(GD&TĐ) - Đó là tên buổi giao lưu về tình yêu – hạnh phúc của người khuyết tật (NKT), do Trung tâm hội LHTN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức ngày 26/12/2010, tại Hà Nội nhân dịp Năm mới 2011 và hướng tới ngày Luật Người khuyết tật Việt Nam chính thức có hiệu lực (ngày 1/1/2011).
Với sự có mặt của lãnh đạo Trung tâm SĐL, đại diện Ban vận động thành lập Hội thanh niên khuyết tật Việt Nam (thuộc Hội LHTN Việt Nam), buổi giao lưu đã thu hút sự tham dự của cả NKT và không KT, các thành viên của Trung tâm SĐL Hà Nội, các PA cùng đông đảo khách mời, các bạn sinh viên đến từ các trường ĐH, Học viện, CĐ và đại diện các cơ quan báo chí. Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của chuyên gia tâm lý Khuất Thu Hồng.
Quang cảnh buổi giao lưu |
Tình yêu vốn là nguồn động viên vô cùng lớn lao đối với mọi người, nhất là NKT, tiếp thêm nghị lực để họ sống, vượt qua khó khăn và vươn lên, sống đẹp và có ý nghĩa hơn. Giữa những bộn bề cuộc sống, giữa rất nhiều ngả rẽ trong cuộc đời, cuộc sống của NKT đang dần được cải thiện, vai trò của NKT trong xã hội đang ngày càng được khẳng định. Đã có rất nhiều chương trình, hội thảo, giao lưu,… bàn về cơ hội giáo dục, việc làm, phục hồi chức năng,… cho NKT, nhưng còn thiếu những buổi giao lưu bàn về tình yêu, hạnh phúc của họ. Và mục đích của buổi giao lưu “Lắng nghe bằng cả trái tim” là tạo cơ hội để NKT và người không khuyết tật trao đổi với nhau về vấn đề rất đỗi gần gũi nhưng có phần tế nhị này.
Đối với rất nhiều người, tình yêu luôn là một cuộc kiếm tìm suốt cả cuộc đời. Chính sự khó nắm bắt, tưởng như đến mơ hồ đó đã khiến cho tình yêu trở nên diệu kỳ, như nhà thơ Xuân Diệu đã viết:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…
Tại buổi giao lưu, những NKT và người không KT đã cùng nhau chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, quan điểm về tình yêu đôi lứa, cùng đi tìm lời giải cho một tình yêu đích thực... Họ cùng trải lòng mình trong vấn đề quyền và cách nhìn nhận về tình yêu và hạnh phúc của NKT, đưa ra suy nghĩ, quan điểm của mỗi người vào phiếu thăm dò ý kiến về tình yêu của NKT. Mỗi người mang trong mình một tâm sự riêng, một thế giới riêng nhưng họ đều gặp nhau ở cùng suy nghĩ: Cả NKT và người không khuyết tật đều luôn khao khát về một tình yêu chân chính và họ sẵn sàng sống hết mình cho tình yêu ấy.
Cùng “Lắng nghe bằng cả trái tim”, mọi người không chỉ có cơ hội xích lại gần nhau hơn mà còn được nghe kể về câu chuyện tình xúc động cũng như cuộc sống đời thường của những mối tình giữa những NKT và cả những người không khuyết tật với NKT như gia đình chị Lan Anh - anh Sinh, cặp vợ chồng chị Oanh... Họ đều là những cặp vợ chồng thành đạt và tình yêu là yếu tố không thể thiếu đóng góp trong những thành công của họ. Các cặp vợ chồng đã trả lời rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh mọi góc cạnh trong tình yêu của các lứa đôi. Điều cuối cùng mọi người đều cảm nhận được từ họ chính là hạnh phúc gia đình được xây đắp bởi tình yêu chân thành. Bạn Lê Hà, thành viên Trung tâm SĐL Hà Nội cho biết, mình rất ấn tượng về mối tình qua những cánh thư của cặp vợ chồng chị Hồng Nga đến từ Cần thơ.
