(GD&TĐ) - Thông thường, khi trong nhà có đứa trẻ hư, người chịu trách nhiệm về lỗi lầm của nó vẫn thuộc về người làm mẹ, làm bà trong gia đình. Câu nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” như người xưa vẫn nói, phải chăng cho đến bây giờ vẫn không bị “lỗi thời”?
Mẹ làm con hư: Chỉ mỗi việc xếp dọn dẹp gối mền ngay ngắn sau khi ngủ xong mà đứa con trai năm nay đang học cấp hai của chị Hồng Loan, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, lâu nay vẫn không làm được. Chị Loan có hai đứa con, đứa lớn đang đi làm xa nhà còn đứa nhỏ năm nay học lớp chín. Chồng chị là dân kinh doanh, tất bật vì công việc nên hầu như mọi việc lớn nhỏ trong nhà anh đều khoán hết cho chị. Vốn thương con, chị Loan thường giành làm thay con mọi việc, ngay cả việc mà lẽ ra, con chị phải tự làm lấy. Cứ nghĩ mình chỉ còn một đứa bên cạnh, không lo cho nó thì lo cho ai nên chị nhiều lần cảm thấy xót xa khi con mình phải lội bộ mỗi ngày đến trường, dù chỉ khoảng hơn cây số. Con tỏ ý muốn phụ mẹ một tay, chị cũng ngăn không cho. Nghe nó than thở học nhiều quá phải thức khuya, chị liền chạy vạy đi mua món ngon về bắt con phải ăn. Mỗi tối, sau khi vật lộn với mấy cuốn sách vở, nó cứ quẳng bừa mọi thứ cho mẹ dọn và thản nhiên lăn ra ngủ. Hầu như mọi việc lớn nhỏ của con, chị Loan đều “xung phong” làm thay. Mới đây, chị đột ngột trở bệnh. Căn bệnh thấp khớp cứ đến mùa lại bộc phát làm chị cảm thấy đau nhức hết cả người. Sinh hoạt trong nhà không có chị trở nên khó khăn. Cơm không ai nấu, nhà cửa không ai dọn…mọi thứ cứ rối tung cả lên, còn cậu quý tử chỉ biết vùi đầu vào việc học. Nó chẳng thể qua đường mua cho mẹ mấy viên thuốc, vì có làm bao giờ đâu mà biết. Chồng chị đi làm về thấy nhà cửa bề bộn, sinh bực rồi cáu gắt. Anh trách vợ không biết chỉ bảo cho con, không biết dạy con, to đầu mà dại. Chị càng nghe càng xót, muốn nhanh khỏi bệnh để không phải nghe tiếng chì tiếng bấc của chồng.
Trong giáo dục con cái, vai trò của người mẹ rất quan trọng. Câu nói “Mẹ thế nào, con thế đó” cũng cho thấy vị thế của người mẹ khi dạy dỗ, uốn nắn con cái theo ý của mình. Khi người mẹ là tấm gương sáng, con cái sẽ noi theo. Nhưng khi người mẹ không làm được điều này, con cái của họ cũng sẽ bắt chước những điều học được từ mẹ của chúng.
Minh họa |
Bà quá nuông cháu : Là con trai đích tôn trong nhà, lại mất cha từ nhỏ nên khi lập gia đình anh Khánh đã được mẹ động viên: “Ráng sanh cho mẹ nhiều cháu để tha hồ ẵm nựng”. Hai năm sau, mẹ anh đã lên chức bà nội của hai thằng cháu trai kháu khỉnh. Mẹ anh Khánh rất quí mến cháu nên tuần nào vợ chồng anh bận việc không đưa cháu sang chơi, bà hết điện thoại nhắc nhở, thậm chí trách móc. Biết vậy nên dù có bận rộn công việc mấy đi nữa, vợ chồng anh phải thay phiên đưa cháu sang với bà nội. Nhưng anh Khánh để ý thấy mỗi lần sang nhà bà về, hai thằng con của anh đã nghịch lại càng nghịch hơn. Hai đứa hết táy máy lục lọi cái tủ chứa mấy thứ vặt vãnh mà anh đã cấm đụng vào, chúng đòi cho bằng được cái máy chụp hình kỹ thuật số của anh để bấm loạn xạ làm anh phải quát ầm lên mới chịu thôi. Chưa hết, vào bữa cơm thằng anh nhất định đòi ăn thịt còn thằng em chỉ chịu ăn cá. Cơm ăn thì bỏ thừa, vừa ăn chúng vừa tranh giành và cãi vã nhau chí chóe. Hỏi ra mới hay, lần nào sang ở nhà bà nội chúng đều như thế nên thành thói quen. Bây giờ tuy đã lên năm lên bảy, nhưng vẫn đòi gì được nấy. Ở với bà rất thoải mái, đồ chơi xong không cần dọn đã có người phụ việc làm cho, không thích món này ăn món khác, muốn chơi với thứ gì cũng vô tư, buổi trưa vui thì ngủ buồn thì kéo nhau ra “quậy”…, bà vẫn cười và sẵn sàng chiều cháu hết ga. Biết nếu có nói bà cũng không thông, còn làm mặt giận nên anh Khánh chưa biết tính sao. Đến nước này, vợ chồng họ chỉ biết cùng nhìn nhau thở dài.
Người bà bao giờ cũng muốn thể hiện tình yêu thương dành cho các cháu. Nhưng thường đôi khi do thiếu kiểm soát nên tình thương yêu này trở nên tiêu cực, dẫn đến đứa cháu sinh hư hỏng, hay mè nheo, vòi vĩnh, thậm chí bất tuân trước lời dạy bảo của cha mẹ. Dần theo thời gian, đứa trẻ sinh tính ỷ lại, cậy vào uy thế của bà để làm “già”, ngay cả với cha mẹ của nó. Điều này có thể tạo mối bất hòa giữa bà và cha mẹ trẻ. Vì thế, để tránh “bà làm hư cháu”, bà cũng cần cân nhắc trước những đòi hỏi của cháu, nhất là khi cháu sẵn có tính ngỗ nghịch để tránh tạo thêm điều kiện làm hư cháu mình. Ông bà cần biết giới hạn về quyền nuôi dạy cháu của mình. Tất cả ông bà đều cho rằng, họ có kinh nghiệm và chuyên môn trong việc nuôi dạy cháu. Nhưng họ cần phải hiểu họ không còn làm cha mẹ mà đã trở thành ông bà, cháu của họ hiện nay còn có cha mẹ riêng của chúng. Giới hạn này không có nghĩa là ông bà không được can thiệp, nhưng hành động của họ phải phối hợp với cha mẹ của trẻ.
Chẳng còn cháu hư tại bà: Khi ngoài vợ chồng bạn, còn có người thứ ba muốn tham gia vào việc chăm sóc, dạy dỗ cháu, để giữ hòa khí đôi bên, bạn cần thận trọng trong cách cư xử sao cho khéo léo để tránh làm phật ý ông bà, để ông bà không hiểu sai thiện ý của bạn. Đó là thiện ý muốn trẻ trở thành con ngoan trong nhà, cháu giỏi của ông bà. Tránh nhắc đi nhắc lại những câu nói mang tính chỉ trích trước mặt bà như: “Bọn trẻ hư hỏng cũng tại bà” hoặc “Khó có thể dạy dỗ bọn trẻ khi còn ở với bà”. Như vậy chỉ đào sâu thêm khoảng cách đôi bên và dần làm mối quan hệ thêm xấu đi mà thôi.
Ca Dao