"Vua xương rồng"

"Vua xương rồng"

(GD&TĐ) - Gần như là người đầu tiên sở hữu cả triệu gốc xương rồng với hơn 1.000 chủng loại khác nhau tại TP.HCM, lão nông Ngô Thọ Trường không chỉ cho mọi người thấy được niềm đam mê, mà còn khiến nhiều người nể phục bởi sự vượt khó làm giàu không giống ai của mình. 

Anh kế toán yêu hoa

Ghé thăm “cung điện” của vua xương rồng Ngô Thọ Trường, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi vườn xương rồng đầy sức sống, đủ sắc màu với hàng triệu chủng loại đang được trồng trong khu vườn rộng gần một hécta, cạnh Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Được biết, trước đây ông từng là kế toán trưởng Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 23, sau do sức khỏe kém, ông xin thôi việc, rời nội thành về ngoại ô làm vườn. Nhớ lại quãng thời gian gần 40 năm thăng trầm, “cùng ăn, cùng ngủ” với cây xương rồng cảnh, ông bảo: “Tôi và cây, không biết cây chọn người hay người chọn cây?”.

Duyên nợ với xương rồng đến với ông trong một lần thăm nhà người bạn. “Thời đó cuộc sống khó khăn, nhiều chủ cây cảnh phải bỏ vườn kiểng để lấy đất trồng cây lương thực. Thấy người bạn định phá bỏ vườn xương rồng của ổng, tui đã xin mua lại vì thấy tiếc mấy chậu xương rồng sắp ra hoa” - ông Năm Trường kể lại. Mặc cho gia đình phản đối vì lo ăn đã khó, lại thêm 4 đứa con đang tuổi đến trường, ông ngày ngày vẫn say mê chăm sóc loại cây gai góc, bị cho là “vô tích sự” này. Ban đầu, ông lân la đến các chợ sách cũ để tìm mua tài liệu chỉ cách trồng tỉa, lai giống cây xương rồng để đọc thêm. Cái khó là tìm giống cây mới vì ở Việt Nam hầu như không có. Chỉ cần biết có giống cây ngoại nào mới là ông tìm cách mua bằng được. Có lúc, ông phải đánh liều bán đi đàn heo - tài sản có giá nhất trong nhà để có đủ tiền mua hạt giống. Chỉ một thời gian ngắn, ông Năm Trường đã sở hữu gần 100 giống xương rồng khác nhau, loại nào cũng phát triển tốt và cho hoa thật đẹp.

Ông Trường bên một góc vườn hoa xương rồng
Ông Trường bên một góc vườn hoa xương rồng

Ông Trường tâm sự: “Tôi bị cuốn hút bởi sự ‘quái dị’ của loài cây này và nghiệm ra rằng: Người chơi ngoài niềm đam mê, phải có tính kiên nhẫn vì cây có thời gian “ngủ đông” khá dài - 8 tháng, để dưỡng sức cho những tháng sau ra hoa. Hoa lại đủ màu đủ sắc, một ngàn loại cho một ngàn bông hoa, không cái nào giống cái nào, có loại hoa tỏa hương như mùi va ni. Dáng thì có cây tròn, cây dài, cây dẹp; rồi thì nổi khía ngang, khía dọc. Gai cũng muôn hình vạn trạng, từ gai chùm đến gai đơn, từ loại gai cứng dài đến loại mềm và mịn...”. Khi đã yên tâm về chất lượng của sản phẩm do mình làm ra, ông bắt đầu nghĩ đến việc đưa chúng ra thị trường, để chứng minh cho những người trước đây cho rằng việc trồng loại cây “không giống ai” này là điều viển vông, dở hơi. Ông đánh liều ra chợ Thủ Đức, tìm đến những người bán trái cây trên xe ba gác và thuyết phục họ chuyển sang bán xương rồng. “Người ta nói tui hâm, chẳng một ai đồng ý bán xương rồng”, ông móm mém cười, kể. Sau nhiều lần năn nỉ, một người phụ nữ đã đồng ý lấy xương rồng ông bán thử, dạng “ký gởi”, bán được mới trả tiền. Rất ngạc nhiên là chỉ sau một giờ đồng hồ, chị này đã bán sạch 50 chậu xương rồng ông đem ra.

