Phát triển năng lực cán bộ QLGD Việt Nam bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0

GD&TĐ - Hôm nay (15/11), tại Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục hợp tác với Chương trình ETEP tổ chức hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0".

Hội thảo thu hút hơn 10 đoàn khách quốc tế.
Hội thảo thu hút hơn 10 đoàn khách quốc tế.

Tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học 

Hội thảo thu hút hơn 10 đoàn khách quốc tế từ các nước: New Zealand, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Philipin, Lào và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các đại biểu là các nhà giáo dục, nhà quản lý các cơ sở giao dục, các tổ chức giáo dục có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ số trên thế giới, cùng hơn 200 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu và trường phổ thông.

Hội thảo cũng đã nhận được hơn 90 bài viết của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục các bậc học trong nước và nước ngoài.

Các bài viết được đúc kết một cách khoa học từ các công trình nghiên cứu, từ kinh nghiệm đào tạo bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên tham gia công tác giảng dạy và kinh nghiệm quản lý lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục.

Nội dung các bài viết đã mô tả một cách khái quát về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới giáo dục nói chung và phần nào đã tạo ra được một bước đột phá thay đổi trong quan điểm cũng như hành động của các nhà quản lý giáo dục trước nền kinh tế tri thức và thời kỳ công nghệ số.

Theo đó, hội thảo khoa học đã tập trung vào các nội dung chính như: Quan niệm về phát triển năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra;

Cơ chế, chỉnh sách và chủ trương của lãnh đạo các cấp trong việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý của các cơ quan quản lỷ giáo dục, cơ sở giáo dục các bậc học nhằm hướng tới sự đổi mới giáo dục hiện nay gắn liền với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Phát triển các cơ sở giáo dục đại học đào tạo cán bộ quản lý giáo dục để hỗ trợ phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ CBQL theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thông qua hội thảo, nhằm tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trên nền tảng quốc gia trong khu vực và thế giới; tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu giáo dục, nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước và quốc tế chia sẻ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cũng như kết quả nghiên cứu về chính sách, cơ chế, hình thức, phương pháp, điều kiện môi trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục của Việt Nam và thế giới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại Hội thảo
GS.TS Phạm Quang Trung  phát biểu tại Hội thảo

Cơ hội mới và thách thức mới

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục - nhấn mạnh: Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt lên vai các nhà giáo quản lý giáo dục đứng trước hàng loạt thách thức mới và cơ hội mới như:

Môi trường làm việc trong xã hội và trong các cơ sở giáo dục theo hướng công nghệ và số hóa với trí tuệ nhân tạo. Nguồn nhân lực lực xã hội sẽ thay đổi và phân hóa cơ cấu ngành nghề đào tạo trong các trường đại học cao đẳng; phương thức quản lý trong các cơ sở giáo dục buộc phải đổi.

Điều này đòi hỏi nâng cao từ nhận thức đến tư duy của các nhà quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời cần phải được thay đổi từ nhận thức vai trò quản lý cùng với hình thành các nhóm năng lực để đáp ứng yêu cầu kết nối mới trên nền tảng kiến thức và công nghệ.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung, với dân số gần 100 triệu người, đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Việt Nam là rất lớn, trên 1,2 triệu người.

Do đó, vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là đặc biệt quan trọng. Họ là những đầu máy, quyết định hướng đi và tốc độ của cả hệ thống giáo dục. Vì vậy, phát triển nang lực cán bộ quản lý giáo dục Việt Nam sao cho đủ sức, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một bài toán lớn của Việt Nam.

Thành công của Hội thảo không chỉ là những khuyến nghị cho các cấp quản lý giáo dục trong bối cảnh đổi mới giáo dục mà còn phát hiện ra các vấn đề mới để tiếp tục đưa vào nghiên cứu nhằm phát triển năng lực quản lý giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cho thời kỳ công nghệ số của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đó là sự kỳ vọng thành công không chỉ trong hội thảo này mà quan trọng hơn là hiệu quả phổ biến, lan tỏa trong toàn bộ hệ thống ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục đào tạo và đến từng nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục để sẵn sàng cho một thời kỳ cải cách và đổi mới giáo dục văn và toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