"Ngoại giao bóng đá" Mỹ - Iran

"Ngoại giao bóng đá" Mỹ - Iran

(GD&TĐ) - Quan hệ Mỹ - Iran những ngày gần đây đã có những tín hiệu nồng ấm. Từ những bài phát biểu trên diễn đàn Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 đến cuộc điện đàm lịch sử của hai Tổng thống Barack Obama và Hassan Rouhani, giới phân tích đều khẳng định Mỹ và Iran đang xích lại gần nhau. Tuy nhiên, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Washington và Tehran không đơn giản chỉ qua một cuộc điện đàm. Sẽ có hàng loạt hoạt động ngoại giao thú vị khác nhằm thiết lập lại quan hệ giữa hai nước và “ngoại giao bóng đá” Mỹ-Iran là một ví dụ.

Từ “ngoại giao bóng bàn” đến “ngoại giao bóng đá”

Người Mỹ có vẻ như đã học được bài học thâm thúy từ Trung Quốc khi muốn hàn gắn những “vết thương” trong quan hệ ngoại giao. Cách đây hơn 40 năm (1971), từ sáng kiến của Bắc Kinh với mục đích hạn chế tầm ảnh hưởng của Liên Xô, chính sách “ngoại giao bóng bàn” đã tạo ra bước đột phá quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nói như cách nói của các nhà phân tích thì đội bóng bàn của Mỹ và cánh phóng viên tháp tùng đã trở thành “mũi tên đầu tiên” xuyên thủng “bức tường thù địch” giữa hai nước, mở đường cho chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn căng thẳng, động thái “ngoại giao bóng bàn” Trung - Mỹ làm cả thế giới ngỡ ngàng. Tất nhiên, sau chuyến thăm chính thức Bắc Kinh của Richard Nixon sau đó 10 tháng, quan hệ Trung - Mỹ ấm lên rõ rệt.

Giờ đây, khi tín hiệu muốn bình thường hóa quan hệ với phương Tây được phát ra từ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Washington nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Cuộc điện đàm được coi là vồ vập của Tổng thống Barack Obama vừa qua là một ví dụ. Nói theo cách nói của Jonathan Pollack - thành viên cao cấp của viện Brookings rằng nếu những nỗ lực ngoại giao có thể giải quyết được vấn đề hạt nhân của Iran thì nó sẽ là “món quà từ trên trời rơi xuống” với Mỹ và các đồng minh.

Tuy nhiên, với văn hóa phương Đông, mọi cách tiếp cận phải hết sức tinh tế chứ không nên “phô” như cú điện đàm vừa rồi - cú điện đàm khiến Rouhani bị ném giày và trứng thối, còn Obama rơi vào tình trạng khó xử với các đồng minh Ả Rập và Israel. Có lẽ vì thế mà Washington đổi cách tiếp cận với Tehran bằng cách áp dụng kinh nghiệm của Bắc Kinh đối với chính họ cách đây hơn 40 năm.

Ngày 5/10, báo Tehran Times đưa tin: Liên đoàn Bóng đá Mỹ có lời mời đội tuyển bóng đá Iran tới Mỹ thi đấu một trận... giao hữu. Tehran Times trích lời Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Iran Ali Kafashian cho hay: “Các quan chức bóng đá Mỹ muốn tổ chức một giải đấu gồm 4 đội đến từ Mỹ, Iran, Nam Mỹ và châu Âu. Chúng tôi đã nhận được lời mời từ Liên đoàn Bóng đá Mỹ…”.

Bình thường hoá quan hệ Mỹ - Iran không thể ngày một ngày hai
Bình thường hoá quan hệ Mỹ - Iran không thể ngày một ngày hai
 

Những trở ngại trong việc cải thiện quan hệ Mỹ - Iran

Sau hàng loạt những động thái giữa Mỹ và Iran gần đây, giới quan sát đặt câu hỏi: Có hy vọng giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran? Quan hệ Tehran và Washington có ấm lên?

Trả lời những câu hỏi trên, đa số các nhà phân tích đều bày tỏ thái độ “lạc quan thận trọng”. Theo các nhà phân tích, mâu thuẫn giữa ý nguyện tiếp tục thực hiện chương trình hạt nhân của Iran và mục tiêu chính trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông không được giải quyết khiến các bên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh ấy, Israel luôn là “kẻ phá bĩnh” những nỗ lực ngoại giao của Iran và Mỹ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không ngớt lời khẳng định rằng lời nói và thái độ của Tehran là “không đáng tin cậy”, rằng “một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân ở Trung Đông không phải chỉ nguy hiểm bằng một Triều Tiên mà là 50 Triều Tiên”. Israel cho rằng những động thái hòa hoãn của Rouhani với cộng đồng quốc tế chỉ nhằm kéo dài thời gian, giúp Iran hoàn thành kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân mà thôi.

Về phía Iran, mới đây lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei tuyên bố ủng hộ chính sách ngoại giao về hạt nhân của Tổng thống Rouhani. Tuy nhiên, Ali Khameney nhấn mạnh rằng không thể tin được Mỹ, nhưng vẫn phải cố gắng hợp tác. “Chúng tôi lo ngại trong quan hệ với người Mỹ. Chính phủ Mỹ là không đáng tin cậy. Họ không giữ lời hứa và thực hiện những chính sách vô lý”- Ali Khamenei khẳng định. Giới phân tích đặt câu hỏi: Làm sao có thể hợp tác với nhau khi bị khủng hoảng lòng tin?

Chính vì vậy, vào thời điểm hiện tại, việc xây dựng lòng tin với Mỹ và Iran là hết sức quan trọng. Điều dễ hiểu rằng lòng tin không thể được xây dựng trong một sớm một chiều, bằng những lời lẽ sáo rỗng mà phải được xây dựng bằng thiện ý qua những việc làm cụ thể. Và “Ngoại giao bóng đá” là một trong những bước đi cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa nhân dân và chính quyền hai nước. Trong bối cảnh như hiện nay, các cầu thủ bóng đá của Mỹ và Iran sẽ là những sứ giả thực thụ giúp hai nước lấy lại lòng tin, bởi không có lòng tin thì khó có thể nói đến hợp tác.

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