Chị kể, vợ chồng đi công chuyện, dặn Vinh ở nhà chơi với em. Lúc về, chị phát hiện chiếc bình thủy tinh trên kệ tủ bị vỡ. Chị hỏi, cu cậu bình thản bảo do em gái làm đổ.
Được anh Hai thỏa thuận trước, em gái nhận lỗi thay anh. Thế nhưng, khi bị mẹ gạn hỏi, cô bé đã nói sự thật. Giận thì ít, lo lắng cho con trai thì nhiều khi chị nhớ lại cái cách Vinh rành mạch “dựng chuyện”: em gái vói lên kệ tìm đồ chơi, vô ý làm rơi bình…
Rà soát lại, chị giật mình nhận ra từ trước đến nay, mỗi khi có sai trái, không khi nào con trai nhận lỗi, ngược lại, luôn kiếm một lý do, một ai đó để đổ thừa.
Đi học, bị điểm kém Vinh nói: “Tại con không đi học thêm nên bị thầy… đì!”, hay ngây ngô: “Do đứa bạn ngồi bên cạnh liên tục hỏi bài khiến con không tập trung được”.
Tôi hỏi chị phản ứng ra sao mỗi lần con “vẽ” ra các lý do như vậy, chị giải thích: “Con mình, mình tin. Nó giải thích sao thì chỉ biết vậy”. Rõ ràng, chính chị đã tiếp tay cho “căn bệnh” của con ngày một nặng. Tôi nhớ lại, có lần sang thăm chị, thấy Vinh đang chơi cùng nhóm bạn.
Lát sau, Vinh chạy về giận dữ méc mẹ: “Thằng Tâm đánh con”. Không cần biết đúng sai, chị lập tức đưa Vinh sang nhà Tâm mắng vốn, trách hàng xóm không biết nuôi dạy con. Sau đó, chị an ủi: “Thằng Tâm to đầu ăn hiếp con trai của mẹ”.
Thậm chí, không ít lần trễ giờ đi học, Vinh liên tục bị vấp té khi lao nhanh từ tầng 2, chị… cười xòa khi Vinh bảo, do ba mẹ thiết kế cái cầu thang quá hẹp! Chị không nhìn thấy lỗi hấp tấp của con để kịp thời nhắc nhở, khuyên răn.
Khi cảm thấy an toàn với việc đổ thừa, lại được người lớn bao che, đồng thuận, bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ không tự nhìn ra được cái sai, ngược lại dần hình thành thói quen lấp liếm, nói dối để che đậy, không chịu nhận lỗi.
Việc nói dối, đổ thừa thường xuyên sẽ khiến đứa trẻ chẳng những không học được tính cẩn thận, chu đáo mà còn không có khả năng tự chịu trách nhiệm trước mọi hành vi, việc làm sai của mình.
Theo thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến hình thành thói tật đổ thừa, ngụy biện, lấp liếm của con. Một là bắt nguồn từ sự nuông chiều dẫn đến bao che và thói quen không kịp thời suy nghĩ của cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái.
Đơn cử như lúc nhỏ, khi đứa trẻ tập đi, nếu vô tình bị vấp té bởi bậc thang hay va vào cạnh bàn, để con không khóc, các bà mẹ liền nhào đến ôm con dỗ dành và có hành động “đánh” vào bậc thang, cạnh bàn rồi an ủi con: “Tại cái này làm cho con té”.
Con lớn lên, thay vì tìm hiểu nguyên nhân khiến con thất bại, tâm lý “không kịp nghĩ” một cách xuyên suốt vấn đề và nhìn ra bản chất sự việc, phụ huynh đã vội tin ngay lý do con đưa ra để bao biện cho mình.
Nguyên nhân thứ hai, nhiều đứa trẻ có thể làm sai trái, song không nhận được cảm thông của cha mẹ, ngược lại là sự chì chiết, la mắng, đánh đập gây tổn thương sâu sắc đến trẻ. Sau này gặp lỗi, đứa trẻ dễ dàng tìm lý do để che đậy, lấp liếm lỗi hòng tránh lặp lại tổn thương.
Juterbi, một nhà tư tưởng Do Thái từng khuyên: “Hãy để cho trẻ tự giải quyết chuyện của mình. Nếu cha mẹ quá che chở cho trẻ, sẽ làm trẻ mất tự tin. Khi lớn lên, đứa trẻ đó chắc chắn không có được tính độc lập, càng không thể đạt được những thành tựu xuất sắc”.
Đánh nhau với bạn, đứa trẻ vội chạy về mách mẹ, nhờ đưa sang nhà bạn “mắng vốn”, cho thấy đứa trẻ ấy đã không thể tự giải quyết vấn đề của mình.
Việc mách mẹ và “mắng vốn” đồng nghĩa với đứa trẻ đã cho mình đúng, còn người bị “mắng vốn” là sai. Trong khi đó, người mẹ đưa con đi “mắng vốn” tức có hành vi đồng lõa, che chắn lỗi của con mình.
Trong gia đình, chính cha mẹ là những người gần gũi nhất giúp con hoàn thiện, trưởng thành, bắt đầu từ việc dạy con thói quen tự biết tự chịu trách nhiệm với những gì mình gây ra.
Thay vì bảo bọc, sợ con tổn thương, phụ huynh cần thiết phải chỉ cho con thấy được lỗi sai và yêu cầu đứa trẻ phải nhận lỗi.