Câu trả lời này có thể gây bất ngờ với nhà báo đặt câu hỏi lẫn những người trong khán phòng nhưng có lẽ đó là “mong ước” thật nhất của một cháu bé mới lên 5 tuổi, con của một gia đình công nhân quét rác ở TPHCM. Là người trong cuộc, hơn ai hết, cháu hiểu nỗi vất vả của ba mẹ mình trong đêm giao thừa trước những “núi rác”.
Ngày thường đã thấy rác “ngập” phố phường, những ngày cận Tết, lượng rác phải gấp nhiều lần như thế. Từ túi ni lông đến giấy gói đồ mua hàng Tết rồi cả những chậu hoa thừa ế chả ai mua bị vất lăn lóc trên các ngả đường… nhìn đâu cũng thấy rác.
Trong lúc mọi người đi mua sắm Tết hoặc du xuân đón chờ phút giao thừa thì hàng nghìn công nhân vệ sinh ở khắp các đô thị phải căng mình ra để quét dọn cho bằng hết số rác tồn đọng trên đường trước lúc mọi người đón chào năm mới.
Sống ở đô thị, nhất là những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, rác luôn là câu chuyện “đau đầu” nhất với người dân lẫn các nhà quản lý. Bao nhiêu cuộc “rào đường, bít lối” của người dân không cho xe chở rác đến các bãi tập kết rác đã xảy ra trong năm qua cũng vì họ không chịu thấu với sự nhếch nhác và ô nhiễm từ các bãi rác không được xử lý triệt để.
Rác dồn ứ ở bãi và cả trên các con phố đã phản ánh sự quá tải trong xử lý nhưng cũng nói lên một thực tế từ ý thức của người dân ứng xử với rác nữa. Bạ đâu vứt rác đấy là điều rất dễ nhận ra khi quan sát cách xử lý rác của các gia đình ở một khu phố nào đấy.
Một số địa phương hiện nay, các nhà máy xử lý rác đã rất ý tứ khi đặt hai thùng đựng rác cạnh nhau, một dành cho loại chất thải rắn, một cho rác thường, tuy nhiên có mấy ai trước khi mang rác ra đổ vào thùng đã ý thức được điều đó.
Công nhân vệ sinh lại phải xới tung cả hai thùng rác ấy lên để… phân loại rồi mới cho lên xe chở rác. Đó là chưa kể, thùng rác ở trước mặt nhưng rác thì đổ bên cạnh thùng! Công nhân vệ sinh lại phải khom lưng dọn thêm một lần nữa.
Chưa hết, trên những chiếc ô tô đời mới, trị giá hàng tỉ đồng, cũng khá dễ dàng bắt gặp cảnh, những chủ nhân trên xe hồn nhiên hạ cửa kính xuống để… vứt một vài chiếc túi ni lông vừa dùng xong ra khỏi xe mình. Miễn sao xe mình sạch, còn ai chịu dơ do chính mình gây ra, cũng kệ! Giàu có mà không “sang” là vậy. Rác giăng mắc khắp nơi là vậy.
Ở thành thị đã thế, về nông thôn hiện nay, rác cũng ngập đường làng. Cứ qua một trận lũ là trên các bờ rào, thậm chí ở các ngọn tre ven suối, túi ni lông giăng mắc trắng trời!
“Cháu mong mọi người bớt xả rác để mẹ cháu về nhà kịp đón giao thừa với gia đình”. Đó là mong ước cũng là một lời van xin của đứa trẻ lên 5, đồng thời là thông điệp của tương lai gửi cho chúng ta hôm nay về cách hành xử với rác vậy.