Rèn kĩ năng dùng từ ngữ, hình ảnh khi làm văn tả cảnh

GD&TĐ - Học sinh lớp 6 vẫn có thói quen sử dụng ngôn ngữ của học sinh tiểu học - đơn giản, câu từ còn chưa thoát ý, chưa biết cách lựa chọn từ ngữ tiêu biểu, chọn lọc, giàu hình ảnh.

Rèn kĩ năng dùng từ ngữ, hình ảnh khi làm văn tả cảnh

Chính vì thế, để các em có thể hoàn thành tốt bài văn tả cảnh, ngoài việc cung cấp cho học sinh (HS) một số vốn ngôn ngữ trong văn miêu tả, cô Tống Thị Lan Anh - Giáo viên Trường THCS Đồng Giao (Ninh Bình) - cho rằng, giáo viên cần hướng dẫn các em cách lựa chọn từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật để minh họa chi tiết thật nổi bật, thật có hồn và giàu hình ảnh.

Tạo thói quen tìm từ gợi hình, biểu cảm

Để làm tốt văn tả cảnh, HS phải có một vốn từ phong phú và quan trọng hơn là phải biết lựa chọn tinh tường, sao cho giữa một hệ thống các từ đồng nghĩa, gần nghĩa, có thể tìm được một vài từ phù hợp, chính xác nhất.

Cô Lan Anh cho biết, trong quá trình giảng dạy, mình thường lưu ý học sinh phải luôn có thói quen tìm từ gợi hình, biểu cảm và phải lựa chọn từ ngữ phù hợp.

Muốn làm nổi bật hình ảnh của đối tượng, cần chú ý nhiều đến hệ thống từ tượng hình (tả màu sắc, hình dáng, trạng thái...); muốn làm nổi bật không khí của cảnh thì chú ý tới hệ thống từ tượng thanh (mô phỏng âm thanh của tự nhiên)...

Ví dụ, tìm những từ ngữ gợi hình, gợi thanh khi tả sóng biển hay tả cơn mưa rào... , giáo viên yêu cầu HS làm việc theo nhóm, trao đổi thảo luận và tìm các từ khác nhau.

Sau đó nêu vấn đề: Các từ ấy được dùng như thế nào? Sau quá trình trao đổi, nêu ý kiến cùng với vốn sống thực tế, học sinh sẽ tự nhận thấy: Tả cảnh sóng biển có nhiều từ ngữ gợi hình, gợi thanh: cuồn cuộn, nhấp nhô, lăn tăn, rì rầm, rì rào, lô nhô, ì oạp... Nhưng không phải miêu tả sóng lúc nào cũng dùng được tất cả các từ ấy.

Tả sóng biển lúc biển động thì phải dùng từ cuồn cuộn; tả tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá thì phải dùng từ ì oạp; tả tiếng sóng biển vọng lại trong đêm mà nghe từ xa thì phải dùng từ rì rầm...

Ngay cả âm thanh của tiếng mưa rào cũng có sự phân biệt rõ: mưa giáo đầu thì lẹt đẹt; mưa trên mái tôn thì rào rào; mưa đập vào phên nứa đồm độp; mưa đập vào tàu lá chuối thì lùng bùng; mưa từ mái tranh giọt đổ xuống sân thì ồ ồ....

Đưa ra các dạng bài tập đa dạng đề rèn kỹ năng

Sau nội dung trên, giáo viên đưa ra các dạng bài tập điền từ vào chỗ chấm; tìm từ lạc trong nhóm từ; sửa từ chưa chính xác trong các câu; sửa lỗi liên kết câu; tìm từ giàu hình ảnh, sinh động để biểu đạt các sự vật, hiện tượng (đối tượng miêu tả) để HS rèn luyện kĩ năng dùng từ…

Ví dụ: Tìm những từ láy, tính từ gợi tả thích hợp để điền vào chỗ trống trong các câu văn sau :

- Tiếng sóng vỗ... vào mạn thuyền như lời ru... cho làng chài yên giấc ngủ.

- Những con sóng.... nô giỡn cùng bãi cát vàng.

