Quy định về bình quân diện tích/người học: Lấy người học là trung tâm

GD&TĐ - Quy định về bình quân diện tích/người học trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhận được nhiều ý kiến tán thành.

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam học nhóm trên lớp học. Ảnh: NTCC
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam học nhóm trên lớp học. Ảnh: NTCC

Quy định này thể hiện quan điểm lấy người học làm trung tâm, đồng thời là cơ sở để các trường chủ động đề xuất với địa phương về quỹ đất dành cho giáo dục và đào tạo.

Chú trọng quyền lợi người học

Theo quy định của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2030, diện tích đất (có theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo tạo không nhỏ hơn 25m2. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2.

Sau hơn 2 năm học tập tại Hà Nội, Trần Hữu Phúc - sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Bưu chính viễn thông (Hà Nội) có dịp tham quan nhiều trường đại học. Nam sinh nhận thấy, một cơ sở đào tạo có phòng học nhỏ, chật, cơ sở vật chất xuống cấp nên cần được cải tạo, nâng cấp và mở rộng diện tích, trong đó có diện tích phòng học.

“Nay em được biết có quy định mới về diện tích đất đối với người học. Qua nghiên cứu, em thấy quy định theo sát với nhu cầu thực tiễn. Chúng em rất phấn khởi vì các quy định hướng đến người học, tạo điều kiện để chúng em có cơ hội học tập, nghiên cứu và phát triển”, Hữu Phúc bộc bạch và mong muốn quy định trên sớm thành hiện thực giúp người học được thụ hưởng những gì tốt nhất.

Nhấn mạnh, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nhằm định hướng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị của các trường, GS.TS Phạm Hồng Quang – Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên cho hay, các quy định liên quan đến diện tích đất thuộc tiêu chuẩn về cơ sở vật chất.

Quy định này giúp cơ sở giáo dục đại học đảm bảo quyền lợi người học. Từ quy định trên, các trường đại học có cơ sở để đề xuất với địa phương xây dựng quỹ đất dành cho giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng chủ động kịch bản về quy hoạch đất dành cho lĩnh vực này.

Một khu giảng đường của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Một khu giảng đường của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cơ sở quy hoạch đất giáo dục

Theo tiêu chí của tiêu chuẩn về cơ sở vật chất thuộc Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, trong tương lai diện tích đất/người học tối thiểu là 25m2 đất và 5m2 sàn, PGS.TS Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Văn hóa) viện dẫn 20 năm qua, Bộ VH,TT&DL đã tính toán các phương án về đất đai cho trường trực thuộc, trong đó có Trường ĐH Văn hóa nhưng dù tính hết cách này cách khác vẫn không khả thi. Mục tiêu đến năm 2030 các trường đạt tối thiểu 25m2 đất/sinh viên, dù không dễ thực hiện nhưng sẽ là cơ sở để Bộ, ngành, địa phương lưu ý.

Thực tế, hiện có sự mất cân đối giữa hai đô thị lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các tỉnh. Về xu hướng chung, sinh viên tập trung ở hai thành phố này, trong khi quỹ đất không thể “sinh sôi, nảy nở”. Do đó, cần có khảo sát đánh giá chi tiết về quỹ đất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, các trường phần nào yên tâm và có kịch bản đầu tư mở rộng cơ sở, đáp ứng tiêu chí của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và nhu cầu của người học.

Theo TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, diện tích đất là băn khoăn mấy chục năm nay nhưng giáo dục đại học đang hiện đại hóa nên tiêu chuẩn về diện tích càng trở nên quan trọng. Các trường đại học chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Riêng Hà Nội có khoảng 600 nghìn sinh viên đại học. Đất Hà Nội là “đất vàng” nên chúng ta khó có thể hy vọng mở rộng quỹ đất cho trường đại học ở nội đô. Cách duy nhất là cơi nới, đưa các đại học ra vùng lân cận của Thủ đô như: Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Ninh… Do đó các trường có thể mạnh dạn đặt yêu cầu về việc bố trí quỹ đất tới các địa phương. Đây là vấn đề thuộc về quy hoạch đất dành cho giáo dục, đào tạo.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, vấn đề cấp đất cho giáo dục phát triển đã được luật hóa, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) viện dẫn và cho biết, nước Mỹ là ví dụ điển hình. Trong khi đó, ở nước ta, quy hoạch đất cho giáo dục còn bất cập. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn.

Từ thực tế, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, cần có chính sách riêng, đặc thù về đất đai cho giáo dục. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, giáo dục rất cần đầu tư đồng bộ, trong đó việc đầu tư chính sách đất đai cho giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Tại tọa đàm góp ý về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, để giải quyết vấn đề quỹ đất, các trường cần chủ động đề xuất với các địa phương. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, mà còn là trung tâm của tri thức, khoa học và đổi mới sáng tạo, do đó cần có không gian để phát triển. Khi có đất, các trường sẽ có nhiều việc để làm, ví dụ như hợp tác với doanh nghiệp.

Mỗi cơ sở giáo dục đại học đang nhìn tiêu chuẩn, tiêu chí từ cơ sở mình, nhưng cần góc nhìn rộng hơn cho cả hệ thống, Thứ trưởng nhấn mạnh. Làm sao để quy hoạch, sắp xếp hệ thống, trật tự, bài bản, khang trang hơn. Muốn vậy phải đưa ra tối thiểu để hệ thống cố gắng, cùng sự vào cuộc của các bên liên quan: Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư…

Bộ GD&ĐT đưa ra Chuẩn cơ sở giáo dục đại học không phải để xử phạt, quan trọng là các trường nhìn vào để phấn đấu. Các tiêu chuẩn, tiêu chí được đưa ra để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, đặc biệt là người học. Theo đó, người học nhìn vào phải biết “sức khoẻ” của trường thế nào. Việc đưa ra chuẩn cũng không phải để đối sánh, xếp hạng nhưng hiệu ứng phụ của việc công bố chuẩn sẽ là thông tin minh bạch cho xã hội, xã hội nhìn vào đó có sự đối sánh.

Tại Hội nghị tập huấn triển khai Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 của Bộ GD&ĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia nhấn mạnh, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí; trong đó có quy định về diện tích nhằm từng bước đổi mới quản lý Nhà nước, với mục đích quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.