Không muốn con mỗi khi gặp khó khăn hoặc thất bại đã bỏ cuộc sớm hoặc bị sụp đổ nhanh chóng thì ngay từ khi chúng còn nhỏ bố mẹ phải rèn cho con tinh thần vượt khó.
Chưa làm đã lo “thất bại”
Đang giữa giờ nghỉ trưa ở khách sạn thì chị Mai Hà (Sở VH&TT Hà Nội) nhận được điện thoại của con trai. Đi công tác và ở cùng phòng với chị chuyến này là chị Lan Khuê, một đồng nghiệp.
Dù không muốn nghe lỏm nhưng câu chuyện với những lời giải thích, năn nỉ của chị Hà với con trai vẫn lọt vào tai chị Khuê. Cậu con trai học lớp 12 yêu cầu mẹ gọi điện cho gia sư hoãn giờ học buổi chiều muộn lại để cho nó có thêm thời gian để… ngủ, nếu không “học sẽ không vào”…
Biết tỏng con trai nói dối, chị Hà cố ngọt ngào thuyết phục nhưng không được nên phải bấm máy thương lượng với cô gia sư. Rồi chị lại gọi về cho con chốt giờ học.
Kết thúc 3 cuộc điện thoại, chị quay sang chị Khuê, thở dài thườn thượt: “Mệt mỏi vì con quá. Sắp thi rồi mà học hành lớt phớt, hôm nào cũng sinh chuyện. Học thêm ở trường, ở nhà cô thì chả được thêm chữ nào. Đã phải cất công mời gia sư về tận nhà kèm mà còn...”.
Biết tiếng chị Hà chiều con từ lâu rồi, nhưng phải đến lúc chứng kiến cách chị xử lý những “yêu sách” của con cái chị Khuê mới vỡ lẽ. Chị quyết định nói thẳng những suy nghĩ của mình:
Em xác định với chồng em ngay từ trước khi sinh con là dù sống trong điều kiện vật chất đầy đủ hay khó khăn đến đâu thì cũng phải dạy cho con tinh thần vượt khó.
Nghị lực là một năng lực tinh thần, nó tác động đến suy nghĩ cách làm việc của mỗi người. Để đạt được mục đích ai cũng phải có nghị lực để thực hiện chứ không thể trông chờ vào may mắn, hay phụ thuộc vào hoàn cảnh.
Đừng dán nhãn “không làm được”
Tích cực đăng ký tham dự những khóa học “Kỹ năng làm cha mẹ”, chị Thanh Thúy (47 Hàng Dầu, Hà Nội) đã áp dụng được nhiều kinh nghiệm hay.
Trước những bài toán khó hay những việc con ngại làm, chị không ốp giục hay gắt mắng, dán nhãn “lười, dốt” cho con mà nhẹ nhàng, thủ thỉ “bài khó thì phải cố gắng đào sâu suy nghĩ...”, “mệt nhọc thật nhưng vẫn phải hoàn thành để thoải mái nghỉ ngơi...”.
Chị kết luận: Trong những tình huống khó khăn, tôi đều hướng con tới luồng suy nghĩ tích cực là “nên”, “cần” hoặc “không thể thoái thác”. Nhờ vậy, bọn trẻ được độc lập suy nghĩ và không đổ lỗi cho sức khỏe hoặc tìm cách trì hoãn…
Nếu trong tiềm thức đứa trẻ hình thành sự từ bỏ hoặc nghĩ rằng không thể... hoặc nghĩ “hãy tìm cách nhờ...” thì không bao giờ trẻ cố gắng hết sức.
Chị kể chuyện hôm trời mưa to vẫn trùm áo mưa đưa con đi học cờ vua ở cung thiếu nhi vì không muốn con ngại thời tiết xấu mà nghỉ học bừa bãi.
Cảm động nhất là lúc con trèo lên xe, rồi còn động viên mẹ: Chú Nick Vujicic không có tay chân mà làm được những việc phi thường, vậy thì mình sợ gì trời mưa mẹ nhỉ?
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trường Đào tạo Kỹ năng sống và phát triển tư duy Wedo Wegood) khuyên các phụ huynh: Trước khi muốn con học giỏi, phải làm thế này hoặc phải làm thế kia, phải có cái này hoặc phải có cái kia... đầu tiên hãy dạy con tư duy nhận thức tích cực. Con trẻ đang trải nghiệm để hình thành suy nghĩ và nhận thức đúng đắn.
Vì vậy, mỗi lời nói của người lớn với con cần có mục tiêu “nói để dạy con rèn luyện sự vượt khó, nói để con chinh phục mục tiêu, nói để con không ỷ lại hoặc đổ lỗi”.
Những lời nói theo cảm tính của cha mẹ trước mặt con nếu con nghe nhiều quá sẽ thành phản xạ tiềm thức và vô tình hình thành cho con nhiều tư duy ỷ lại, dựa dẫm, ngại khó, dễ từ bỏ, đổ lỗi, biện hộ...
Khi có nhận thức tích cực, đứa trẻ sẽ có tất cả: Ý thức - trách nhiệm - tâm huyết - năng lực và đặc biệt là biết sống tử tế...