Rất cần một môi trường văn hóa nhân văn như thế

Rất cần một môi trường văn hóa nhân văn như thế

(GD&TĐ) - Từ đầu năm học đến nay, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin vui và cảm động, từ nhiều trường đại học trong cả nước, trong không khí khai giảng năm học mới, đón tân sinh viên vào trường. Điển hình như việc PGS.TS. BS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược-ĐH Huế trực tiếp viết thư cho em Phạm Thái Sơn ở Quảng Trạch, Quảng Bình- thí sinh đậu thủ khoa vào trường (với số điểm 29,5, cao nhất nước) và bức thư của em Lê Thị Giang, sinh viên lớp 11CNQTH01 gửi cho PGS.TS Phan Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng. Hai bức thư ở 2 địa phương khác nhau, đối tượng gửi thư một nơi là thầy gửi cho trò, một bên là trò gửi cho thầy nhưng nội dung lại trùng lặp nhau ở một điểm: đó là độ chân thành sâu lắng, tính nhân văn cao cả, chỉ có thể có ở chốn học đường thực sự coi tri thức là hành trang vào đời.

(ảnh minh họa: Internet)
(ảnh minh họa: Internet)

Trong phạm vi hạn định của trang viết, không thể trích dẫn cả nội dung 2 bức thư, chỉ xin dẫn một vài câu kết. Đoạn kết của bức thư gửi thủ khoa Phạm Thái Sơn, BS- Hiệu trưởng  Cao Ngọc Thành viết: “Trường đại học Y-Dược Huế luôn sẵn sàng và hân hoan chào đón các tài năng trẻ đến học tập, nghiên cứu tại trường… mong em sớm trở thành sinh viên của trường và sẽ là thầy thuốc giỏi trong tương lai!”.  Đoạn kết bức thư gửi thầy hiệu trưởng Phan Văn Hòa, SV Lê Thị Giang viết: “Bác đã cảm ơn vì các sinh viên đã chọn Trường ĐH ngoại ngữ Đà Nẵng. Nhưng bác ơi! Không phải như vậy đâu, chính bản thân cháu phải cảm ơn vì trường đại học ngoại ngữ đã chọn cháu, và cháu thật lòng cảm ơn vì bác đã xuất hiện trong cuộc đời cháu ngày hôm qua”.

Về sự trùng lặp bất ngờ và lý thú ở ý tưởng của 2 đoạn thư nêu trên, xin để dư luận tự thẩm định. Còn tôi, sau khi đọc xong, mãi xốn xang nhiều xúc cảm. Thế hệ của chúng tôi, trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu; cổng trường đại học là giấc mơ cao vời; được vào ĐH là ân huệ lớn, làm gì có được chuyện thầy viết thư mời trò vào trường, thầy cảm ơn trò vì trò đã chọn thầy, chọn trường như ở Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Tôi cho rằng, bất cứ ai đọc được nguyên văn bức thư của em Lê Thị Giang cũng phải ngạc nhiên và trào rơi nước mắt. Một bức thư vừa đầy tự tin, bản lĩnh khi kể về hoàn cảnh riêng bất hạnh, thiếu tình thương yêu của cha đẻ, sống trong thù hận để rồi cảm nhận được trang mới của cuộc đời:

“Hôm qua là một ngày đặc biệt trong cuộc đời em. Đó là ngày em được gặp một người thầy, một vị giáo sư đáng kính. Nhưng thưa thầy, em mạo muội viết thư cho thầy không phải với tư cách là sinh viên trường đại học ngoại ngữ gửi cho thầy hiệu trưởng, mà với tư cách là một cô gái gửi thư cho một người đàn ông. Vì vậy nên thầy cho phép em được gọi thầy là bác thầy nhé (….)

Ngày hôm qua, chính cái ngày cháu gặp được bác, đã làm cháu hoàn toàn thay đổi về nhận thức và suy nghĩ. Nụ cười của bác là quá hiếm hoi trong cuộc đời này, chưa có nụ cười nào khiến cháu cảm thấy bình an và ấm áp đến thế. Bác là một người mà dường như cháu chỉ tìm thấy trong sách vở mà thôi. Cháu thực sự rất sửng sốt trước cách nhìn về cuộc sống của bác. Lần đầu tiên trong cuộc đời cháu được nghe về lời nói xuất phát từ hai nơi đó là trái tim và khối óc. Cháu chưa bao giờ "dám" nghĩ về điều đó, vì đơn giản cháu luôn cho rằng lời nói sinh ra trong sự tính toán thiệt hơn, nói ra để không phải mất lòng người khác. Nhưng giờ thì cháu đã thực sự hiểu, lời nói sinh ra để không làm tổn thương mọi người. Làm sao một người luôn ích kỷ như cháu có thể hiểu thấu đáo về tính nhân văn của con người như vậy. Cháu chỉ biết sống cho bản thân mình, người khác đối xử với cháu thế nào thì cháu đối xử lại với họ như thế, chưa một lần cháu biết đến sự tha thứ. Cháu cảm thấy có lỗi vô cùng trước những lời bác nói ngày hôm qua…”. Bức thư chính là sự giải mã cho con đường từ trái tim đến trái tim. Mọi hình thức kỷ luật trong nhà trường không phải khi nào cũng đưa đến hiệu quả nếu như không xuất phát từ sự lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ ở những người thầy theo đúng nghĩa người kỹ sư tâm hồn. Những lời lẽ ngợi ca hết mực người thầy của mình từ SV Lê Thị Giang hoàn toàn có cơ sở, khi chính chúng tôi trước đó không lâu  được tham dự một buổi họp hội đồng kỷ luật của Trường ĐH Ngoại ngữ để xét hình thức kỷ luật đối với 2 SV vi phạm quy chế. Không nặng nề, căng thẳng như những buổi họp kỷ luật thường thấy, mà tất cả từ ban giám hiệu, đại diện khoa… cho đến những sinh viên bị kỷ luật đều rơi nước mắt, đặc biệt, sau khi nghe mức kỷ luật sẽ bị đình chỉ một năm học, một SV đã thành khẩn thốt lên: “Em tự nhận thấy mức kỷ luật này là xứng đáng với những gì mình gây ra. Em biết thầy cô giáo rất khó khăn khi đưa ra quyết định này. Em cũng hứa sẽ đứng lên từ chỗ mình vấp ngã”.

Phải chăng, những tín hiệu vui nêu trên là kết quả của Cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”, của phong trào: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức và tự học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Những phong trào này đã tạo nên môi trường văn hóa nhân văn- mảnh đất tốt cho sự nuôi dưỡng nhân cách  mỗi học sinh, sinh viên trước ngưỡng cửa vào đời. Đã đến lúc ở mỗi trường ĐH, CĐ cần tích cực xây dựng một môi trường nhân văn như thế (kế tiếp phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực ở bậc học phổ thông), làm động lực thúc đẩy sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.