Rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh tiểu học

GD&TĐ - Hiện nay, việc rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh tiểu học vẫn còn nhiều hạn chế.

Rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh tiểu học

Nhận định của cô Nguyễn Hoàng Mai - Giáo viên Trường Tiểu học Tân Thiềng A, huyện Chợ Lách (Bến Tre): Do việc rèn kỹ năng giao tiếp phần lớn thực hiện bằng việc giáo dục lý thuyết trên lớp học và khoán trắng cho giáo viên Tổng phụ trách Đội chỉ tổ chức hoạt động theo chủ đề, chủ điểm nên các em ít được tham gia các hoạt động tập thể khác.

Cùng với nhiều lý do từ phía gia đình và xã hội, nên còn một số ít học sinh chưa tiến bộ trong kỹ năng giao tiếp cần thiết..

Từ những hạn chế nêu trên, qua thực tế công tác, cô Nguyễn Hoàng Mai đã thực hiện giải pháp: Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ năng khiếu để “Rèn kỹ năng giao tiếp” cho học sinh tiểu học…

Thành lập Câu lạc bộ năng khiếu

Để thành lập các Câu lạc bộ, đầu tiên cô Mai phối hợp với Tổng phụ trách Đội, giáo viên dạy các môn năng khiếu (Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục), giáo viên chủ nhiệm lớp chọn những học sinh đạt các giải về năng khiếu cấp huyện, tỉnh qua các lần tham dự hội thi và học sinh có năng khiếu từng lĩnh vực, bộ môn qua các giờ học chính khoá của các môn năng khiếu.

Các Câu lạc bộ năng khiếu được thành lập: Câu lạc bộ bóng đá, Câu lạc bộ đá cầu, Câu lạc bộ cờ Vua, Câu lạc bộ văn nghệ, Câu lạc bộ vẽ tranh.

Khi có nhân sự của các Câu lạc bộ, phân công Tổng phụ trách Đội xây dựng kế hoạch hoạt động 2 tuần/lần cho từng Câu lạc bộ, một số quy định của Câu lạc bộ.

Trong quy định có nội dung về cách xưng hô, tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong Câu lạc bộ với nhau.

Cụ thể:

Cách xưng hô: Các thành viên trong các Câu lạc bộ nếu học lớp dưới thì phải gọi phải gọi các bạn lớp trên bằng “anh, chị” và xưng là “em hoặc tên”; bạn cùng khối lớp, gọi “bạn”, xưng “tên”; các bạn lớp trên đối với các em lớp dưới thì xưng là “anh, chị” và gọi là “em”.

Tinh thần hợp tác: Các thành viên phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc giao việc cho nhóm, ít khi giao việc cá nhân mục tiêu là rèn kỹ năng hợp tác giúp đỡ lẫn nhau.

Công tác tổ chức

Trước khi tổ chức các em sinh hoạt, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh trang bị cho các em những dụng cụ cần thiết như: bóng, cờ vua, giấy vẽ…

Mỗi Câu lạc bộ đều có Đội trưởng, Đội phó để hướng dẫn các bạn trong câu lạc bộ sinh hoạt. Đội trưởng và Đội phó là những em có năng khiếu vượt trội, mạnh dạn, có năng lực điều hành. Nhiệm vụ này được thay đổi luân phiên 2 hoặc 3 lần/năm.

Thời gian đầu mới thành lập, Tổng phụ trách Đội hoặc giáo viên dạy môn chuyên sinh hoạt cùng học sinh để hướng dẫn về hình thức, nội dung sinh hoạt; theo dõi, quan sát các hoạt động của các em.

Theo kế hoạch định kỳ, các Câu lạc bộ sinh hoạt 2 tuần/lần với thời gian từ 1 đến 2 giờ/lần trái buổi học chính khoá của các em hoặc vào ngày thứ bảy. Địa điểm sinh hoạt “Nhà kiểng xanh” ở sân trường.

“Rèn kỹ năng giao tiếp” qua sinh hoạt của các Câu lạc bộ

Đây là hoạt động trọng tâm của việc “Rèn kỹ năng giao tiếp”, vì qua hoạt động với các thành viên trong Câu lạc bộ, học sinh mới bộc lộ hết khả năng, tính cách trong giao tiếp của từng cá nhân.

Cô Mai cho biết, hoạt động này, mình thường xuyên tham dự cùng học sinh để kịp thời giáo dục, nhắc nhở về những hành vi, ngôn phong trong giao tiếp.

Tuỳ theo từng Câu lạc bộ, tổ chức nội dung sinh hoạt phù hợp. Cụ thể: Câu lạc bộ Cờ vua, đá cầu cho học sinh thi đấu giao hữu với hình thức cá nhân.

Câu lạc bộ vẽ tranh, bóng đá: Hoạt động cá nhân hoặc nhóm; Câu lạc bộ văn nghệ, kể chuyện: Hoạt động theo nhóm.

Trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, các học sinh thể hiện rõ tính cách trong giao tiếp ứng xử, vậy nên, giáo viên cần theo dõi sát, sẵn sàng yêu cầu dừng cuộc chơi nếu phát hiện tình huống xưng hô.

“Tôi thường nêu ra tình huống không tốt và không nêu trực tiếp tình huống xảy ra khi thi đấu tập luyện của ngày hôm đó; nhắc lại một vài chuyện ngắn đã học về tinh thần đoàn kết, tính kiên trì, nhẫn nại như: Câu chuyện bó đũa, chuyện “Có công mài sắt”, chuyện “Chiếc đồng hồ” của Bác Hồ… để học sinh nhận xét và đưa ra kết luận về cách ứng xử, hành vi và thái độ đúng.

Lúc này, các em mạnh dạn nhận xét những hành vi ứng xử trên là chưa tốt, chưa hay và các em tự hứa nhắc nhở nhau để không có những hành vi, cách xưng hô chưa hay, chưa đúng như thế trong mọi tình huống.

Những lần sinh hoạt sau đó, tôi đến quan sát các em, nhận thấy các em có chuyển biến rõ rệt trong cách giao tiếp xưng hô, tính hợp tác” - cô Mai cho biết.

Tạo cơ hội cho học sinh trình bày ý kiến trước tập thể

Hàng tháng, Câu lạc bộ tổ chức sơ kết đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động trong tháng, do Đội trưởng điều khiển, nhằm giúp các em luyện nói để các em mạnh dạn nói năng gọn gàng trước tập thể.

Với mục đích đó, phụ trách Đội trưởng được luân phiên 2 tháng/lần/em. Nội dung đánh giá, nhận xét gồm: Sự tiến bộ về năng khiếu của từng cá nhân trong Câu lạc bộ, việc thực hiện quy định trong sinh hoạt, cách giao tiếp ứng xử khi sinh hoạt, việc hợp tác giữa các thành viên trong Câu lạc bộ…

Phần nhận xét ưu điểm (nêu những bạn có tiến bộ), những hạn chế (không nêu tên cụ thể thành viên chưa tốt). Sau khi Đội trưởng nhận xét, các thành viên trong Câu lạc bộ có ý kiến. Sau cùng là phần nhận xét chung của giáo viên phụ trách hoặc Tổng phụ trách Đội.

Trong hoạt động này, cô Mai đã kiên trì và kịp thời uốn nắn, sửa sai cho các em giữ nhiệm vụ Đội trưởng (nếu có) để các em trình bày tốt.

Nếu trình bày trước tập thể chưa thành công, tiếp tục giúp các em luyện nói, tập nói ngay tại chỗ khi nào hoàn thành mới dừng lại.

Không nên phê bình các em khi trình bày còn lủng củng, chưa đủ ý, đủ câu… tránh để các em mất tự tin, trở nên tự ty, mặc cảm.

Riêng các thành viên dự sinh hoạt, khi muốn có ý kiến phải giơ tay theo đúng quy định đã được thực hiện trong lớp học và khi được mời có ý kiến thì mới trình bày ý kiến của mình.

Khi các em phát biểu ý kiến, theo dõi và kịp thời uốn nắn, sửa sai về dùng từ, câu cho các em và tập cho các em có cử chỉ, thái độ lịch sự khi phát biểu như: đúng thẳng người, ngay ngắn, vui vẻ, mắt nhìn thẳng về trước…

Các thành viên khác lắng nghe, không được nói ngang hoặc nhận xét khi bạn trình bày và chưa được Đội trưởng mời có ý kiến.

Kết hợp tuyên truyền với cộng đồng, với cha mẹ học sinh

Có thể mời Ban đại diện cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể trong, ngoài nhà trường tham dự khi nhà trường triển khai kế hoạch, mục tiêu việc thành lập Câu lạc bộ.

Mời Ban đại diện cha mẹ học sinh, cộng đồng khi nhà trường tổ chức thực hiện các hoạt động nhân dịp hội thao, tổ chức hoạt động ngoại khóa.

Mời cha mẹ học sinh, cộng đồng khi nhà trường tổ chức sơ kết, tổng kết thông qua báo cáo kết quả kết hợp với thực trạng của nhà trường và những đề xuất cần thiết với Ban đại diện cha mẹ học sinh, với cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ phải qua: Đạo diễn Việt Linh, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline Guitton giao lưu tại buổi ra mắt sách ở Việt Nam do Nxb Kim Đồng tổ chức. Ảnh: Bình Thanh.

Thuở ấy, mẹ đã 'Sống'!

GD&TĐ - Thuở ấy – những năm tháng đất nước kháng chiến chống Mỹ - mẹ đã sống như thế và hôm nay được thế hệ gen Y lớn lên ở Pháp ghi lại bằng lăng kính mới lạ.