Người thầy trong thời đại 4.0

GD&TĐ - LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi sâu sắc quá trình phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. giáo dục là một lĩnh vực khá nhạy cảm, chịu sự tác động tất yếu từ những chuyển động xã hội, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sức lan tỏa của làn sóng trên. Trong xu thế đó, sứ mệnh và vị thế của người thầy trong thời đại mới đã có nhiều đổi thay so với những quan niệm truyền thống. Báo Giáo dục và Thời đại có cơ hội trao đổi cùng các nhà giáo về chủ đề này.

Người thầy trong thời đại 4.0

Cơ hội và thách thức

PV: Thưa các thầy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem đến cho hệ thống giáo dục nhiều cơ hội và thách thức, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò và sứ mệnh của người thầy như thế nào?

PGS-TS Võ Văn Sen (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM): Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định có những mối quan hệ và giá trị bất biến ngày càng được định hình và phát triển.

Đó là vị trí trung tâm của người thầy. Mặc dù có những thay đổi về phương tiện, công cụ, phương thức giao tiếp trong giáo dục nhưng không có một loại máy móc hay đường lối gián tiếp nào có thể thay thế tất cả các giá trị nhân văn xuất phát từ mối quan hệ thầy và trò.

Thời đại 4.0 cung cấp lượng thông tin ở quy mô rất lớn, tốc độ truyền tải nhanh chóng, phương pháp học tập đa dạng, cách thức sắp xếp và tìm kiếm khoa học, tiến bộ. Người thầy không thể cứ nói lại những điều sẵn có vì thông qua keyword trong công cụ tìm kiếm, các bản sách in dạng file được chia sẻ miễn phí, sinh viên hoàn toàn đủ khả năng thụ đắc lượng kiến thức nhiều hơn cả thầy.

Vai trò của người thầy truyền thống đang bị thách thức, đó là xu hướng chung, nhưng sự truyền cảm hứng từ người thầy thông qua con đường giáo dục thì không một tiến bộ nào xóa bỏ được. Có những người đọc sách cả đời vẫn không thông, vậy mà chỉ cần một luồng cảm hứng từ nhà sư phạm thì ngay lập tức nhận ra chân lý. Không phải cứ đọc, cứ tích lũy nhiều sẽ đồng nghĩa với sáng tạo.

Cái đức của người thầy trong thời đại 4.0 là đào tạo những học trò giỏi hơn mình. Người thầy sẽ lớn mạnh thêm nhờ những câu hỏi thông minh của học trò.

PGS-TS Võ Văn Sen

PGS-TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - Đại học Sư phạm TPHCM): Cuộc sống của nhân loại hôm nay thay đổi rất lớn nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày trước, câu nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hiểu rộng ra có nghĩa là nửa chữ cũng phải tìm đến thầy mới biết được. Ngày nay, quá trình dạy học đã trở thành quá trình truyền thông.

Vai trò, vị trí của người thầy sẽ kém quan trọng, dễ bị các phương tiện thông tin thay thế nếu như họ không nỗ lực tự khẳng định mình. Người thầy giờ đây không còn độc quyền về mặt tri thức, nhưng phải nhận lãnh vai trò tổ chức, hướng dẫn sinh viên tiếp nhận tri thức. Thay vì cung cấp tri thức một chiều, người thầy nên sử dụng tối đa các phương tiện trực quan nhằm khơi dậy trong sinh viên tinh thần chủ động học tập, khả năng đào sâu nghiên cứu.

PGS-TS Phạm Đình Nghiệm (Giảng viên Khoa Khoa học cơ bản Đại học Luật TPHCM): Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ trí thức, đặc biệt là người thầy. Sự nhạy bén tri thức giúp họ làm quen khá nhanh với hệ thống thông tin, nhất là những thông tin giáo dục rất quý và miễn phí trên mạng như các bài thuyết trình của chương trình giáo dục trực tuyến mở TED, kho tài liệu bài giảng từ Đại học Harvard, MIT. Những phương tiện này giúp thầy cô giảng dạy hiệu quả hơn, nâng cao khả năng giao lưu và học hỏi.

Trong điều kiện hiện tại, sinh viên có nhiều nguồn tiếp cận thông tin. Tri thức trong giáo trình đôi lúc không hấp dẫn bằng thông tin trên mạng. Nhưng theo thống kê, sinh viên hiện nay không dành thời gian tự học nhiều. Trung bình họ tự học 4-5 giờ/ngày, có sinh viên thậm chí chỉ dành 2 giờ/ngày để tự học. Đây là một thách thức không nhỏ cho giảng viên.

Sự nhạy bén tri thức giúp họ (người thầy) làm quen khá nhanh với hệ thống thông tin, nhất là những thông tin giáo dục rất quý và miễn phí trên mạng như các bài thuyết trình của chương trình giáo dục trực tuyến mở TED, kho tài liệu bài giảng từ Đại học Harvard, MIT.

