Quy trình và bằng cấp

GD&TĐ - Giờ đụng vô bất cứ vụ lùm xùm nào, những người có trách nhiệm đều nói họ đã làm “đúng quy trình”. Mà đúng thật chứ chả phải lấp liếm để che đậy sai trái gì. Có điều cái gọi là “quy trình” ấy, nhiều nơi làm rất hời hợt hoặc nó là ý chí của một người chứ không phải là kết quả sự đồng thuận của một tập thể.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Giải trình trước Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thừa nhận sự thất bại của các loại quy trình trong công tác cán bộ thời gian qua.

Ông Tân nói rằng, để chọn cho ra một người lãnh đạo ở cơ quan, hay nói rộng hơn là lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước, tất cả đều trải qua đủ các bước, từ lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ đảng viên trong cơ quan đến phiếu thăm dò rồi xét lý lịch nhân thân đủ các kiểu, nghĩa là “quy trình” không sót một bước nào, ấy thế mà vẫn để lọt những “hạt sạn” khiến tổ chức phải xử lý kỷ luật.

Công cuộc “đốt lò” đang diễn ra trên khắp các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đã làm lộ ra những kẽ hở của “quy trình” mà bao năm nay, những người làm công tác quy hoạch cán bộ chiến lược cho Đảng đã cất công xây dựng.

Chưa hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII nhưng đã có 70 cán bộ do Trung ương quản lý, kể cả những vị lãnh đạo là Ủy viên Bộ Chính trị đã bị kỷ luật, thậm chí có người phải chấp hành án phạt tù. Điều trớ trêu là, tội danh những người ấy đâu phải mới phát sinh trong nhiệm kỳ này mà họ đã mắc sai lầm ở những nhiệm kỳ trước.

Nếu “quy trình” để quy hoạch cán bộ được tiến hành nghiêm minh và thực chất thì những cán bộ kia sẽ không bao giờ được tái cử cả. Thế nhưng, họ vẫn ứng cử vào các vị trí then chốt trong bộ máy lãnh đạo và chễm chệ ngồi vào vị trí lãnh đạo một cách ngon lành, bất chấp những xì xào của quần chúng trước đó.

Điều này phơi bày những yếu điểm trong việc xây dựng “quy trình” trong công tác cán bộ, rằng nếu “quy trình” ấy mà không thực chất thì chỉ mang tính hình thức để những kẻ cơ hội lợi dụng mà thôi. Cũng như công tác chuẩn hóa cán bộ đang bị lợi dụng khiến các loại bằng cấp đều chỉ là hình thức.

Giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở mà buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ “đúng chuẩn” trong khi họ dạy môn Toán hoặc môn Văn hay môn Nhạc - Họa thì liệu có nên quy định thế không? Do quy định vậy nên để được nâng lương hoặc vào biên chế, giáo viên buộc phải có các loại chứng chỉ ngoại ngữ và tin học “đạt chuẩn”.

Thế là những cái chợ mua bán bằng cấp, chứng chỉ đủ loại xuất hiện. Chỉ cần đưa tiền với mức giá thỏa thuận thì bằng gì cũng có, thậm chí có cả những loại bằng “tiêu chuẩn quốc tế” cũng có nốt như báo chí đưa tin.

Những người soạn thảo văn bản quy định ấy có biết những hệ lụy sau các quy định không? Chắc là có, nhưng họ vẫn cứ ban hành để gây khó cho bao nhiêu người.

Có những cán bộ, quanh năm cắp cặp đi học để “chuẩn hóa” đủ các loại bằng - chứng chỉ; trong khi có những người chỉ biết cặm cụi làm việc, không có thời gian để theo học các lớp ấy, đến khi “chuẩn hóa cán bộ”, lấy bằng cấp ra làm thước đo, sự bất công sẽ xuất hiện lúc này: Người cặm cụi làm việc thì chịu thiệt, người chuyên đi học để kiếm bằng cấp – chứng chỉ thì lại được cất nhắc.

Đã đến lúc nên xem xét thực chất hơn là chỉ xem văn bằng. Đã đến lúc phải công tâm trong việc đánh giá và cất nhắc cán bộ chứ không nên chỉ dựa vào các “quy trình” nặng tính hình thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.