Ra mắt hệ sinh thái kết nối các trường đại học Châu Á

GD&TĐ - Chiều 13/6, tại Trường ĐH Ngoại thương đã diễn ra Lễ ra mắt Hệ sinh thái kết nối các trường đại học Châu Á (PAMS) và phát động Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khoa học Dữ liệu.

Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối các trường đại học Châu Á.
Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối các trường đại học Châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Trong quá trình quốc tế hóa giáo dục đại học, Trường ĐH Ngoại thương cùng nhiều cơ sở giáo dục tiên tiến trên thế giới đã cùng áp dụng nhiều hình thức sáng tạo trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác.

Năm 2019, nhà trường vinh dự trở thành một trong năm thành viên sáng lập của Liên minh các trường đại học Châu Á (PAMS) gồm ĐH Woosong (Hàn Quốc), ĐH Quốc gia Malaysia (Malaysia), ĐH Gadjah Mada (Indonesia), ĐH Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) và ĐH Ngoại thương. Hệ sinh thái kết nối các trường đại học Châu Á và Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khoa học Dữ liệu dành cho sinh viên và học sinh các trường trung học phổ thông trên cả nước, cũng là mong muốn hiện thực hóa điều này.

“Trường ĐH Ngoại thương với vai trò là đơn vị đồng sáng lập mong muốn sẽ tạo cầu nối cho các trường đại học ở Việt Nam cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái PAMS nhằm tạo nên sự đa dạng cũng như tận dụng và nâng cao thế mạnh chuyên môn giảng dạy của từng trường. Trường ĐH Ngoại thương hy vọng và tin tưởng rằng mỗi cơ sở giáo dục sẽ cùng chung tay kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đón đầu tương lai”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.  

Giới thiệu tổng quan về chương trình PAMS, GS. Yoo Taek Lee cho biết, trong giai đoạn thí điểm, PAMS có hai chương trình là PAMS 1 năm và Nano - PAMS cung cấp các chương trình học tập trung đến các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, phân tích dữ liệu trong kinh doanh, công nghệ tài chính, blockchain... Đáng chú ý, sinh viên được tham gia vào các dự án thực tế giải quyết các vấn đề thực tiễn do doanh nghiệp đối tác đặt ra.

Sau hai năm thực hiện thí điểm chương trình trong bối cảnh đại dịch, chương trình đã được các chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham gia đánh giá tích cực. Thông qua PAMS, sinh viên và giảng viên đã, đang và sẽ được đem đến các cơ hội học hỏi, tiếp thu tri thức từ các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trên thế giới và trong khu vực thông qua ứng dụng công nghệ tạo nên một thế giới mở, không rào cản, không khoảng cách địa lý. Ông cũng đã giới thiệu mô phỏng trường học ảo PAMS qua nền tảng Metaverse.

Tại buổi lễ, đại diện trường ĐH Ngoại thương (Việt Nam) và ĐH Woosong (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên về việc triển khai chương trình đào tạo cử nhân song bằng chuyển tiếp 1+3, 2+2, 3+1 ngành Khoa học dữ liệu.

Trường ĐH Ngoại thương cũng đã phát động Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khoa học Dữ liệu dành cho sinh viên và học sinh THPT trên cả nước nhằm tạo ra một sân chơi trí tuệ, chuyên nghiệp cho những thí sinh có niềm đam mê trong lĩnh vực này để cải thiện cuộc sống và đưa ra các giải pháp kinh doanh sáng tạo trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay. 

PAMS là mô hình hợp tác đa quốc gia với mục đích là tận dụng thế mạnh của các trường thành viên cũng như mạng lưới kết nối nghề nghiệp để mang lại các chương trình đào tạo đón đầu nhu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động quốc tế. Tầm nhìn của PAMS là trở thành hạt nhân kết nối đại học thông minh trong khu vực Châu Á và Châu Á mở rộng.

Những thành tựu bước đầu đạt được trong giai đoạn thí điểm đã khẳng định hướng tiếp cận phù hợp trong việc định hướng và phát triển hệ sinh thái PAMS. Những gì hệ sinh thái PAMS đang được kiến tạo không chỉ dừng lại ở mối quan hệ đa phương của các trường sáng lập mà còn bắt đầu mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới các trường đại học khác trong châu Á và trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?