Vì đi chơi những ngày lễ, khách không chỉ “chụp ảnh nuôi phây”, không chỉ tụ bạ đàn hát, nhảy múa mà còn sử dụng các loại đồ ăn, thức uống mà họ mang theo.
Vỏ lon bia, nước ngọt, các loại túi ni lông đựng thức ăn, giấy vệ sinh, vỏ ốc, vỏ sò… nằm la liệt trên vỉa hè, bãi biển, bãi đá ở các thác nước, trong những cánh rừng rợp bóng cây xanh…
Tiện đâu thì vứt rác ở đó, bất chấp những tấm biển khuyến cáo “cấm xả rác” treo nhan nhản ở các địa chỉ đã dẫn. Điều đáng buồn hơn cả là, xả rác nhiều nhất ở những điểm vui chơi ấy lại là những nam thanh nữ tú, ăn mặc rất đẹp đẽ, toàn nói những lời có cánh!
Tất cả những số rác giăng mắc khắp nơi ấy, đa số là “nằm im” ở đấy, đợi các… phong trào dọn rác của một tổ chức thiện nguyện nào đấy đến dọn, hoặc là “mượn” mưa lũ để cuốn trôi đi.
Thường thì các loại rác bằng túi ni lông ấy sẽ nằm đấy chứ chả thể “trôi” đi đâu cả. Đúng năm sau, hoặc ngày lễ nào đó tiếp theo, các nam thanh nữ tú lại tiếp tục xả rác như những lần trước đó, rác chồng lên rác.
Họ sẽ lựa chỗ nào đó “sạch” nhất trong những khu vực “vui chơi” để tụ bạ, bí quá thì ngồi ngay lên những đống rác mà mình đã từng xả ra trước đó.
Để ý các ở các con đường cạnh bãi biển, cạnh những khu vui chơi công cộng bao giờ cũng có những thùng rác của công ty môi trường. Những thùng rác này luôn luôn “xin rác” bằng những lời khẩn cầu nhưng cuối ngày “kiểm đếm” thì không có một mẩu rác nào được bỏ vào thùng cả!
Ai sẽ dọn số rác này? Công nhân ở các công ty vệ sinh trong khu vực mà họ đảm nhận là những người sẽ dọn rác. “Ăn lương thì phải dọn rác, thắc mắc gì?”. Không hiếm những lời “phản biện” khó nghe như thế từ những người xả rác.
Vâng, ăn lương để dọn rác - điều này không sai, nhưng lại có gì đó không chuẩn. Mình thải rác ra từ đồ ăn thức uống thì mình cũng phải có trách nhiệm “xử lý” số rác ấy trước đã.
Mà đâu có nặng nhọc gì, chỉ cần đi bộ dăm bảy bước chân là có thùng rác, bỏ tất cả những thứ mà mình thải ra ấy vào thùng. Người dọn rác họ chỉ việc bê cái thùng ấy lên đưa vào xe chở rác, thay vì phải đi nhặt nhạnh từng túi ni lông vương vãi tứ tung.
Đó là nói những nơi mà công ty vệ sinh vươn tới được, còn những chỗ khuất nẻo thì sao? Thì cứ vứt rác bừa ra đó, ra sao thì ra thôi. Một đàng thì xả rác vô tội vạ, còn ở một phía khác, phía của những người tử tế, họ thành lập các nhóm thiện nguyện để đi dọn số rác mà các nhóm nam thanh nữ tú nói toàn những lời có cánh ấy xả ra! Vì vậy, mọi người không lạ gì cảnh mỗi thứ Bảy, Chủ nhật, nhiều nhóm thiện nguyện đi dọc bờ biển, men theo các khu vui chơi công cộng để nhặt rác.
Sau mỗi trận đấu bóng đá ở World Cup, hình ảnh thường thấy là các cổ động viên Nhật Bản tay cầm túi ni lông, tay kia nhặt rác bỏ vào đấy. Họ như một tấm gương cho cả thế giới noi theo về một hành động tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng mang một ý nghĩa lớn lao. Nước mình đến bao giờ mới được như thế?
Hãy bắt đầu những chuyện lớn lao bằng việc không xả rác bừa bãi như ta vẫn thấy sau mỗi dịp lễ.