Kiến giải về định giá sách giáo khoa

GD&TĐ - Giá sách giáo khoa thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, bởi đây là mặt hàng đặc thù, thiết yếu.

Vấn đề sách giáo khoa, giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm chung của xã hội. Ảnh: Hà Cường
Vấn đề sách giáo khoa, giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm chung của xã hội. Ảnh: Hà Cường

Theo đó, vấn đề định giá mặt hàng này tiếp tục được bàn thảo, nhất là khi Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Nhà nước định giá sách giáo khoa

Từ thực tế xuất bản sách giáo khoa nhiều năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, giá sách giáo khoa được cấu thành từ nhiều yếu tố. Trong đó tập trung 5 yếu tố cơ bản, gồm: Chi phí tổ chức bản thảo, nhuận bút, sản xuất (cơ bản có chi phí về giá giấy và công in), khâu lưu thông (còn gọi là chi phí phát hành) và tài chính (còn gọi là lãi vay).

Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật này quy định, Bộ GD&ĐT định giá tối đa sách giáo khoa. Theo đó, các tổ chức sản xuất kinh doanh sách giáo khoa định giá không cao hơn mức giá do Bộ GD&ĐT quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, vấn đề sách giáo khoa, giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của xã hội. Trước khi vào năm học mới, dư luận có nhiều ý kiến liên quan đến giá sách giáo khoa, với mong muốn chung có bộ sách ở mức giá phù hợp.

Tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Giá, trong đó xác định sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục được Nhà nước định giá. Luật này có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đó, sách giáo khoa do Nhà nước định giá, Bộ Tài chính ban hành phương pháp định giá tối đa, các nhà xuất bản tự quyết định giá cụ thể trong trần chung.

Sách giáo khoa là mặt hàng tác động đến đông đảo người học, phụ huynh, xã hội. Với hơn 17,5 triệu học sinh phổ thông trên cả nước, rõ ràng việc điều chỉnh, điều tiết giá sách giáo khoa là khoản kinh phí lớn và tác động diện rộng. Thay đổi giá một cuốn sách giáo khoa không nhiều nhưng tổng chung của kinh phí toàn xã hội bỏ ra là con số lớn.

Các nhà xuất bản là đơn vị chịu tác động trực tiếp trong các quy định của Luật Giá năm 2023. Trong quá trình Quốc hội thảo luận về nội dung Nhà nước định giá sách giáo khoa, nhiều ý kiến băn khoăn và cho rằng, liệu có là rào cản thực hiện chủ trương xã hội hóa? Quốc hội nghiên cứu, xem xét và tính toán rất kỹ, quyết định đưa ra phương pháp định giá, xác định giá trần.

Học sinh Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa năm 2022. Ảnh: Thế Đại

Học sinh Hà Nội tới tham quan triển lãm sách giáo khoa năm 2022. Ảnh: Thế Đại

3 nguyên tắc định giá

Nhà nước định giá sách giáo khoa, đưa ra giá trần là hướng tới đối tượng người tiêu dùng, để họ không phải chịu mức giá quá cao, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận. Phía các nhà xuất bản, nhìn tổng thể chắc chắn không bất lợi. Bởi khi xác định mức trần giá sách giáo khoa, mỗi đơn vị phải có tính toán nhất định để điều chỉnh, làm sao khâu đầu vào của quá trình biên soạn, phát hành bảo đảm ở mức có thể chấp nhận được.

Nếu xác định trần giá sách giáo khoa, đồng thời tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, sẽ trao quyền quyết định giá bán cụ thể cho nhà xuất bản. Trong quá trình triển khai, nếu những quy định của Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng thì sẽ có thị trường cạnh tranh lành mạnh.

“Tôi cho rằng, việc định giá sách giáo khoa không cản trở xã hội hóa, mà còn tạo ra cạnh tranh lành mạnh, thực hiện chủ trương xã hội hóa đúng hướng và bảo đảm mục tiêu định giá nhưng đồng thời khuyến khích, tạo động lực để các nhà xuất bản tham gia xuất bản sách giáo khoa”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc trao quyền cho Bộ GD&ĐT phối hợp cùng với Bộ Tài chính định giá sách giáo khoa là đang thực hiện quyền, trách nhiệm của mình đối với người học. Khi có giá sách giáo khoa hợp lý, chắc chắn ngành Giáo dục không phải đối mặt với tác động từ dư luận xã hội về giá sách giáo khoa.

“Vậy vấn đề cần tập trung nhiều hơn là chất lượng sách giáo khoa. Có lẽ chúng ta phải hướng tới không bị chi phối quá nhiều bởi việc sách cao hay thấp, mà quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sách giáo khoa có bảo đảm để thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như đặt ra hay không”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi.

Bàn về phương pháp định giá sách giáo khoa, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta coi trọng vấn đề liên quan đến các nguyên tắc và căn cứ định giá. Theo đó, định giá dựa trên 3 nguyên tắc phổ biến là: Tính đúng, tính đủ và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên (người học, ngành Giáo dục, nhà sản xuất).

Việc định giá, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần dựa vào ba căn cứ: Các yếu tố cấu thành nên giá sản phẩm. Theo đó, chúng ta phải rà soát lại các khâu để xây dựng nên bộ sách. Từ những đơn giá đó, chúng ta mới tính ra giá cấu thành, đây là căn cứ quan trọng nhất.

