn luyện tính cách dũng cảm cho trẻ từ nhỏ. Nhờ đó, để trẻ dũng cảm cạnh tranh, dũng cảm thách thức, có dũng khí đối diện với khó khăn. Chỉ có như vậy, trẻ mới chiến thắng thất bại, chiến thắng khó khăn, trở nên dũng cảm, mạnh mẽ”.
Do đó, cha mẹ cần để kinh nghiệm rèn luyện sự mạnh dạn cho trẻ. Chuyên gia này dẫn chứng, nhà tâm lý học nhi đồng nghiên cứu đã chứng minh rằng, trẻ nhút nhát là do thiếu rèn luyện, va vấp. Bởi, rất nhiều việc cha mẹ đều ôm đồm làm thay cho trẻ. Có thể nói, cha mẹ càng giúp trẻ làm nhiều việc, thì con càng nhút nhát, yếu đuối.
Thực tế, cha mẹ nên tạo cho trẻ không gian trưởng thành. Như vậy, trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống bằng những hoạt động như tham quan thế giới thiên nhiên, giao tiếp với mọi người xung quanh… hoặc thông qua các trò chơi. Nhờ đó, để trẻ thể hiện sức mạnh của bản thân như chiến thắng “sói xám”, “cá sấu”… Như vậy, trẻ sẽ có trải nghiệm tâm lý tốt. Trẻ sẽ nhớ rằng: Mình từng chiến thắng “sói xám” và “cá sấu”, chúng chẳng đáng sợ chút nào. Khi có trải nghiệm và trí nhớ như vậy, dũng khí và sự mạnh dạn của trẻ sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể kích thích dũng khí đối mặt với khó khăn của trẻ. Theo cô Thùy Dương, gian khổ và thất bại có thể rèn luyện ý chí, kích thích tiềm năng con người. Từ đó, giúp con người phát huy cao nhất giá trị bản thân mình. Khó khăn luôn ở khắp mọi nơi. Vì vậy, cha mẹ không thể giải quyết hết mọi khó khăn cho con. Thay vào đó, phụ huynh nên bồi dưỡng khả năng khắc phục khó khăn cho con. Nhờ đó, để trẻ tự biết cách giải quyết khó khăn.
“Cha mẹ nên là người thầy dẫn dắt trong cuộc sống và tâm hồn trẻ, có ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Muốn trẻ dũng cảm đối diện với khó khăn, cha mẹ cần dũng cảm, chấp nhận thách thức. Cần bồi dưỡng cho trẻ khả năng vận dụng các biện pháp khác nhau để giải quyết vấn đề. Trẻ sẽ có dũng khí đối diện với khó khăn”, cô Thùy Dương chia sẻ.
Trong cuộc sống, có trẻ chưa từng trải qua vấp ngã, thất bại nào. Vì vậy, cha mẹ cần tạo ra một số hoàn cảnh khó khăn cho trẻ rèn luyện. Tuy nhiên, việc tạo ra hoàn cảnh khó khăn sẽ nảy sinh tác dụng hai mặt. Vì thế, cha mẹ cần thận trọng khi chọn cách làm này.
Trẻ cần học cách độc lập và kiềm chế cảm xúc. Ảnh minh hoạ. |
Biết chấp nhận thất bại
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy trẻ học cách chấp nhận thất bại. Bởi, chỉ khi chấp nhận thất bại, trẻ mới nhìn nhận đúng đắn thất bại đó. Từ đó, tìm ra nguyên nhân thất bại. Khi trẻ thất bại hoặc buồn bã, cha mẹ không nên dùng thái độ ủy mị đối xử với con, hoặc thở dài, ủ rũ trách mắng.
Thay vào đó, hãy khiến trẻ hiểu rằng: Trong cuộc sống và học tập luôn có người thắng - kẻ bại, đó là điều đương nhiên. Người dũng cảm, thông minh sẽ nhìn nhận đúng đắn thất bại của mình và đúc rút kinh nghiệm. Sau khi đã giúp trẻ đối mặt với thất bại, cha mẹ cần giúp con xử lí tình cảm. Đồng thời, giúp trẻ lạc quan, vui vẻ trở lại.
“Cho trẻ cơ hội suy nghĩ, cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, để trẻ mạnh dạn nói và làm. Trẻ rất hy vọng được người khác tín nhiệm. Vì vậy, hãy ghi nhận và khen ngợi những lời nói và việc làm của trẻ. Hãy dạy trẻ học cách khen ngợi người chiến thắng. Khi đó, trẻ sẽ học được cách từ tốn, bình tĩnh đối mặt với các cuộc cạnh tranh. Đồng thời, biết ngưỡng mộ, khâm phục đối thủ của mình”, cô Thùy Dương gợi ý.
