Rất nguy hiểm nếu những người này dùng ngải cứu không đúng cách

GD&TĐ - Ngải cứu được biết đến là một loại thảo dược có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng có những người tuyệt đối không được ăn loại rau này.

Rất nguy hiểm nếu những người này dùng ngải cứu không đúng cách

Nhà khoa học, lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), cho biết, ngải cứu có vị đắng nhưng mùi thơm và có tính ấm nên được sử dụng như một bài thuốc chữa bệnh trong đông y từ xưa đến nay.

Về ẩm thực, ngải cứu là loại rau gia vị, nhưng xét về mặt y học đây là một cây thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh, nhất là điều trị xương khớp, giảm đau, an thần. Đặc biệt, vị đắng và tinh dầu ngải cứu chống viêm loét dạ dày hiệu quả, lợi tiểu, nhuận tràng.

Nhóm người không nên ăn ngải cứu

Người bị viêm gan

Tinh dầu trong ngải cứu là thành phần có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là một thành phần có độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.

Người mang thai 3 tháng đầu

Theo các chuyên gia của Sức khỏe đời sống, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu hoặc từng sảy thai, sinh non không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vảy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống.

Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.

Người mắc các bệnh về tim mạch

Nước ngải cứu có tương tác với thuốc Warfarin mà người bị bệnh lý về tim hay sử dụng. Khi đó, bạn có thể bị xuất huyết tiêu hóa, rất nguy hại.

Người bị rối loạn đường ruột cấp tính

Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thế nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm.

Thế nhưng, chính do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.

Một số lưu ý khi sử dụng ngải cứu

Ngải cứu được biết đến là có rất nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng trong đời sống hàng ngày cũng như sử dụng làm thuốc cần thận trọng.

Trong dân gian cũng chỉ ra rằng, nếu sử dụng quá nhiều ngải cứu có thể dẫn tới ngộ độc. Hoặc nếu sử dụng không đúng cách có thể gây phản tác dụng. Vì thế, việc sử dụng ngải cứu cần lưu ý những điều sau đây:

Không nên dùng quá nhiều ngải cứu, mỗi lần chỉ nên ăn tối đa 5 ngọn, mỗi tuần không nên ăn quá 3 lần.

Không dùng ngải cứu làm thuốc kết hợp với các loại thuốc chữa trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn… sẽ gây tương tác và phản tác dụng của thuốc.

Cần hết sức thận trọng khi dùng ngải cứu với những người có cơ địa mẫn cảm với thảo dược.

Không dùng ngải cứu dài ngày, quá 4 tuần.

Món ăn sử dụng rau ngải cứu

Canh ngải cứu cá diếc

Nguyên liệu gồm: Cá diếc 3-4 con ( bằng 3 ngón tay), 2 mớ ngải cứu, nước mắm, hành khô, hạt nêm. Luộc cá, gỡ xương, đầu và xương cho vào giã lấy nước. Phi thơm hành khô, cho cá vào xào, nêm nước mắm, mì chính xào cá thơm lên. Đun sôi nước luộc cá, cho rau vào, nước sôi bật trở lại thì cho cá đã xào vào. Nêm gia vị vừa ăn. Món này ăn nóng.

Gà ác hầm ngải cứu

Nguyên liệu gồm 1 con gà ác khoảng 350g, 10g đương quy, 20g câu kỷ tử, 2 quả lê, 250g ngải cứu hầm trong nửa lít nước.

Khi nước cạn còn 1⁄2 thì chia thành 5 phần ăn trong cả ngày. Ăn trong vòng 1-2 tuần có tác dụng điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn.

Trứng rán ngải cứu

Đây là món ăn đơn giản, dễ làm, có nhiều tác dụng nếu ăn trong thời gian dài (chỉ nên ăn 1-2 lần trong tuần) như loại bỏ máu ứ, lưu thông máu, có lợi cho quá trình trao đổi chất, giúp loại bỏ chứng lạnh trong tử cung.

Óc heo chưng ngải cứu

Giúp thay đổi khẩu vị, kích thích ăn ngon hơn vì trong lá ngải cứu có chứa adenin và choline, hai thành phần cấu thành vitamin B có tác dụng tích cực trong chuyển hóa các chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