Thông qua cuốn sách tác giả muốn truyền tải câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện, không chỉ về khoa học và công nghệ mà còn cả kinh tế, văn hóa và xã hội.
Với mong muốn câu chuyện sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tư tưởng đổi mới mạnh mẽ trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, những con người sẽ chiếm lĩnh cơ hội mới, rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các quốc gia phát triển khác về trình độ công nghệ, về khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế quốc gia, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một ấn phẩm tóm lược những nét cơ bản nhất về làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng.
Thế giới ngày nay thay đổi như chưa từng có nhờ cuộc Cách mang công nghiệp lần thứ tư, vậy bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì? Nó bắt nguồn từ đâu? Nó tác động đến kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của thế giới như thế nào?
Hằng ngày, câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thường xuyên và liên tục được đề cập trên các phương tiện truyền thông đại chúng, là đề tài nóng trên các diễn đàn và tọa đàm… chủ đề này đã được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao, mọi người đều nói về nó, nhưng dường như vẫn còn rất nhiều người chưa biết nó là gì.
Những câu hỏi được đặt ra về sự khác biệt của nó với những cuộc cách mạng công nghiệp khác? Sự xuất hiện của nó cũng như các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng công nghiệp trước đây đã làm thay đổi thế giới của chúng ta sống như thế nào? Chúng ta có thể mong đợi gì và làm thế nào chúng ta có thể tận dụng tốt nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng này mang lại? Trước làn sóng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đâu sẽ là giải pháp cho Việt Nam?
Với lối viết đơn giản, những vấn đề tưởng như phức tạp, khô khan của khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã trở nên dễ hiểu và gần gũi. Tác giả dẫn dắt chúng ta đi xuyên qua ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn trong tiến trình phát triển của thế giới: Hiểu được những thay đổi nhanh chóng của toàn cảnh xã hội châu Âu, nơi khởi xướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784), khi động cơ hơi nước của James Watts được đưa vào ôtô, tàu hỏa, tàu thủy.
Cuộc cách mạng sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1850) gắn liền với quá trình điện khí hóa sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất đại trà. Cùng với những nhà phát minh tiên phong như Nikola Tesla, Thomas Alva Edison, George Westinghouse và sự áp dụng quản lý dựa trên cơ sở khoa học bởi Fredderick Winslow Taylor đã mang lại cuộc sống văn minh, năng suất.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi có các tiến bộ về hạ tầng điện tử, với sự phát triển của chất bán dẫn, máy tính, số hóa và Internet kết nối thế giới. Nền sản xuất được tự động hóa nhờ sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin. Những thành tựu công nghệ cao như vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, Internet… chúng ta đang thụ hưởng chính từ cuộc cách mạng này.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ sản xuất thông minh, tiếp sau những thành tựu lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, được hình thành trên nền tảng cải tiến và đột phá của công nghệ số với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới...
Sự hội tụ của các công nghệ làm mờ đi ranh giới giữa các các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Hiện nay cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nó là chiến lược bản lề để cho các nước đang phát triển bắt kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của loài người.
Trước các dự báo về một số tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra những chính sách đột phá nhằm tranh thủ những cơ hội và vượt lên những thách thức do nó mang lại. Những cuộc cách mạng xuất hiện và đi cùng với nó là những quốc gia mới nổi do nắm được thời cơ bằng những quyết tâm sắt đá của cả dân tộc đã nâng cao vị thế của mình trên bản đồ thế giới như Hàn Quốc, Singapor, Hồng Kông… là bài học bổ ích cho Việt Nam chúng ta.
Với những hiểu biết sâu sắc của các chuyên gia đầu ngành về khoa học và công nghệ, với kinh nghiệm dày dạn trong quản lý, tác giả đã cho chúng ta biết Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cách mạng công nghiệp này và thực trạng nền khoa học và công nghệ của đất nước, từ đó đưa ra các kiến nghị, quan điểm và tư tưởng chỉ đạo, những giải pháp về khoa học và công nghệ để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một lần nữa, cuộc chạy đua giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia mới nổi, với sự tham gia của các “đại gia công nghệ” đang dẫn dắt thế giới và đặt ra câu hỏi “Thế giới này là của các quốc gia hay của các đại gia công nghệ”?
Các chính phủ đã có những chiến lược gì để làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư?
Thông qua chính sách công nghiệp của một số quốc gia như Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Anh, Ôxtrâylia, Canada, Ấn Độ, Việt Nam sẽ tiếp cận và hành động như thế nào? Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?
Đây chính là thời cơ vàng để Việt Nam bắt kịp, làm chủ cuộc cách mạng, nâng cao vị thế quốc gia với khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước.
Các thế hệ người Việt Nam truyền ngọn lửa khát vọng Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác với niềm tin bền bỉ về sự thịnh vượng, yên bình và mưu cầu hạnh phúc cho người dân Việt. Cuộc sống của bạn và quan điểm của bạn về thế giới, về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi sau khi đọc cuốn sách này, đó là niềm tin, tâm huyết của tác giả.