Trường đại học địa phương sáp nhập trường trọng điểm: Khập khiễng về sứ mệnh

Thông tin trên nhận được quan tâm của dư luận xã hội. Còn các chuyên gia cho rằng, việc này khó thành hiện thực bởi sẽ có những “khập khiễng” về sứ mệnh và mục tiêu.

Không nên khiên cưỡng

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Trường ĐH Thái Bình và ĐH Quốc gia Hà Nội có đẳng cấp và sứ mệnh khác nhau. ĐH Quốc gia Hà Nội phát triển theo định hướng nghiên cứu, còn Trường ĐH Thái Bình theo định hướng ứng dụng, đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực của địa phương. Vì thế, nếu trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội là không phù hợp và việc này phải có ý kiến của Chính phủ. Không nên khiên cưỡng và thực hiện theo phép cộng cơ học.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng: Thay vì trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Thái Bình có thể liên kết với các trường ĐH khác trong vùng hoặc sắp xếp lại ngành nghề đào tạo, huy động các nguồn lực của địa phương để phát triển.

"Trước đây khi mong muốn có được một trường ĐH của địa phương, nhiều tỉnh đã cam kết hỗ trợ và cấp ngân sách để trường phát triển. Nhưng nay, các trường ĐH địa phương gặp nhiều khó khăn, nên một số tỉnh tìm giải pháp "gán" vào một cơ sở giáo dục ĐH tốt để "ăn theo". Nhưng đó là sự khập khiễng" - TS Lê Viết Khuyến trăn trở.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam nêu quan điểm: Thay vì trở thành "người một nhà" với ĐH Quốc gia Hà Nội, trường ĐH địa phương có thể hợp tác hoặc liên kết trong đào tạo, để cùng nhau phát triển và mang lại lợi ích cho người học.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thông tin: Qua lần làm việc của Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam với trường ĐH tại nhiều địa phương cho thấy, xu hướng lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường ĐH của địa phương mình vào một số ĐH trọng điểm quốc gia, với mong muốn trở thành trường thành viên của các ĐH đó.

"Mới đây Hiệp hội có công văn gửi Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiến nghị một số giải pháp khẩn cấp để bảo tồn và phát triển hệ thống trường ĐH địa phương" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ, đồng thời cho biết một số nội dung chính của công văn: Việc sáp nhập trường ĐH địa phương vào các ĐH trọng điểm quốc gia về hình thức vốn được xem là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao đẳng cấp và năng lực tài chính cho hệ thống trường này nhưng trên thực tế điều đó sẽ không như kỳ vọng.

Có thể hình thành các cụm trường liên kết

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết công văn của Hiệp hội nêu rõ: Việc đưa trường ĐH địa phương trở thành trường thành viên của ĐH trọng điểm quốc gia là sự hợp nhất khiên cưỡng, do hai loại trường này có sứ mệnh, chuẩn mực kiểm định, cơ cấu trình độ nhân lực và có đẳng cấp khác nhau. Do đó khi trở thành trường thành viên của ĐH trọng điểm quốc gia, để "gắn" thương hiệu quốc gia buộc trường ĐH địa phương phải xem xét lại nhiệm vụ của mình, kiện toàn trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đổi mới trang thiết bị và cơ sở vật chất, thay đổi lại ngành nghề và chương trình đào tạo... "Chúng tôi được biết hiện trên thế giới không có kiểu "gán ghép" trường như vậy" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, trong ĐH đa lĩnh vực trọng điểm quốc gia, các trường thành viên đều là trường chuyên ngành, trong khi trường ĐH địa phương vốn là trường đa lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đa dạng chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương. Ngoài ra, khi trường ĐH địa phương trở thành thành viên của ĐH trọng điểm quốc gia thì sứ mệnh phục vụ nhu cầu đa dạng về nguồn nhân lực trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và để giúp cho người dân của địa phương có thêm cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH sẽ không còn nữa. Đây là một thiệt thòi lớn cho chính Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng người dân tại địa phương.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho trường ĐH địa phương mình, để nhà trường thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập. Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động của trường, cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường như: Khuyến khích nhà trường năng động hơn, tự chủ từng phần, đa dạng hóa loại hình đào tạo, liên kết với trường CĐ, ĐH khác để tạo thêm sức mạnh cho mình.

"Hỗ trợ nâng cao năng lực học thuật cho trường địa phương không nhất thiết phải dùng hình thức sáp nhập vào trường trọng điểm, mà có thể chọn các hình thức khác: Hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau" – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.

Theo GS.TS.VS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐH Quốc gia Hà Nội là ĐH trọng điểm của Nhà nước, gồm nhiều trường ĐH thành viên khác nhau. Còn Trường ĐH Thái Bình là trường đào tạo đa ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương nên bài toán sáp nhập cần được nghiên cứu, tính toán thật kỹ và phải có ý kiến của Chính phủ về việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.