Xin giới thiệu một số hạt để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.
Đậu đen: Đông y gọi là hắc đậu. Có vị ngọt, tính hòa hoãn, dùng tốt cho thận, mùa hè thường nhiệt độ cao, đối với người tiểu đường nấu phui cho tí muối, ăn vừa bổ thận vừa mát phổi, điều hòa đường máu rất tốt.
Người bình thường nấu chè đậu đen ăn vừa bổ tỳ, vừa mát phổi. Đông y dùng đậu đen sao có mùi thơm đun nước uống để thanh nhiệt giải độc về mùa hè, bổ thận trừ phong thấp, bổ huyết, trong Đông y vị thuốc có màu đen đi vào thận nên dùng đậu đen sao hơi cháy làm vị thuốc dẫn các vị thuốc khác vào thận, thay cho cam thảo vì cam thảo có vị ngọt có lợi cho tỳ vị nhưng làm tổn hại thận.
Nếu để thanh nhiệt thì nấu đỗ đen với đường phèn ăn vào buổi trưa. Nếu trừ phong thấp nấu đỗ đen với lá lốt ăn ngày hai lần vào buổi sáng và tối trước khi ăn cơm 15 phút. Hiện nay, một số địa phương dùng đỗ đen thay thục địa trong bài lục vị và bát vị để bổ thận âm và thận dương.
Đậu đỏ: Đông y gọi xích tiểu đậu, hồng phạm đậu. Có vị ngọt, chua, tính bình vào tâm và tiểu tràng. Có tác dụng hành huyết lợi thủy, tiêu sưng liễm mủ, trị chứng nhiệt độc mùa hè sinh tả lỵ, mụn nhọt.
Nếu đại tiện ra máu mủ, dùng xích tiểu đậu 30g, rau sam khô 20g đun nước uống; Nếu do nhiệt sinh mụn nhọt, rôm sảy: xích tiểu đậu 50g đun chín nhừ, lá non bồ công anh tươi thái nhỏ 10g (bỏ sau) cho chút muối, chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liên tục 5-7 ngày.
Khoai từ: Đông y gọi là thổ noãn. Có vị ngọt hơi cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc tỳ vị, bồi bổ tân dịch, đối với người nằm ngủ hay khô miệng, khô họng dùng tốt, có tác dụng giải độc khi bị ngộ độc thức ăn bị tích trệ trong dạ dày.
Nếu làm thuốc sau khi thu hoạch rửa sạch cạo bỏ vỏ phơi hoặc sấy khô sao vàng phối hợp với các vị thuốc khác trị chứng ho do phế (phổi) nhiệt ho không có đờm.
Nếu làm thức ăn luộc chín, ăn có tác dụng bổ tỳ vị. Nếu giải độc thức ăn ứ đọng trong dạ dày luộc chín, chà nhuyễn, trộn với mật ong ăn ngày 2 lần mỗi lần ăn 100g sau khi ăn sáng và ăn tối, cũng là món tráng miệng vừa ngon vừa bổ.
Trẻ em lười ăn, đại tiện phân sống, ngày ăn 2 lần mỗi lần 50g, ăn liên tục 10 ngày nghỉ 10 ngày ăn tiếp đợt hai, mỗi tháng ăn 1-2 lần.
Cây rau bợ: Đông y gọi là thủy tần. Thường mọc hoang vào mùa xuân hạ ở ven đường, bờ ao, bờ ruộng, có vị ngọt, tính hàn không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, trục thủy.
Điều trị các chứng nóng ở ngoài da, cơ bắp, lợi tiểu là một vị thuốc điều trị chứng tiểu đường. Hái về bỏ rễ, rửa sạch, phơi khô dùng làm thuốc.
Nếu dùng tươi giã nhuyễn đắp ngoài các vết bỏng nhẹ làm hút khô nước của vết bỏng, làm rau ghém ăn với thịt vịt, ngan vào mùa hè, giúp giải nhiệt, tiêu thực.
Chua me (chua me đất): Đông y gọi toan tương thảo. Mọc hoang ở khắp nơi có vị chua, tính mát không độc, có tác dụng thanh nhiệt, thông lâm, lợi tiểu, hành huyết, có tác dụng trị chứng đái buốt, đái dắt vào mùa hè, do nhiệt độ cao nước tiểu đỏ, trị chứng huyết uất nổi mẩn ngứa, làm nước giải khát.
Thu hái về rửa sạch, phơi khô dùng làm thuốc. Bài thuốc điều trị đái buốt, đái dắt: Toan tương thảo khô 20g, lá và hạt mã đề mỗi thứ 16g, rau sam khô 10g, nếu tiểu tiện ra máu gia thêm lá huyết dụ khô 16g, ngày một thang sắc uống, uống liên tục 5-7 ngày.
Để giải nhiệt dùng tươi 50g đun với 2 lít nước, sau 30 phút bỏ bã cho một chút muối uống giải nhiệt sau khi đi nắng về ra nhiều mồ hôi mệt mỏi rất tốt. Hoặc dùng tươi xay sinh tố pha với đường uống trị rôm sảy.