Phụ huynh cũng được khuyến khích nên dạy trẻ thích nghi với khó khăn, gian khổ. Bởi, khó khăn, gian khổ là một phần của cuộc sống. Trẻ muốn phát triển toàn diện cần biết cách lạc quan đối diện với khó khăn. Chỉ có những trẻ không ngừng chịu đựng khó khăn, gian khổ mới có ý chí kiên cường và khả năng sống mãnh liệt.
Một đứa trẻ tự tin thường tỏ ra dũng cảm, lạc quan và kiên cường. Đó là những yếu tố giúp trẻ tiến tới thành công. Vượt qua khó khăn, gian khổ giúp bồi dưỡng ý chí kiên cường và tăng khả năng chịu đựng của trẻ. Khi trẻ đối mặt với khó khăn, cha mẹ không nên quá lo lắng cho con. Thay vào đó, hãy giúp trẻ phân tích khó khăn và thất bại một cách khách quan. Sau đó, hãy động viên trẻ vượt qua khó khăn.
Cha mẹ cũng cần bồi dưỡng ý chí kiên cường cho trẻ. Theo giáo viên Thùy Dương, ý chí nghị lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đạt được thành công trong cuộc đời mỗi người. Ý chí nghị lực không liên quan đến trí tuệ con người, nhưng có tác dụng lớn thúc đẩy trí tuệ phát triển toàn diện.
“Bồi dưỡng tính kiên nhẫn cho trẻ là rất cần thiết, vì tính kiên nhẫn là một mặt quan trọng của ý chí nghị lực. Muốn trẻ có tính cách kiên cường, nhất thiết không được coi trẻ là người yếu đuối. Chỉ khi nào trẻ tự đứng bằng đôi chân của mình, ý chí của chúng mới trở nên kiên định, vững vàng”, nữ giáo viên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dũng cảm cũng chính là cách để trẻ kiên trì. Trong cuộc sống, có rất nhiều trẻ có thói quen xấu là làm việc không kiên trì. Trẻ từng rất hào hứng lúc đầu, nhưng chưa bao lâu đã mất kiên nhẫn. Thậm chí, trẻ tỏ ra nôn nóng và bỏ cuộc giữa chừng. Khi dạy trẻ, phụ huynh cũng cần kiên trì, không bỏ cuộc, không thỏa hiệp với những yêu cầu của con.
Phụ huynh cũng cần biết cách sử dụng các vật nhỏ xung quanh trong việc bồi dưỡng tính kiên trì cho trẻ. Ví dụ, có thể dạy trẻ tự gấp chăn, thu dọn phòng… Cần có những yêu cầu nghiêm khắc với trẻ. Như vậy, trẻ sẽ khắc phục khó khăn, làm việc nghiêm túc, kiên trì đúng cách, đến khi nào đạt hiệu quả mới thôi. Cha mẹ hướng dẫn và giúp trẻ đặt ra mục tiêu ngắn và dài hạn, để con cố gắng với phương hướng đó.
Cha mẹ có thể để trẻ hoạt động độc lập và học cách kiềm chế bản thân bằng “ba phút nhẫn nại”. Thời gian ba phút phù hợp với khả năng tập trung, chú ý của trẻ.
Muốn bồi dưỡng tính kiên trì cho trẻ, cha mẹ cũng cần kiên nhẫn, không nên ca thán, mắng mỏ, cười nhạo, khích bác con khi bé làm việc gì đó dở dang, không muốn làm tiếp. Ngược lại, cha mẹ cần cổ vũ, biểu dương từng tiến bộ của trẻ. Nhờ đó, giúp con thêm tự tin và kiên trì hoàn thành nhiệm vụ.
Cô Thùy Dương cho biết: Ham chơi là thiên tính của trẻ, trẻ nào cũng thích chơi, hi vọng trưởng thành và học tập trong khi “chơi”. Trong quá trình chơi, trẻ rất tập trung tinh thần, quên đi nỗi sợ hãi và tính nhút nhát của mình. Vì thế, đối với những trẻ nhút nhát, sợ hãi, không dám biểu hiện bản thân, cha mẹ cần thông qua trò chơi, bồi dưỡng tính cách mạnh dạn cho trẻ. Đồng thời, thông qua các trò chơi thú vị để làm tăng sự tự tin, bồi dưỡng tính cách dũng cảm cho trẻ.