PGS-TS Phạm Đình Nghiệm

Năng lực của người thầy trong thời đại mới

PV: Trước diễn biến tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tận dụng những cơ hội và vượt qua thử thách, người thầy cần trau dồi những năng lực và phẩm chất gì, thưa các thầy ?

PGS-TS Ngô Minh Oanh: Theo tôi, người thầy nên đi sâu tìm hiểu các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin nhằm tiếp cận và hình thành những phương thức giáo dục mới.

Ngoài sự am tường về công nghệ thông tin thì năng lực tự học, khả năng nghiên cứu khoa học, tinh thần sáng tạo rất quan trọng. Người thầy càng phải rèn luyện năng lực giao tiếp, thông qua các hệ thống trực tuyến và tổ chức quá trình giao tiếp này sao cho thu hút, kết nối được với nhiều sinh viên.

Hiện nay, ở ngoài xã hội và trong các trường Đại học đang nổi lên làn sóng khởi nghiệp. Khởi nghiệp là quyết tâm của những người trẻ tuổi đang theo đuổi ước vọng nghề nghiệp của bản thân.

Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải quá trình xuất phát từ con số không, mà nó đòi hỏi một nền tảng tri thức và ý chí. Vì vậy, người thầy cần có năng lực định hướng, giúp cho các em không bị mù quáng, đồng thời cũng biết cách nuôi dưỡng khát khao và đam mê.

PGS-TS Võ Văn Sen: Thách thức hiện nay của các trường Đại học là làm sao xây dựng được đội ngũ giảng viên có đam mê và tình yêu khoa học.

Người ta nói “ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm”, nhà khoa học lao động cần cù như một thương gia để duy trì thành quả khoa học trước đó thì chỉ đào tạo ra đội ngũ trí thức làm “thợ”, những người thực hiện nhiệm vụ lắp ráp lại sản phẩm, hoàn toàn không thể sáng tạo được.

Người thầy cần chủ động, tự giác đổi mới toàn diện. Đầu tiên là xây dựng chương trình giảng dạy thực tế, không tầm chương trích cú. Chú trọng những phương pháp giảng dạy đề cao năng lực tư duy và tính phản biện. Nội dung giảng dạy phải liên tục tiếp thu những lý luận mới mẻ. Giảng viên nên học hỏi nhiều từ trường đời, đó là trường Đại học lớn nhất.

Năng lực của người thầy trong thời đại 4.0 nặng về tính phương pháp nhưng phương pháp luận không phải là tất cả. Họ cần cập nhật kiến thức liên tục, học rộng biết nhiều, bắt kịp hệ thống tri thức không chỉ của ngành mình mà còn của các ngành khoa học khác.

Với tư cách hiệu trưởng, người dẫn dắt cả một trường Đại học, theo tôi, người thầy phải có tâm, có tầm và có tài. Tâm là tấm lòng với giáo dục đất nước. Tầm là sự nhận định chính xác xu thế của thời đại. Tài là khả năng lựa chọn giảng viên, thử thách họ trong môi trường sư phạm, tạo điều kiện cho họ hiểu biết công việc.

Ngày nay, quá trình dạy học đã trở thành quá trình truyền thông.Vai trò, vị trí của người thầy sẽ kém quan trọng, dễ bị các phương tiện thông tin thay thế nếu như họ không nỗ lực tự khẳng định mình.

PGS-TS Ngô Minh Oanh

Vai trò của các môn khoa học và nhân văn

PV: Nói về nền giáo dục trong thời đại mới, người ta thường nghĩ ngay đến những môn học, ngành học mang tính ứng dụng cao như công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, thương mại điện tử,…Như vậy, vai trò của những người thầy giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn liệu có bị phủ nhận ?

PGS-TS Phạm Đình Nghiệm: Trong thời điểm hiện tại, có một sự nhầm lẫn khi vội vàng đánh giá vai trò của các ngành khoa học. Đồng ý là khoa học ứng dụng đem lại giá trị to lớn về mặt vật chất. Tuy nhiên, một con người muốn làm việc tốt không thể chỉ biết sử dụng kiến thức chuyên môn.

Để bán được sản phẩm, họ cần phải phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng, đến lúc đó lại sử dụng những kiến thức thuộc về khoa học xã hội.

Tôi biết một giáo sư người Bỉ muốn mở ngành đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Việt Nam. Ông ta xin kết hợp với những trường đại học đi theo xu hướng khoa học xã hội. Người ta hướng ông liên kết với các trường kinh tế nhưng ông từ chối. Bởi vì chương trình Thạc sĩ này có đến 80% khối lượng môn học liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn.