Thông tin này nhanh chóng lan xa, đội ngũ buôn bán hàng rong tìm đến “bố Năm Trường” ngày một đông và cây của ông chẳng mấy chốc có mặt khắp mọi nẻo đường Sài thành. Một cách tiếp thị độc đáo nhưng hiệu quả, ngay chính bản thân ông cũng không ngờ đến.

Những bụi xương rồng độc đáo, đẹp lạ mắt trong vườn nhà ông Trường
Những bụi xương rồng độc đáo, đẹp lạ mắt trong vườn nhà ông Trường

Buồn vui với loài hoa trên cát

Tham gia Hội hoa xuân từ năm 1987, “vua xương rồng” có trong tay cả một bộ sưu tập giải vàng, giải bạc, huy chương, bằng khen từ những hội thi. Đặc biệt nhất là mô hình kinh tế vườn của ông đã từng được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm và khen ngợi về cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Ông Năm Trường cho biết: “Cây xương rồng vốn không hợp với khí hậu nước mình, mưa nhiều thì thối rễ, nắng gắt thì cây chậm phát triển. Quan trọng là mình hiểu tập tính của mỗi loài để gia giảm đất, cát và nước, giúp cây thích nghi được với điều kiện sống, thổ nhưỡng...”. Hiện nay, vườn xương rồng của ông đã có trên một ngàn giống, từ những cây phổ biến thuần Việt như hồng ngọc, vàng ngọc... đến những cây có xuất xứ Nam Mỹ như giống lobivia cho hoa đỏ, cam, vàng, trắng, tím, hồng..., hay giống gymnocalycium thân tròn, khía đều có gai chùm nhưng hoa rất đẹp và nhiều màu. Ông Năm Trường còn sở hữu những gốc xương rồng saguaro to và cao hơn đứa bé, hoặc những cây kim hổ hàng chục năm tuổi có bán kính hơn vòng ôm một người trưởng thành. Cũng giống như những ngành nghề kinh doanh khác, phải chịu sự cạnh tranh của thương trường, việc kinh doanh của ông những năm gần đây gặp nhiều khó khăn mà lần này là sự đối đầu mang tính sống còn với xương rồng của Trung Quốc. So về màu sắc, chủng loại thì không kém gì sản phẩm của ông, nhưng về giá cả thì ông chào thua, không thể cạnh tranh lại. Thế là bỏ công tìm hiểu và ông biết rằng nguyên nhân không thể cạnh tranh về giá cả là vì xương rồng Trung Quốc chủ yếu được trồng ghép trên cây thanh long chứ không phải được gieo từ hạt - hạt giống chủ yếu mua từ nước ngoài, từ 3 đến 4 đô/1 bịch, 10 hạt. Do đó, mặc dù cây vẫn tốt, hoa đẹp nhưng xương rồng Trung Quốc lại mau chết yểu. Nắm được điểm yếu của “đối thủ”, ông tập trung nghiên cứu đa dạng sản phẩm, cân đối giá thành và chờ đợi thời cơ. Sau một thời gian, xương rồng Trung Quốc bắt đầu bị người chơi tẩy chay vì chỉ một thời gian là cây bị biến dạng và chết.

Trang trại hoa xương rồng của lão nông Thọ Trường
Trang trại hoa xương rồng của lão nông Thọ Trường

Bây giờ, cây xương rồng của ông Năm đã “phủ sóng” thị trường từ Nam ra Bắc. Đích đến phía trước của ông giờ là truyền niềm đam mê loài “hoa cát” đến mọi người và bày thú chơi tao nhã này cho lớp trẻ.

Bởi theo ông, “bọn trẻ ngày nay có nhiều đứa chọn cách giải trí tầm bậy quá, vừa phí sức, vừa phí tiền, lại dễ hỏng thân”. Ông bảo việc chơi xương rồng giúp khám phá vẻ đẹp từ những gì xù xì, tưởng là xấu xí nhất. Lại nữa, qua xương rồng, có thể truyền cho người ta niềm tin rằng, mọi thứ trong cuộc sống này đều hữu ích, đều có thể đơm hoa, nếu biết cách đón nhận và cho đi cũng giống như quá trình lớn lên và kết hoa của loài xương rồng. Chia tay - lão nghệ nhân, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của “vua hoa cát” đã ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng chưa chịu “thoái vị” này: “Cây xương rồng hay lắm, thời tiết khắc nghiệt mấy nó vẫn tồn tại; con người mình cũng vậy, phải vượt qua mọi trắc trở và thử thách của cuộc sống để vươn lên”.

Anh Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