Quý I ước tính xuất siêu của Việt Nam đạt 4,07 tỷ USD

GD&TĐ - Trong quý I, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, xuất đủ nhập khi xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023

Chiều 3/4 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2023.

Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định quý 1/2023 vừa đi qua, có rất nhiều khó khăn, thách thức dưới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới.

Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, giá một số mặt hàng chiến lược không ổn định, lạm phát thế giới hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao.

Đồng thời, các rủi ro gia tăng, nhất là thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu; một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu phải ngừng hoạt động, phá sản, trong đó có cả những ngân hàng có lịch sử lâu đời. Sức mua từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU giảm sút...

Ở trong nước, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Số lượng đơn hàng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng 3 và quý 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, thực hiện được các mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao. Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập khi xuất siêu 4,07 tỷ USD.

Tình hình KT-XH Việt Nam trong tháng 3 và quý I/2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng, trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng.

Đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ, giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ USD.

Doanh nghiệp thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2: số doanh nghiệp (tăng 60,9%), vốn (tăng 122,2%), lao động (tăng 81,4%). Gần 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II sẽ ổn định và tốt hơn quý I. Công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy. Nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được trình và ban hành.

Theo ông Trần Văn Sơn, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.

Về chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh, thời gian tới những khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn so với cơ hội, thuận lợi; áp lực đặt ra là rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Bối cảnh khó khăn của tình hình đặt ra yêu cầu, đòi hỏi là: đã cố gắng rồi, cần cố gắng hơn nữa; quyết tâm rồi, cần quyết tâm hơn nữa; nỗ lực rồi, cần nỗ lực hơn nữa; có trọng tâm, trọng điểm rồi cần trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; làm việc nào phải dứt điểm việc đấy với quyết tâm cao nhất có thể, thực hiện tốt nhất mục tiêu đã đề ra".

Thủ tướng nêu rõ, quan điểm chỉ đạo, điều hành là: Phải bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động, tích cực và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là: Tiêu dùng; đầu tư; xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