Sáp nhập cơ sở GD đại học không đơn thuần để giảm đầu mối quản lý, chi phí ngân sách mà hướng đến một mục tiêu lớn hơn, trở thành một thương hiệu mạnh.
Bài toán hiệu quả
Trong buổi làm việc của Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ của Quốc hội khóa XI với Ban Giám đốc ĐH Đà Nẵng, GS Đào Trọng Thi đã nêu vấn đề: Trong ĐH Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục thành viên như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm, Trường CĐ CNTT, Trường CĐ Công nghệ đều tổ chức đào tạo nhân lực cho ngành CNTT, vậy có gì khác biệt giữa các khoa ở cơ sở đào tạo này không?
Từ năm 2015, ĐH Đà Nẵng đã xây dựng đề án tái cấu trúc, tổ chức, sắp xếp lại các khoa, trường thành 2 trường ĐH mới và đầu tư thành lập Trường ĐH Việt Anh thành trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế. Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ với ĐH Đà Nẵng vào tháng 2/2016, Thủ tướng đã đồng ý về mặt chủ trương việc tái cấu trúc, tổ chức sắp xếp lại các khoa, trường của ĐH Đà Nẵng. Theo đó, việc thành lập ĐH trên cơ sở sắp xếp lại các khoa, cơ sở giáo dục thành viên phải bảo đảm chất lượng, xứng tầm. ĐH Đà Nẵng cần tận dụng những điều kiện trang thiết bị cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn có sẵn để việc thành lập ĐH thành viên mới vừa tiết kiệm ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã có thêm 2 cơ sở giáo dục đại học nhưng không phải là thành lập mới. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật dựa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các khoa Sư phạm kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa và Trường CĐ Công nghệ. Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt - Hàn được hợp nhất từ Trường Cao đẳng CNTT hữu nghị Việt – Hàn (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông); Trường Cao đẳng CNTT, Khoa CNTT và Truyền thông của ĐH Đà Nẵng.
Trong điều kiện các cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, đều cạnh tranh bình đẳng trong tuyển sinh, việc các trường ĐH, CĐ tái cấu trúc là điều tất yếu. Đơn cử như Trường CĐ CNTT hữu nghị Việt - Hàn, nếu so sánh quy mô đào tạo, số lượng SV được tuyển hàng năm với nguồn lực đầu tư của Chính phủ cũng như nguồn vốn đầu tư ODA của Hàn Quốc, sự phát triển này là chưa tương xứng.
Những câu chuyện sau sáp nhập
Đằng sau chủ trương sáp nhập các cơ sở giáo dục còn là thủ tục pháp lý của cơ quan quản lý, hàng loạt vấn đề phải giải quyết như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất.
Chia sẻ về những vấn đề phát sinh trong quá trình sáp nhập, PGS.TS Huỳnh Công Pháp – quyền Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt – Hàn (VKU) cho biết: Vì là sáp nhập giữa hai trường khác Bộ chủ quản nên có nhiều thủ tục, quy định. Tuy nhiên, may mắn là quá trình sáp nhập để thành lập VKU gần như không vướng mắc gì trong chuyển ngạch giảng viên.
“Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, tất cả giảng viên đều phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Trước đây, Trường CĐ CNTT hữu nghị Việt - Hàn tuyển dụng theo hệ giảng viên. Chúng tôi đã có quá trình theo đuổi đề án được 10 năm nên gần như việc đầu tư đội ngũ không gặp vấn đề gì”, PGS.TS Huỳnh Công Pháp trao đổi.
Theo PGS.TS Huỳnh Công Pháp, trước khi bắt tay vào việc nghĩ vướng nhất về đội ngũ. Bởi trường CĐ sáp nhập vào ĐH, nhiều giảng viên sẽ không đủ tiêu chuẩn nhưng xét về trình độ chuyên môn, học hàm học vị, tỷ lệ thạc sĩ gần như 100%, ngạch không cần chuyển nữa là giảng viên rồi. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn của trường ĐH chất lượng cao, VKU đang xây dựng dự án hợp tác quốc tế, trong đó có hợp phần cho chiến lược đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ. Theo mục tiêu phát triển của nhà trường, đến năm 2026 lọt vào tốp 15 trường đào tạo công nghệ ở Việt Nam và phải có 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Hiện nay, trường đã có 30% tiến sĩ là giảng viên, 2 PGS. Ngoài ra, có 10 nghiên cứu sinh đang học ở nước ngoài, chưa tính số nghiên cứu sinh ở trong nước. Đến năm 2026, nếu số giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ không được đào tạo ở nước ngoài thì trình độ tiếng Anh phải đạt IELTS 5.5.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) hằng năm có từ 1 - 2 đợt xét chuyển đổi chức danh từ giáo viên sang giảng viên. Trước đây, khi còn là Trường CĐ Công nghệ mà tiền thân là Trường Kỹ thuật Nguyễn Văn Trỗi, trường có một số giáo viên dạy hệ trung cấp nghề đã có bằng kỹ sư. Theo quy định của ĐH Đà Nẵng, muốn chuyển đổi qua ngạch giảng viên phải có trình độ thạc sĩ, trong 5 năm gần nhất có ít nhất một năm là chiến sĩ thi đua cơ sở, có đề tài khoa học cấp cơ sở, phải qua kiểm tra sát hạch ở khoa… Do vậy, một số giáo viên lớn tuổi gần như khó đáp ứng các yêu cầu này.
Nói vậy để thấy công tác nhân sự ở bất cứ đâu vô cùng quan trọng, đặc biệt với cơ sở GD. Như chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Công Pháp, nếu không có sự đồng thuận và quyết tâm từ nhiều phía sẽ rất khó khăn khi thực hiện sáp nhập.
“Các trường CĐ nói chung thường có trên 10 khoa – phòng. Trong khi đó, cơ cấu của một trường ĐH mới ra đời tùy thuộc vào tình hình tuyển sinh ngành nghề, số lượng khoa không thể phình ra mà phải dựa vào ngành đã có SV và các ngành đang được tuyển sinh trong năm 2020. Hiện nay, VKU có 3 khoa và theo đề án những năm tới sẽ có 5 khoa. Chính vì vậy, khi sáp nhập sẽ không quan tâm quá nhiều đến việc trước đây, ai giữ chức trưởng – phó khoa ở trường nào mà phải tính đến sự phát triển chung của trường” – quyền Hiệu trưởng VKU nêu quan điểm về công tác nhân sự sau sáp nhập. Hiện VKU có 110 người làm việc ở bộ phận hành chính, tạp vụ và 130 giảng viên. Nếu so với quy mô SV trường hiện tại, đây là rào cản cần tháo gỡ. Tuy nhiên, với định hướng phát triển của nhà trường, đến 2025 đạt 10.000 SV ĐH, sau ĐH, quy mô đội ngũ phải tăng lên, nhà trường lựa cách để bổ sung, sử dụng đội ngũ hợp lý.