(GD&TĐ) - “Máu nhất là biểu diễn phục vụ giới trẻ” - đó là tâm sự của kỷ lục gia nổi tiếng Mai Đình Tới, người đã sáng tạo và biểu diễn thành công những dụng cụ tự chế, từ dây ống nước, kéo đàn dây điện, thổi dàn chai nước ngọt, gõ chén, chuông… đến các “độc chiêu” khác như thổi sáo bằng hai mũi, thổi lá cây, kéo đàn cò bằng miệng… Anh cũng đã từng biểu diễn phục vụ miễn phí cho học sinh - sinh viên hơn 100 trường THCS, THPT, ĐH, CĐ trong cả nước xem.
“Lửa thử vàng”
Sinh ra tại một làng quê ở Thanh Hóa, vốn rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật dân tộc nên cứ mỗi lần nghe có đoàn Tuồng này, đoàn Chèo kia đang muốn tuyển diễn viên là anh đều đến tham gia ứng thí, nhưng lần nào cũng rớt thảm hại. Không nản chí, anh vẫn chắt chiu nuôi dưỡng ước mơ của mình. Năm 1978, tạm biệt đồng quê lam lũ, anh khăn gói ra Hà Nội và thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Nhà nghèo nên những ngày học ở Hà Nội với anh thật sự là những ngày “lửa thử vàng…”. Anh phải đi làm thêm rất nhiều nghề để tự nuôi sống bản thân. Nhờ trì chí, những khó khăn ngày ấy phải “chào thua” chàng sinh viên này, khi anh tiếp tục thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội để phát triển năng khiếu của mình. Thổi sáo, chơi các loại nhạc cụ dân tộc chính là sở trường của anh, đồng thời anh cũng đã sở hữu rất nhiều các giải thưởng trong nước. Năm 1992, anh bắt đầu sáng tạo ra một phong cách biểu diễn “không đụng hàng”. Anh kể: “Năm ấy, khi tham gia Liên hoan diễn tấu nhạc cụ toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một nghệ sĩ đánh trống bằng... ba chiếc dùi. Ngoài hai chiếc dùi chính, người nghệ sĩ ấy còn khéo léo kẹp chiếc dùi thứ ba vào giữa ngón trỏ và ngón cái. Chiếc dùi ấy đã tạo ra một âm thanh lạ, độc đáo cho bản độc tấu dự thi. Thế là trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng là vừa thổi sáo, vừa chơi trống. Dĩ nhiên, hai tay dành cho sáo thì trống phải sử dụng bằng... chân. Ban đầu, tôi buộc thử vào chân mình chiếc dùi, nhưng mới gõ được mấy nhịp thì chân đã tê cứng bởi máu không thể lưu thông. Nhưng rồi ròng rã suốt hai năm trời luyện tập, tôi đã làm thành thạo. Tiết mục này ra mắt, được khán giả đón nhận nồng nhiệt”.
Nhạc cụ là những chai nước ngọt |
Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục cho ra đời nhiều tiết mục đặc sắc hơn. Khán giả khi thưởng thức các màn trình diễn của anh phải kết hợp giữa nhìn và nghe. Tùy theo đối tượng khán giả mà anh thay đổi tiết mục của mình cho phù hợp. Tính đến nay, với hơn 25 loại nhạc cụ tự chế, anh có thể chơi hay và chuẩn xác mọi giai điệu từ dân gian, nhạc xưa, nhạc trẻ đến nhạc quốc tế... với một phong cách biểu diễn rất dí dỏm trẻ trung.
Những chuyện bây giờ mới kể
Để có được thành công hôm nay, Mai Đình Tới đã phải trải qua một quá trình khổ luyện vất vả, có mồ hôi và cả… máu, mà chính bản thân anh cũng không nghĩ là mình có thể vượt qua được. Anh đã “hy sinh” rất nhiều sở thích cá nhân, như lời bộc bạch: “Sinh hoạt thường ngày của tôi giống như… một công tử bột, tránh gió, sợ mưa, sợ nắng và kỵ cả tắm biển, vì chỉ cần sơ suất để cổ họng bị đau là không thể biểu diễn đạt đến mức độ chuẩn xác. Hơn 20 năm trước, tôi nghiện hút thuốc lá đến vàng cả đôi tay. Vậy mà bây giờ tôi không đụng đến một điếu thuốc, không uống cà phê, rượu bia, chỉ uống toàn nước lọc. Đặc biệt là tôi luôn tăng cường sinh lực bằng cách tập Yoga để luyện khí công cho làn hơi dài và phong phú khi biểu diễn các loại nhạc cụ…”. Thật vậy, anh thổi sáo bằng mũi với mức độ dài hơi mà chính những người thổi kèn và thổi sáo bằng miệng cũng phải thán phục. Cùng một nội dung với phần trình diễn kỹ năng, nhưng tiết mục của anh bao giờ cũng mới, vì anh đã khéo léo chế tác đường dây kịch bản phù hợp với từng đối tượng thưởng thức. Nhờ sử dụng được nhiều nhạc cụ nên nếu bị bệnh ở mũi thì anh biểu diễn bằng chân tay và ngược lại. Còn sáo ống dây nước ra đời gắn liền với một kỷ niệm dễ thương. Hôm nọ, vợ anh đang làm bếp, thấy anh mồ hôi nhễ nhại khuân về cả trăm mét ống dây dẫn nước, chị đã mừng quýnh bởi nghĩ hôm nay “ông xã” biết chăm lo việc gia đình nên thay cả đường nước vốn đang hư hỏng. Nhưng không ngờ, anh cắt ống dây đó thành từng đoạn ngắn. Thấy vợ ngạc nhiên, anh bật mí: “Không phải làm ống dẫn nước, sáo đấy!”. Thất vọng, chị chẳng nói gì thêm. Cơm canh đã bày sẵn nhưng gọi mãi mà anh vẫn chẳng buồn vào ăn. Mãi đến khuya, đoạn ống nước mới phát ra một âm thanh lạ, từ ngoài sân, anh sung sướng chạy vào nhà hét lên: “Kêu rồi! Kêu rồi! Thành công rồi” sau đó ngã xuống nền nhà xỉu vì… đói.