Nhiều người tham dự cũng có chung suy nghĩ như Hà. Chị Nga là NKT, còn chồng chị là người không KT. 2 anh chị quen nhau qua mục giao lưu kết bạn của đài phát thanh khi chị Nga tuyệt vọng nhất và chỉ có chiếc đài là bạn. Sau khi chị Nga gửi tâm sự qua đài, anh đã viết thư cho chị. Lúc đầu, chị Hồng Nga cự tuyệt tình yêu anh dành cho chị vì đã quyết chỉ chia sẻ với NKT chứ “không yêu người hai chân” như chị cho biết. Thế nhưng, với tình yêu chân thành của mình thể hiện qua những cánh thư, anh đã kiên trì thuyết phục được chị thay đổi suy nghĩ trước đây. Vì nhà anh ở xa nhà chị, nên 2 người yêu nhau khi còn chưa thấy mặt nhau. Cuôi cùng, 2 người đã gặp được nhau, rồi nên duyên vợ chồng. Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh chị đến nay đã được 20 năm.
Xen giữa các phần giao lưu là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các diễn viên nghiệp dư của Trung tâm SĐL Hà Nội và đại biểu tham dự thể hiện. Đó là 3 tiểu phẩm do dàn diễn viên chính là các PA của Trung tâm SĐL Hà Nội biểu diễn. Từ tiểu phẩm một cô gái khuyết tật đi tìm hạnh phúc cùng người bạn có hoàn cảnh như mình nhưng đã vấp phải sự phản đối từ chính những người thân trong gia đình; hay Tú – 1 cô gái khuyết tật mang trong mình trái tim luôn biết yêu thương đã bị cướp mất người yêu bởi chính cô bạn thân; rồi một cô gái luôn sống tự ti, mặc cảm nên vô tình đã gây ra sự hiểu lầm với chính người yêu và người trợ giúp cá nhân của mình. Các tiểu phẩm đã diễn tả được rất nhiều cung bậc cảm xúc, cũng như khía cạnh khó khăn, thuận lợi thường gặp trong cuộc sống tình yêu của NKT.
Cả khán phòng lặng im, đâu đó có những giọt nước mắt đồng cảm bắt đầu rơi trên từng khuôn mặt. Có nhiều NKT như thấy chính mình trong đó, những câu chuyện đời, những dòng tâm sự được chia sẻ, và trái tim những người có mặt tại khán phòng đều trở nên gần gũi hơn trong tình người ấm áp. “Ban đầu, khi tập em còn vụng về. Thế nhưng không khí xúc động trong buổi giao lưu đã giúp em diễn tốt hơn”, Q, một diễn viên nghiệp dư là PA của Trung tâm SĐL, người đã vào vai rất thành công trong các tiểu phẩm, cho biết.
Cùng với các tiểu phẩm kịch, những tiết mục biểu diễn ca nhạc của NKT cũng như các thành viên Trung tâm SĐL Hà Nội như Minh Hậu, Kim Oanh đã gây xúc động cho những người tham dự. Từ những bạn trẻ chưa một lần trải qua những cung bậc tình yêu tới những cặp đôi đang sống hạnh phúc và cả những người đang lắng nghe trái tim mình rung lên khi đứng trước người bạn khác giới,… Những ca khúc trữ tình: Thuyền và Biển, Tôi đã biết yêu, Yêu nhau ghét nhau,… được vang lên ngọt ngào mà sâu lắng, chứa đựng trong đó là rất nhiều tâm sự tình yêu của mọi người trong khán phòng.
Đúng như tên gọi, buổi giao lưu “Lắng nghe bằng cả trái tim” đã để lại dư âm đầy ý nghĩa trong trái tim những người đến dự, cả những NKT và không KT. Tuy mỗi người ra về với những cảm nghĩ khác nhau, nhưng có lẽ điều lắng sâu nhất trong lòng mọi người chính là thông điệp “Hãy biết lắng nghe tình yêu bằng chính trái tim và tấm lòng mình, vì ở nơi đó không có ai là người khuyết tật”.
Nguyễn Huệ