- Những con sóng hiền từ gối lưng lên nhau... mạn thuyền

Cô Lan Anh lưu ý: Việc làm giàu vốn từ cho HS bằng các hoạt động dạy học nói trên, giáo viên không chỉ yêu cầu chung chung là học sinh cần tích luỹ vốn từ đã học mà quan trọng là giúp các em biết sử dụng “sổ tay vốn từ”, hình thành thói quen khi gặp “từ hay” là ghi ngay vào sổ và phải thường xuyên đọc sách, báo để có vốn từ phong phú.

Đồng thời, lên kế hoạch kiểm tra hàng tháng, biểu dương những HS có sổ tay tích lũy được nhiều từ mới.

Tạo hình ảnh cho câu văn miêu tả

Bên cạnh việc lựa chọn từ ngữ, vấn đề tạo hình ảnh trong khi làm văn miêu tả cũng rất quan trọng. Nếu HS viết những câu văn miêu tả giàu hình ảnh thì sức gợi cảm của bài văn sẽ tốt hơn.

Với quan điểm này, cô Lan Anh cho biết, mình thường rèn học sinh tạo hình ảnh cho câu văn miêu tả bằng nhiều cách: Hoặc dùng những từ ngữ tượng hình, tượng thanh; hoặc bằng các nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hoá....

Để giúp HS thực hiện tốt yêu cầu này, giáo viên có thể sử dụng hệ thống bài tập điền các từ ngữ giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm vào chỗ trống; tìm những cách diễn đạt có cách tạo hình ảnh hay hơn và sau đó là dùng những từ ngữ, biện pháp nghệ thuật để viết câu, viết đoạn.

Các dạng bài tập đó giúp phát huy được năng lực giao tiếp tiếng Việt và năng lực cảm thụ cho HS: HS không chỉ nắm được cách sử dụng biện pháp nghệ thuật trong viết câu còn biết cách liên kết các câu trở thành một đoạn văn hoàn chỉnh, hay và hấp dẫn, có thể gây được sự chú ý cho người đọc, người nghe.

Ví dụ, với bài tập: Hãy so sánh các cách diễn đạt sau và cho biết cách diễn đạt nào hay hơn. Em hãy giải thích rõ lí do vì sao mình chọn?

1. Dòng sông chảy qua cánh đồng.

2. Dòng sông lượn qua cánh đồng.

3. Dòng sông vắt qua cánh đồng.

Giáo viên hướng dẫn học sinh nêu cảm nhận của mình và nhận thấy, cả ba câu đều miêu tả về dòng sông nhưng hình ảnh dòng sông trong mỗi câu văn đem lại những ấn tượng khác nhau đối với người đọc.

Câu 1: Đây là một câu văn tả thực, chỉ miêu tả đơn thuần về hình ảnh một dòng sông như trong thực tế đời sống. Cách viết rất bình thường nên ai cũng có thể làm được.

Câu 2: So với câu 1, cách viết này đã có hình ảnh hơn. Bởi với từ “lượn” câu văn đã góp phần gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh về một dòng sông mềm mại, duyên dáng. Vẻ đẹp này góp phần tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên.

Câu 3: Đây là câu văn hay hơn cả. Với cách dùng từ “vắt” câu văn giúp người đọc không chỉ hình dung được vẻ đẹp mềm mại của dòng sông mà còn cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của nó. Dòng sông ấy như một nhịp cầu thật duyên dáng nối khoảng không gian giữa đôi bờ.

Câu văn có sức gợi hình, gợi cảm nhiều hơn, cách miêu tả không chỉ bằng thị giác mà còn bằng sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm; bằng tình yêu quê hương thiết tha, sâu nặng. Đây cũng chính là một sáng tạo về nghệ thuật tạo hình ảnh trong khi viết văn miêu tả.

Rõ ràng chỉ khác nhau một từ thôi nhưng cách gợi hình, gợi cảm của ba câu đã khác nhau.

Trên cơ sở bài tập này, giáo viên hướng dẫn học sinh cách dùng từ ngữ, hình ảnh khi miêu tả để tạo nên những độc đáo, sáng tạo riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