Đàn bằng pô xe |
Còn khi làm đàn bằng chén, chưa đầy một buổi mà anh đã “tiêu diệt” hết sạch toàn bộ số chén ăn cơm trong nhà. Chưa thành công, anh ra chợ mua thêm cả trăm cái nữa, mua luôn cả máy mài để cả tháng trời mài mài, gõ gõ nhức óc cả nhà... Những tiết mục mà anh đánh đổi bằng… máu thì nhiều vô số kể. Năm 2000, khi anh làm cây đàn bằng bóng điện, Đài Truyền hình TP.HCM đã đến làm phim về các công đoạn sáng tạo ấy. Trước máy thu hình, anh đang cặm cụi làm thì bóng đèn neon nổ vỡ. Đoàn làm phim tá hỏa khi nhìn thấy tay và mặt Mai Đình Tới bê bết máu bởi các mảnh thuỷ tinh găm vào. Một kỷ niệm nữa mà anh không bao giờ quên là biểu diễn tiết mục thổi đàn chai cho khách nước ngoài ở nhà hàng Lion (Quận 1) xem. Anh diễn say sưa đến độ môi chạm mạnh vào cổ chai bị rách, máu chảy ướt áo và xuống cả thành chai nhưng vẫn không hề hay biết. Khi diễn xong, anh mới cảm thấy đau và nhìn thấy máu tuôn ra, lúc ấy mới nhanh chóng đến bệnh viện để khâu lại.
Anh đã “mang chuông đi đánh xứ người” trên 35 nước, lần nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Năm 2004, anh được mời sang Pháp biểu diễn. Chỉ còn một ngày nữa là phải đáp máy bay sang Pháp nhưng vẫn chưa có visa. Buổi sáng hôm ấy, anh bay ra Hà Nội làm visa. Có rất đông người xếp hàng nối thành một hàng dài, đến 16h mà vẫn chưa xong. Không ngờ 16h15, anh được đặc cách vào hoàn tất thủ tục hồ sơ và chỉ trong vòng 15 phút sau là bay. Thì ra là nhờ có sự can thiệp của Đại sứ quán Pháp mà mọi việc được giải quyết nhanh gọn. Sự trân trọng của họ làm anh vô cùng xúc động.
Hiện tại, mô hình một dàn nhạc toàn ống nhựa to bằng một sân khấu biểu diễn (chiều cao 5m, chiều dài 9m) mà anh đã ấp ủ và thực hiện hơn ba năm qua đã gần hoàn thành. Tất cả các loại đàn cho dàn nhạc này đều sử dụng duy nhất chất liệu ống nhựa, ngoại trừ dây đàn và có thể dễ dàng di chuyển được, chắn chắn sẽ tiếp tục lập nên một kỷ lục mới cho nghề nghiệp của anh. Niềm đam mê sáng tạo của anh hiện tại vẫn còn nguyên vẹn, đêm đêm anh vẫn thường xuyên bị mất ngủ vì cứ mải mê suy nghĩ về một tiết mục mới nào đó. Nhiều khi đang ngủ, trong đầu nảy ra một ý tưởng nào mới, anh liền ngồi bật dậy viết ngay lên tường ý tưởng ấy, sợ hôm sau lại quên. Bức tường nhà anh hiện vẫn còn vô vàn những vết tích xuất phát từ những ý tưởng đó.
Có thể nói những tiết mục của Mai Đình Tới “không giống ai” và cũng khó ai có thể giống anh. Sự tìm tòi, học hỏi, rèn luyện thường xuyên trong nghệ thuật đã giúp cho anh khẳng định phong cách độc đáo của riêng mình. Anh được công nhận danh hiệu Kỷ lục gia năm 2004, Kỷ lục vàng chuyện lạ Việt Nam 2005 và là Thành viên Kỷ lục Guinness thế giới 2006. |
Minh Minh