(GD&TĐ) - “Có thể nói, phong trào đã mang đến một luồng gió mới, làm thay đổi không khí dạy - học cũng như các hoạt động đoàn thể tại các nhà trường phổ thông” là nhận định của ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khi nói về phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Giờ ra chơi ở trường TH Khương Mai (Thanh Xuân). |
Qua hai năm học triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành Giáo dục Hà Nội được Bộ GD-ĐT đánh giá là đơn vị có tiêu chí chỉ đạo phong trào thi đua trong cả nước và tặng 8 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích Xuất sắc.
Để khích lệ, với những trường học đạt tiêu chuẩn trường học thân thiện, học sinh tích cực, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ trao chứng nhận đạt chuẩn. Năm học 2008 – 2009, trong số 1.004 đơn vị tự đánh giá các tiêu chí đạt xuất sắc, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công nhận 192 trường đạt chuẩn.
Giấy chứng nhận đạt chuẩn của trường THCS Phan Đình Giót (Thanh Xuân) |
Ngay từ sau ngày phát động phong trào, để tạo môi trường học thân thiện, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đầu tư 17 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng chuẩn cho các phòng học của các trường THPT trực thuộc địa bàn Hà Tây, Mê Linh và bốn xã của huyện Lương Sơn mới sáp nhập về Hà Nội. Thành phố cũng đầu tư 100 triệu đồng để cải tạo hệ thống chiếu sáng cho các trường mầm non, tiểu học, THCS; Đầu tư 200 tỷ đồng xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho 1.000 trường học ở địa bàn mới sáp nhập, với mục tiêu năm 2012 có 100% trường học có nhà vệ sinh đạt chuẩn.
Thư viện của trường TH Khương Mai. |
Thành phố cũng xây mới để xóa 5.523 phòng học tạm ở 15 quận, huyện. Tổng vốn đầu tư năm học mới là 1.546 tỷ đồng. Trên 60% trường học có đủ phòng học và các phòng chức năng đảm bảo yêu cầu chiếu sáng trường học, có đủ bàn ghế, bảng đúng quy cách, trang thiết bị dạy học. Để tạo môi trường cảnh quan sư phạm đẹp, hơn 65.108 cây xanh đã được trồng trong trường và các khu di tích lịch sử, văn hóa…
Ông Nguyễn Sỹ Đức, Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học nói chuyện với em Trần Thành Bảo, học sinh lớp 4C trường TH Khương Mai. |
Sở đã quy định các trường học đều phải xây dựng quy tắc ứng xử, có trường xây dựng đề tài giao tiếp, ứng xử được công nhận và triển khai, lồng ghép với phong trào xây dựng “Nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” quy định rõ hành vi ứng xử của học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô giáo, thầy cô giáo với học sinh và nhân dân địa phương…
Nhiều trường đã có nhiều sáng kiến mở các lớp tập huấn rèn kỹ năng xử lý các tình huống trong cuộc sống như chống đuối nước, tổ chức dạy bơi cho học sinh, kỹ năng xử lý tình huống điện giật, tai nạn giao thông… Các loại hình nghệ thuật dân gian được đưa vào trường học thông qua các hoạt động tập thể như các hội thi trò chơi dân gian, nghệ thuật dân gian hay hình thức câu lạc bộ.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng đã đi kiểm tra tại 4 trường: Mầm non Hoa Sữa, THPH Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm); Tiểu học Khương Mai, THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân). |
Tìm hiểu, tham gia bảo vệ, chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa địa phương cũng được phát huy mạnh trong các trường học đã giúp học sinh ngày càng có ý thức về truyền thống và chủ động tham gia các hoạt động xã hội có ích. Tuy nhiên, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực ở Hà Nội vẫn gặp khó khăn khi có gần 50% trường không đủ diện tích quy chuẩn trên đầu học sinh, gần 40% trường không đủ phòng học, phòng chức năng… và 35% trường chưa đạt chuẩn về công trình vệ sinh.
Tính đến nay, trong tổng số 2.331 trường học trên toàn thành phố, có 934 trường đăng ký danh hiệu trường đạt chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trong năm học 2009 - 2010, cùng với việc phát huy và nhân rộng phong trào, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục phấn đấu hoàn thành chương trình chiếu sáng học đường, đầu tư thêm cơ sở vật chất cho công tác cải tạo hệ thống vệ sinh, nước sạch; hoàn thành chương trình xoá phòng học tạm, học nhờ; tổ chức và tham gia các hoạt động hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng hơn nữa công tác giáo dục đạo đức học sinh không chỉ bằng các khẩu hiệu, mà cùng với việc lồng ghép tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào giảng dạy trong nhà trường. Sở cũng đang nhanh chóng hoàn tất công việc biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” để đưa vào giảng dạy cho học sinh trong các giờ tự chọn.
Tranh vẽ của học sinh trường THCS Phan Đình Giót. |
“Có thể nói, phong trào đã mang đến một luồng gió mới, làm thay đổi không khí dạy - học cũng như các hoạt động đoàn thể tại các nhà trường phổ thông. Phong trào cũng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các Hội, đoàn thể, ban, ngành trong toàn xã hội tham gia đóng góp, cùng chung tay xây dựng sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển. Năm học 2008 - 2009, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của toàn thành phố Hà Nội đạt trên 88%, dẫn đầu số lượng học sinh giỏi quốc gia và số giải Nhất, và cũng là địa phương có nhiều học sinh đỗ Đại học với số điểm cao. Giáo dục Hà Nội không chỉ làm tốt “3 đủ” mà còn phát động nhiều phong trào trong toàn thể CB-GV-CNV và học sinh ủng hộ, quyên góp giúp đỡ đồng bào bão lụt với số tiền gần 3 tỷ đồng và hàng ngàn thùng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Các em học sinh tình nguyện “nhường một suất quà sáng cho các bạn học sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa…” – ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quang Quý đã đánh giá cao sự nỗ lực, đoàn kết và thống nhất trong chỉ đạo của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội sau ngày hợp nhất. Trong năm học vừa qua, ngành Giáo dục Thủ đô vẫn giữ vững danh hiệu là đơn vị đạt nhiều thành tích xuất sắc trong dạy - học và đi đầu trong các phong trào thi đua. Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông, đa dạng nhất nước, nhưng cũng là địa phương có nhiều học sinh và giáo viên có chất lượng về tri thức, có điều kiện và khả năng hội nhập lớn nhất trong cả nước.
Do đó, mục tiêu của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là tạo sự chuyển biến, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Phong trào này còn chú trọng việc giáo dục đạo đức, nếp sống lạnh mạnh cho học sinh, giáo dục các em kỹ năng sống nhằm tránh xa những hiểm hoạ phức tạp của xã hội đang phát triển theo xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá. Để hoàn thiện hơn các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong thời gian tới, dự kiến Bộ sẽ bổ sung thêm nội dung thứ sáu là “An toàn của học sinh khi đến trường”.
Quang Anh