Tiếp đó, căn cứ vào quan hệ cung - cầu trên thị trường. Cần khảo sát thị trường, đánh giá xem bộ sách này có quy mô tiêu thụ lớn hay nhỏ… Nếu chúng ta sử dụng một bộ sách giáo khoa thì quy mô rất lớn, nhưng có nhiều bộ sách thì thị phần bị chia sẻ. Hay những bộ sách chuyên biệt cho người khiếm thị, người dân tộc thiểu số quy mô cũng nhỏ… Phải đánh giá kỹ thị trường và mối quan hệ cung - cầu để có thể định giá chính xác, hợp lý.

Cuối cùng, khi định giá, thường đề cập đến giá các sản phẩm tương đồng trên thị trường. Hiện, không chỉ có sách giáo khoa mới là sản phẩm in để bán, mà nhiều sách khác cũng in để bán và nội dung, cách thức, kiểu cách tương tự nhau…

Chúng ta phải căn cứ vào những sản phẩm cùng loại, có tính tương đồng đó để so sánh, đánh giá và làm căn cứ định giá cho sản phẩm sách giáo khoa. Cần so sánh tương đồng ở nhiều mặt, để khi định giá một cuốn sách không có chi phí bất hợp lý, gây thiệt hại cho người học, nhưng cũng bảo đảm lợi ích hợp lý, đủ để bù đắp cho người sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chúng ta cần xét vấn đề liên quan đến nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Tính đúng là tính những chi phí nào nằm trong giá thành để tránh tình trạng một số khâu không kiểm soát tốt khiến giá thành bị đội lên… Nếu không tính đúng, tính đủ mà áp một mức giá khống chế, không phù hợp thì không có sản phẩm tốt, chất lượng cao.

Lớp học Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Lớp học Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Phương pháp định giá

Tuy Luật Giá chưa có hiệu lực nhưng thời điểm này, cơ bản các nhà xuất bản đã gửi bảng kê khai giá cho Bộ Tài chính năm 2024, 2025. Ông Trần Thanh Đạm - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) thông tin và cho hay: Bộ đang thảo luận về phối hợp, rà soát kê khai giá của nhà xuất bản.

“Bộ GD&ĐT có trách nhiệm lớn trong việc quy định giá trần sách giáo khoa. Vì vậy, sau khi Luật Giá ban hành, chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, chuyên môn về giá thuộc về Bộ Tài chính. Bộ GD&ĐT đã tham khảo Bộ Tài chính từ sớm, khi được Quốc hội giao quyền cho Bộ GD&ĐT”, ông Trần Thanh Đạm cho hay.

Về phương pháp định giá, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính trao đổi, theo quy định của Luật Giá và chức năng nhiệm vụ, Bộ Tài chính là cơ quan xây dựng phương pháp định giá nói chung, trong đó bao gồm giá sách giáo khoa. Hiện, Bộ Tài chính cơ bản hoàn thiện nghị định hướng dẫn Luật Giá và dự thảo thông tư về phương pháp định giá.

Trong phương pháp định giá, nội dung nào đặc thù, có tính cá biệt trong chi phí để biên soạn xuất bản, phát hành sách giáo khoa thì Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho ý kiến. Theo đó, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến của các nhà xuất bản cũng như các kênh thông tin liên quan. Từ đó, làm rõ vấn đề cần quy định đặc thù với chi phí để biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa đưa vào thông tư của Bộ Tài chính, tạo cơ sở cho các nhà xuất bản xây dựng quy định giá đối với sách giáo khoa của mình.

Trao đổi về phương pháp định giá trần, ông Trần Thanh Đạm nhấn mạnh, đây là công việc quan trọng nên Bộ GD&ĐT đã thảo luận với cơ quan liên quan, trao đổi với nhà xuất bản để xác định giá của sách giáo khoa hình thành từ khoản chi phí nào? Tính đúng, tính đủ nhưng phải hài hòa.

“Trên cơ sở trao đổi với cơ quan liên quan, chúng tôi đã có văn bản gửi nhà xuất bản để họ thông tin về giá đang tính, với phương pháp trên cơ sở chi phí thực tế. Bộ GD&ĐT có phương án cân đối, rà soát lại từ thông tin của các nhà xuất bản”, ông Trần Thanh Đạm.

Đề cập đến Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Nghị quyết 32), ông Trần Thanh Đạm trao đổi, Nghị quyết 32 đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15.

Với nội dung này, Bộ GD&ĐT chia thành 3 nhóm vấn đề mà Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện.

Cụ thể: Thứ nhất, tổng kết đánh giá đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, xã hội hóa sách giáo khoa.

Thứ hai, hoàn thành việc biên soạn, tổ chức in phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số và người khiếm thị; đồng thời hướng dẫn in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, sách giáo khoa điện tử theo Chương trình GDPT năm 2018.

Thứ ba, ban hành quy định về giá tối đa sách giáo khoa; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ theo quy định của Luật Giá, trong đó có quy định có thể áp dụng cho sách giáo khoa, hay quy định giá trần sách giáo khoa.

GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận, để kiểm soát giá sách giáo khoa vừa đảm bảo nhu cầu người học, phù hợp khả năng thanh toán, song phải khuyến khích được các nhà sản xuất để ra sản phẩm tốt nhất, hướng dẫn thực hiện định giá của Bộ GD&ĐT tới đây sẽ mang nhiệm vụ nặng nề, không đơn giản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.