Bản thân tôi có những học trò đang làm giám đốc doanh nghiệp rất thành đạt. Thế mà họ vẫn quay lại trường theo học ngành Văn hóa học. Họ lí giải rằng cần phải biết về văn hóa thì mới kinh doanh được.

PGS-TS Võ Văn Sen: Nếu khoa học xã hội và nhân văn không tham gia vào quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì khoa học sẽ cáo chung.

Người thầy giảng dạy các ngành khoa học xã hội và nhân văn đồng thời cũng làm công tác nghiên cứu về con người và xã hội. Đây chính là cơ sở để thực hiện tính khai phóng của giáo dục.

Giá trị khai phóng dựa trên nền tảng các môn khoa học như triết học, mĩ học, ngôn ngữ… Những môn học này có tính tổng hợp cao, liên thông đến những lĩnh vực tri thức khác.

Các giá trị khai phóng khơi gợi sự sáng tạo bên trong bộ óc con người. Cho dù nhân loại có tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp nào khác sau thời đại 4.0 đi chăng nữa, thì nỗi trăn trở về sự sáng tạo và bí mật của tạo hóa vẫn còn mãi.

Xây dựng nền giáo dục khai phóng

PV: Trong thời đại 4.0, nhiều trường ĐH trên thế giới đang thực hiện sứ mệnh xây dựng nền giáo dục khai phóng (liberal arts), bên cạnh các trường đã có truyền thống lâu đời. Mục đích của việc làm này là hướng đến đào tạo đội ngũ trí thức có năng lực trí tuệ toàn diện, hiểu biết xã hội phong phú, khả năng suy luận sâu sắc và độc lập. Các thầy có nhận định như thế nào về xu hướng trên? Với tư cách là những giảng viên từng có kinh nghiệm giảng dạy và bề dày nghiên cứu khoa học, xin các thầy cho biết làm cách nào để giảng viên và sinh viên cùng nhau thực hiện sứ mệnh khai phóng của giáo dục?

PGS.TS Võ Văn Sen: Triết lý khai phóng trong thời đại 4.0 là giá trị giáo dục cao nhất. Ngành khoa học xã hội và nhân văn từ khi ra đời đến nay luôn theo đuổi giá trị giáo dục đó. Liberal arts hiểu sâu xa là đường lối giáo dục không bảo thủ và giáo điều.

Người thầy phải nắm giữ cốt lõi của tinh thần khai phóng, sau đó lan tỏa những giá trị được tinh lọc đến với sinh viên. Sinh viên tìm thấy ở nhà trường những sản phẩm giáo dục tinh hoa và họ luôn được khuyến khích đặt câu hỏi phản biện.

Những câu hỏi hay trở thành món quà mà sinh viên tặng lại trường đại học. Cái đức của người thầy trong thời đại 4.0 là đào tạo những học trò giỏi hơn mình.

Người thầy sẽ lớn mạnh thêm nhờ những câu hỏi thông minh của học trò. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày hôm nay hoàn toàn có thể được xây dựng dựa trên tinh thần khoa học.

Trong tác phẩm Ý niệm đại học, học giả Karl Jaspers từng nói rằng: “Đại học đòi hỏi lòng hiếu tri một cách bất khuất”. Để thực hiện sứ mệnh giáo dục khai phóng, giảng viên và sinh viên đều phải là đối tượng khát khao tri thức mãnh liệt, biết cách tận dụng sức mạnh khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm chuẩn bị mọi nguồn lực sẵn có phục vụ cho sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

PGS-TS Ngô Minh Oanh: Giáo dục khai phóng là một triết lý mà nhiều nền giáo dục trên thế giới đang theo đuổi. Đây là xu thế tất yếu, khắc phục được những nhược điểm của quá trình đào tạo đại học phiến diện, vốn dĩ đang làm hạn chế khả năng tích hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khiến đội ngũ trí thức chậm kết nối với những chuyển động xã hội.

Trong bối cảnh đó, người thầy cần phát huy tối đa khả năng sáng tạo, trở thành cánh chim đầu đàn trong nghiên cứu khoa học và dẫn dắt sinh viên tiến bộ.

Khi sự tự do của môi trường giáo dục Đại học được mở ra, người thầy phải tạo mọi điều kiện, đảm bảo khả năng khám phá tri thức của sinh viên là không giới hạn. Người thầy còn có nhiệm vụ giúp sinh viên hội nhập quốc tế, bám sát những thành tựu khoa học, những xu hướng học thuật mới đang diễn ra trên thế giới.

PV: Xin cảm ơn các thầy về cuộc trao đổi thú vị này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Di Maria có cơ hội tái hợp Messi ở Inter Miami.

Di Maria tái hợp Messi ở Inter Miami?

GD&TĐ - Nguồn tin từ nhà báo Leonardo Paradizo tiết lộ, người đồng đội tại tuyển Argentina của Messi là Di Maria có thể gia nhập Inter Miami vào mùa hè tới.