Tuy nhiên, thực tế việc sáp nhập các trường có khoảng cách giữa điểm trường tiểu học và THCS xa nhau rất khó khăn cho việc đi lại của học sinh, giáo viên, công tác chỉ đạo điều hành; sinh hoạt chuyên môn và hoạt động dạy học ở hai cấp có đặc thù khác nhau, độ tuổi, tâm lý học sinh khác nhau, cơ chế hoạt động và thời gian học khác nhau nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục. Cử tri đề nghị Nhà nước nghiên cứu, cân nhắc kỹ giữa cái được và cái mất để có quy định phù hợp, vẫn tinh giản biên chế nhưng không cần thiết phải sáp nhập.
Bộ GD&ĐT ghi nhận những ý kiến đề xuất và góp ý của cử tri nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và cho rằng:
Việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nhằm giảm đầu mối, giảm cán bộ quản lý, giảm số lượng người làm công tác hỗ trợ phục vụ và sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có, đặc biệt là giáo viên các môn học đặc thù như: Thể dục, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật…
Để khắc phục những hạn chế, tạo sự đồng bộ trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả đúng tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018 về việc hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó, đề nghị các địa phương thực hiện:
Việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ phải lấy mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; tạo sự thuận lợi cho học sinh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị nhà trường, tránh đầu tư dàn trải, từ đó bảo đảm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối quản lý, các vị trí việc làm có cùng chức năng; chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập; việc sáp nhập để hình thành các trường có nhiều cấp học phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học...) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học.
Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện việc sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, dồn dịch các điểm trường lẻ thành điểm trường vệ tinh hoặc điểm trường có số lớp lớn hơn. Tuy nhiên, việc sáp nhập, dồn dịch ở các địa phương thực hiện khác nhau, từ đó bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh các quy định, quy chuẩn và tổng kết đánh giá việc thực hiện của các địa phương để xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí phù hợp với điều kiện của từng địa phương, triển khai có hiệu quả việc sáp nhập các cơ sở giáo dục, dồn dịch các điểm trường đạt hiệu quả.