Những người đi thả cá đã chuẩn bị sẵn các túi lớn để bỏ túi nilon hoặc tập hợp vào một đống lớn chờ thu gom.
Chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cúng ông Công ông Táo vào tối ngày 22 tháng Chạp và cho 2 con nhỏ đi thả cá cùng. Tôi muốn các cháu được biết về phong tục truyền thống và bài học ý thức bảo vệ môi trường.
Sau khi thả cá xuống hồ, tôi bỏ túi nilon vào nơi tập kết trên bờ hồ đểnhân viên môi trường đến thu gom vào hôm sau. Tất cả những người đi thả cá mà chúng tôi gặp đều có hành động đẹp như thế".
Cá được các bạn tình nguyện viên cho vào thùng, rồi từ từ thả xuống sông, hạn chế tối đa số lượng cá chết. Ảnh: Đ.T.Q (Laodong.vn). |
Vào sáng 23 tháng Chạp (17/1), hàng chục bạn trẻ của câu lạc bộ "Đường Táo Quân" đã có mặt tại cầu Long Biên để tuyên truyền vận động người dân thả cá đừng thả túi nilon.
Được biết, đây là chiến dịch nhằm thay đổi thực trạng người dân thả túi nilon và các đồ thờ cúng xuống sông, hồ vào ngày tết ông Táo. Hoạt động tuyên truyền tại điểm cầu Long Biên được tiến hành những ngày gần đây.
Với thông điệp “Hãy chung tay hành động vì một lộ trình thông thoáng cho Táo Quân”, các bạn trẻ đã lồng ghép tuyên truyền việc không xả rác, túi nilon ra môi trường vào truyền thống thả cá tiễn ông Táo về chầu Trời.
Thông điệp “Đừng để Táo quân mang rác lên chầu” dọc 2 bên cấu Chương Dương (Ảnh: Kim Thoa). |
Dọc 2 chiều cầu Chương Dương, thông điệp “Đừng để Táo quân mang rác lên chầu” kèm theo các bao tải lớn bên cạnh được bố trí dày đặc, tác động tới trực giác của người đi đường. Điều này cũng góp phần không nhỏ nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Thả cá nhưng không xả rác thải xuống sông, hồ là hành động vừa giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc lại vừa nâng cao ý thức của người dân với vấn đề bảo vệ môi trường.
Đây còn là bài học giáo dục cho lớp trẻ về ý thức, trách nhiệm với cộng đồng và với từng hành động của mình.